Hướng đi nào cho vùng trồng chuối ngự ven sông Hồng?

LCĐT - Do bị bọ rệp, bọ giáp và bệnh vàng lá panama gây hại trên diện rộng ở các vườn trồng chuối ngự giá quả chuối xuống thấp, nên nhiều hộ đã chặt bỏ để chuyển đổi sang trồng cây khác. Điều này gây thiệt hại lớn cho nông dân và khiến diện tích vùng chuối ngự ven sông Hồng thuộc các xã Sơn Hà (Bảo Thắng), Cam Cọn (Bảo Yên) thu hẹp nhanh chóng.

Hướng đi nào cho vùng trồng chuối ngự ven sông Hồng? ảnh 1
Nhiều buồng chuối ở xã Sơn Hải đến kỳ cho thu hoạch bị sâu, bệnh hại nên nông dân phải chặt bỏ.

Cây chuối ngự bén rễ vùng đất ven sông Hồng thuộc các xã Cam Cọn (Bảo Yên), Sơn Hà (Bảo Thắng) cách đây hơn 15 năm. Đây là giống chuối ngự ngon nổi tiếng, có nguồn gốc từ làng Đại Hoàng, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, được một số hộ đưa về trồng. Sau nhiều năm, diện tích chuối ngự không ngừng được mở rộng, có thời điểm lên đến hơn 60 ha. Cây chuối ngự từng bước khẳng định vị thế trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, nâng giá trị thu nhập trên 1 ha đất canh tác. Quả chuối ngự Lào Cai dần trở thành sản phẩm hàng hóa có mặt ở các tỉnh, thành và xuất khẩu sang Trung Quốc, với sản lượng trung bình mỗi tháng hơn 50 tấn quả. Nhờ trồng chuối ngự mà nhiều hộ ở các xã Sơn Hà, Cam Cọn có thu nhập cao; có hộ nhờ trồng chuối ngự mà xây được biệt thự, nhà vườn.

Nhưng đó là cảnh của những năm 2015 đến năm 2020, bây giờ thì ngược lại. Hiện nay, người dân trồng chuối ở vùng đất ven sông Hồng đang loay hoay chưa biết làm thế nào khi dịch bệnh như bọ rệp, vàng lá panama… hoành hành ở các vườn chuối ngự. Cùng với đó, giá quả chuối xuống thấp khiến nhiều hộ phải chặt bỏ, bởi nếu có chặt về bán thì cũng không ai mua, thậm chí thu không đủ chi tiền nhân công.

Anh Phạm Văn Doanh, thôn Hồng Cam, xã Cam Cọn nhớ lại: Vào thời điểm này cách đây 2 năm, tại xã Cam Cọn lúc nào cũng tấp nập ô tô ra, vào thu mua chuối. Nhất là vào những tháng cuối năm, thôn Hồng Cam đông vui vì tiểu thương đến mua chuối về bán dịp tết. Nhưng giờ, đang vào thời kỳ chuối chắc quả đến kỳ thu hoạch vụ hè, mỗi tuần chỉ lác đác vài xe tải nhỏ về mua chuối. Năm nay chuối mắc sâu bệnh, quả xấu mã, ruột bị sượng ngay cả khi đã chín, cùng với đó bên Trung Quốc không nhập hàng nên tư thương không thu mua nữa.

Năm 2019 - 2022, chuối có giá bán từ 7.000 đến 8.000 đồng/nải chuối (tương đương khoảng 10.000 đồng/kg), thậm chí dịp tết Nguyên đán, giá chuối lên đến 20.000/kg, nhưng hiện giờ giá chuối còn 3.000 - 4.000 đồng/kg mà tư thương cũng kén chọn chuối đẹp mã, ngon mới mua.

Được biết, thời kỳ đỉnh điểm là vào năm 2020, vùng trồng chuối ngự của xã Cam Cọn phát triển lên đến hơn 70 ha. Năm 2020, HTX Chuối ngự Hồng Cam được thành lập với mục đích hỗ trợ các hộ áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào trồng, chăm sóc để tăng năng suất và xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị kinh tế đối với sản phẩm chuối ngự địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, tình hình tiêu thụ khó khăn khiến diện tích chuối ngự giảm nhiều. Đặc biệt, riêng thôn Hồng Cam, thôn trọng điểm về phát triển cây chuối ngự, đã có hơn 2 ha chuối bị nhiễm sâu bệnh, có nguy cơ phải chặt bỏ hoàn toàn.

Sang xã Sơn Hà (huyện Bảo Thắng) chúng tôi thấy các vườn chuối ngự cũng chung cảnh ngộ. Tại thôn An Thắng, nhiều hộ đang chặt bỏ những buồng chuối ngự đã già nhưng không bán được để cho cá hoặc bò ăn, thậm chí có hộ phá hẳn cả vườn chuối để chuyển sang trồng cây khác.

