Nặng lòng với gốm Lái Thiêu
Lúc còn ở quê, anh Huỳnh đã rất thích các sản phẩm gốm nung củi của Lái Thiêu qua bộ chén, dĩa của bà, mẹ. Thế nên, khi bắt đầu học tại TP. Hồ Chí Minh vào năm 2018, anh đã tìm về một số chợ ở Bình Dương để mua gốm.
“Tôi đến nhiều chợ nhưng đã không còn mẫu gốm đa dạng như trước, thậm chí còn bị cạnh tranh bởi những bộ chén, dĩa Trung Quốc. Sau đó, tôi hỏi thăm một số lò gốm ở Tân Phước Khánh, Chợ Búng… thì biết họ không còn làm nhiều sản phẩm, độ tỉ mỉ cũng giảm đi và thế hệ sau cũng không theo nghề mà làm công việc khác”, anh Huỳnh kể.
Sẵn có chuyên môn mỹ thuật, anh Huỳnh thương lượng với chủ lò mua lẻ vài món để tự vẽ rồi sử dụng. Tuy nhiên, anh phải đặt trên 100 đơn mới được chủ lò đồng ý. “Vì quá nhiều nên tôi đem lên thành phố bán trong các hội chợ và được nhiều người yêu thích. Từ đó, tôi xem đây là nghề tay trái để trang trải chi phí học tập”, anh Huỳnh cho hay.
Càng tìm hiểu về gốm Lái Thiêu, chàng trai này lại càng yêu thích và muốn được học hỏi nhiều hơn. Suốt quãng thời gian học đại học, cứ có thời gian rảnh là anh Huỳnh lại bắt xe buýt về một lò gốm ở TP.Thuận An để nghiên cứu kỹ thuật và vẽ gốm. Dần dà, anh Huỳnh lên quyết tâm theo nghề để gìn giữ nét đẹp văn hóa này.
Lúc xin theo nghề, anh bị chủ lò ngăn cản kịch liệt vì theo vị này tốt nghiệp đại học nên chọn nghề nhàn nhã hơn chứ đừng chọn cái nghề “chân lắm tay bùn” này, thậm chí con cái ông cũng không theo nghề. Nhưng anh vẫn quyết tâm vì theo anh, dòng gốm Lái Thiêu xưa rất đẹp, nếu bỏ đi sẽ vô cùng tiếc nuối.
Nói là làm, sau khi tốt nghiệp, anh dọn về sinh sống và làm việc tại Bình Dương. Để có thêm nhiều kinh nghiệm, ngoài học hỏi từ những thợ làm gốm lâu năm, anh Huỳnh còn ra sức nghiên cứu các giá trị văn hóa truyền thống của gốm Lái Thiêu. Thấy anh quá đam mê, người chủ lò sau khi về hưu đã để lại lò gốm hơn 40 năm tuổi cho anh quản lý. Từ đây, ông chủ lò trẻ này bắt đầu đem gốm Lái Thiêu lên mạng xã hội.
Lượng đơn hàng tăng cao
Anh Huỳnh cho biết, dù hoa văn gốm Lái Thiêu xưa rất đẹp nhưng nếu vẫn giữ những nét truyền thống này mà không có sự đổi mới chắc chắn sẽ dễ bị lãng quên. Do đó, ngoài học cách vẽ gốm của người xưa, anh còn “thổi hồn” vào đó những cảm hứng hiện đại.
“Tôi chọn những hoa văn tuy mới nhưng vẫn gần gũi với người dân Nam bộ, đó là bông điên điển, trái quýt từ quê nhà Kiên Giang hay những bộ thờ, khạp đắp hình lân, rồng khỏe khoắn. Từ đó, sản phẩm thêm đa dạng nhưng vẫn không xa rời truyền thống”, anh cho hay.
Để được nhiều người biết đến, anh Huỳnh tạo nhiều tài khoản mạng xã hội mang tên “Nắng Ceramics” để chia sẻ các sản phẩm gốm và quy trình thực hiện. Thời gian rảnh, anh còn livestream (phát trực tiếp) để chia sẻ về nét đẹp của gốm Lái Thiêu. Và điều này đã mang lại nhiều phản hồi tích cực cho lò gốm của anh.
“Nhiều người trẻ, các chủ nhà hàng, quán ăn thích dòng gốm Lái Thiêu xưa bắt đầu tìm đến tôi để nhờ thiết kế và đặt hàng số lượng lớn. Họ nói rằng muốn tìm các sản phẩm như thế này nhưng ra chợ lại không có. Ngoài ra, nhiều khách hàng ở Nhật Bản, Pháp, Mỹ… cũng đặt mua vì thấy sản phẩm thủ công Việt Nam đẹp khi tôi chia sẻ trên mạng xã hội”, anh Huỳnh vui vẻ nói.
Tùy vào nhu cầu khách hàng, mẫu mã, lò gốm của anh Huỳnh có thể làm từ 200 - 1.000 sản phẩm/ngày, với đủ loại như: chén, dĩa, tô, khạp, chậu cây, bộ thờ, sản phẩm nghệ thuật… với giá từ vài chục ngàn đồng đến hàng chục triệu đồng. Nhờ chuyển đổi số mà số lượng đơn hàng tăng 30 - 50% so với trước, thời điểm tết có thể gấp 3 - 5 lần.
Tại lò gốm của anh Huỳnh hiện nay, ngoài những thợ thủ công lâu năm, đa phần là lực lượng trẻ, khoảng 10 người. Đây là những thợ trẻ có tình yêu với gốm Lái Thiêu được anh Huỳnh mời gọi và theo nghề đến nay. Theo lò gốm được 2 năm, chị Phạm Nguyễn Anh Thi (25 tuổi), ngụ TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai chia sẻ: “Tôi biết lò gốm của anh Huỳnh qua bài chia sẻ trên mạng xã hội nên đã đến tìm hiểu vì đường nét, hoa văn, kiểu dáng của gốm Lái Thiêu quá thu hút. Thời gian đầu làm việc, tôi gặp khó khăn nhiều ở khâu tạo hình, đo lường độ dày của gốm nhưng càng làm lại càng yêu thích công việc này”.
Chia sẻ về mong muốn của bản thân, anh Huỳnh cho hay anh muốn hình ảnh của gốm Lái Thiêu sẽ xuất hiện nhiều hơn trên mạng xã hội để nhiều người biết đến. Ngoài ra, việc làm này sẽ trở thành động lực cho những người trẻ có mong muốn theo đuổi những giá trị văn hóa truyền thống xưa.
“Nguyên liệu đã ít hơn xưa, lò gốm nung củi cũng không còn được ưa chuộng, do đó tôi rất muốn cải tiến và tìm nguồn hỗ trợ. Và, điều tôi mong mỏi nhất là các cô chú thợ lành nghề, có hơn chục năm gắn bó với nghề được công nhận là nghệ nhân để xứng đáng với công sức mà họ đã cống hiến để tô vẽ cho gốm Lái Thiêu ngày càng đẹp hơn”, anh Huỳnh bộc bạch.
Tác giả: Thượng Hải