Hướng đi nào cho vùng trồng chuối ngự ven sông Hồng? ảnh 2
Người dân vùng trồng chuối Hồng Cam, xã Cam Cọn phải chặt bỏ cả vườn để chuyển sang trồng cây khác.

Theo ông Vũ Thành Lân, Trưởng thôn An Thắng, chưa khi nào người trồng chuối ngự ở đây gặp thiệt hại “kép” như vụ chuối năm nay, khi cây chuối vừa bị sâu, bệnh tàn phá, trong khi giá quả chuối xuống mức thấp chưa từng có, thậm chí còn không có tư thương đến thu mua. Vì thế nhiều hộ trồng chuối ngự ở An Thắng đang chặt bỏ các vườn chuối để chuyển sang trồng cây khác. Năm 2019, thôn có 5 ha chuối, nhưng đến giờ, diện tích giảm còn khoảng 1,5 ha.

Đang chặt bỏ những bụi chuối đã có buồng, chị Lê Thị Thúy, thôn An Thắng, xã Sơn Hà ngậm ngùi: Nhà tôi trồng chuối ngự từ mấy năm nay, nhưng chưa khi nào cây chuối lại cùng lúc mắc nhiều bệnh như vậy. Khi cây chuối bị sâu, bệnh tấn công sẽ không có thu hoạch, nếu có ra buồng thì cũng không bán được do quả có vết thâm trên vỏ và ruột bị sượng khi chín. Năm nay, gia đình tôi sẽ chặt bỏ một nửa diện tích chuối ngự để chuyển sang trồng cỏ voi nuôi bò.

Theo bà Đỗ Hương Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hà, xã hiện có 3 thôn ven sông Hồng là An Thắng, An Trà, An Hồng trồng chuối ngự với tổng diện tích gần 10 ha, đến thời điểm này có hơn 7 ha chuối bị nhiễm sâu bệnh làm giảm năng suất, thậm chí có vườn chuối phải chặt bỏ.

Vùng trồng chuối ngự ven sông Hồng đang có khoảng 70 ha, trong đó xã Cam Cọn (huyện Bảo Yên) có 60 ha và xã Sơn Hà (huyện Bảo Thắng) có 10 ha. Định hướng đến năm 2025, vùng chuối này sẽ phát triển lên khoảng 80 đến 100 ha. Để chuối ngự thành sản phẩm OCOP của địa phương, ngoài những cơ chế khuyến khích bà con mở rộng diện tích trồng chuối, các địa phương đã phối hợp với cơ quan chuyên môn hoàn thiện các thủ tục pháp lý để sản phẩm được chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, được gắn tem truy xuất nguồn gốc, xuất xứ cũng như chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm để phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, trước tình hình sâu, bệnh diễn biến phức tạp, trong khi phương án phòng, trừ sâu, bệnh chưa hiệu quả nên nguy cơ vùng chuối ngự hàng hóa sẽ thu hẹp và liên tục thất thu là khó tránh khỏi.

Theo một cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, nếu cây chuối ngự được trồng liên tục nhiều năm trên cùng khu đất sẽ rất dễ mắc bệnh vàng lá do virus, do nấm và bị sâu bọ giáp tấn công, đây đều là những loại sâu, bệnh chưa có thuốc trừ đặc hiệu. Vì vậy, việc tìm giải pháp chuyển đổi giống cây trồng phù hợp để khai thác lợi thế đất bãi ven sông Hồng hiệu quả đang là bài toán cần các cấp, các ngành chuyên môn sớm có lời giải.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Lào Cai được xác định là 1 trong 6 cực tăng trưởng của vùng trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc

Lào Cai được xác định là 1 trong 6 cực tăng trưởng của vùng trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc

Ngày 4/5/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 369/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong quy hoạch này, Lào Cai được xác định là 1 trong 6 cực tăng trưởng của vùng trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc.

Tổ chức tháng cao điểm “Gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo”

Tổ chức tháng cao điểm “Gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo”

Thực hiện phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Chi nhánh tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác triển khai kế hoạch tổ chức tháng cao điểm “Gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo”.

Năm 2024, phấn đấu có thêm 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Năm 2024, phấn đấu có thêm 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Lào Cai vừa ban hành Kế hoạch 239/KH-BCĐ triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại các xã phấn đấu hoàn thành “Xã đạt chuẩn nông thôn mới”, “Xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao” năm 2024 trên địa bàn tỉnh.

Thủ tướng yêu cầu thanh tra ngay thị trường vàng

Thủ tướng yêu cầu thanh tra ngay thị trường vàng

Tại chỉ thị vừa ban hành, Thủ tướng yêu cầu kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng của các TCTD; đồng thời thực hiện ngay công tác thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng.

fb yt zl tw