Du khách trải nghiệm hái chè tại vùng chè đặc sản Tân Cương. Ảnh: Quân Trang/TTXVN
Vùng chè đặc sản Tân Cương thu hút du khách
Tân Cương là vùng đất bán sơn địa có độ dốc vừa phải, với điều kiện tự nhiên đặc trưng về khí hậu và thổ nhưỡng do thiên nhiên ban tặng. Tận dụng lợi thế đó, người dân đã đưa cây chè về trồng từ những năm 20 của thế kỷ XX, tạo nên những đồi chè xanh mướt, thoai thoải hình bát úp đẹp mắt. Hiện nay, vùng chè đặc sản Tân Cương gồm 6 xã là Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu, Thịnh Đức, Quyết Thắng, Phúc Hà của thành phố Thái Nguyên đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý chè Tân Cương.
Diện tích vùng chè đặc sản Tân Cương hơn 1.400 ha, năng suất bình quân đạt 150 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt 20.300 tấn; tri thức dân gian trồng và chế biến chè Tân Cương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cùng với việc sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm trà, người dân tại vùng chè đặc sản Tân Cương đã mở rộng dịch vụ, phát triển du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà nhằm đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách, từ đó quảng bá các sản phẩm trà, nâng cao thu nhập.
Điển hình như Hợp tác xã chè Hảo Đạt, là hợp tác xã chè đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có sản phẩm chè đạt chuẩn OCOP 5 sao quốc gia. Thời gian qua, Hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư xây dựng không gian văn hóa trà gồm khu nhà gỗ dành cho du khách thưởng trà và trưng bày các sản phẩm chè; khu chế biến, sản xuất chè truyền thống… Từ đầu năm đến nay, đã có trên 200 đoàn khách trong nước và quốc tế với trên 6.000 lượt khách tới tham quan, trải nghiệm.
Điểm du lịch cộng đồng Tân Cương tại xã Tân Cương (thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên).
Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc Hợp tác xã chè Hảo Đạt cho biết, tận dụng tiềm năng lợi thế sẵn có, Hợp tác xã mở rộng dịch vụ, đưa du lịch cộng đồng về vùng chè, vừa tạo ra sản phẩm du lịch khác biệt so với các địa phương khác, vừa nâng cao thu nhập với các hoạt động, sản phẩm từ chè góp phần làm phong phú cho du lịch, thu hút du khách, ngược lại du lịch góp phần quảng bá, đem thị trường, người tiêu dùng đến trực tiếp vùng sản xuất.
Ngoài Hợp tác xã chè Hảo Đạt, hoạt động du lịch cộng đồng tại vùng chè đặc sản Tân Cương còn được một số hợp tác xã đang tích cực xây dựng, đón du khách tham quan trải nghiệm như Hợp tác xã trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên; Hợp tác xã Tâm Trà Thái; Hợp tác xã Chè trung du Tân Cương…
Đặc biệt, các hợp tác xã đã liên kết, thành lập Liên hiệp hợp tác xã du lịch cộng đồng Tân Cương. Tháng 4 vừa qua, Điểm du lịch cộng đồng Tân Cương được tỉnh Thái Nguyên công nhận. Đến với điểm du lịch cộng đồng Tân Cương, du khách sẽ được thăm quan, chụp ảnh trên những nương chè xanh mướt, trải nghiệm “tri thức dân gian trồng và chế biến chè Tân Cương” với các hoạt động như hái chè, sao chè, thưởng thức những ly trà nóng hổi,… hoàn toàn miễn phí. Bên cạnh đó là các dịch vụ nhà hàng ẩm thực, lưu trú, mua các sản phẩm OCOP của tỉnh Thái Nguyên. Du khách Hoàng Đình Tuấn (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, Tân Cương là vùng chè nổi tiếng cả nước với không khí trong lành, mát mẻ. Việc kết hợp phát triển du lịch cộng đồng với các trải nghiệm thú vị về văn hóa trà là mô hình nông nghiệp sinh thái độc đáo, du khách vừa tham quan học tập, vừa thư giãn...
Du khách trải nghiệm đóng gói sản phẩm trà.
Xây dựng các điểm du lịch gắn với văn hóa trà
Ngoài vùng chè đặc sản Tân Cương, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, phát triển du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà đang từng bước được hình thành, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm. Tiêu biểu như mô hình du lịch cộng đồng tại xã La Bằng, xã Hoàng Nông (huyện Đại Từ), xã Tức Tranh (huyện Phú Lương)…
Các hợp tác xã, người dân đã xây dựng được khu vực chế biến chè khang trang, khu thưởng trà, khu vực trưng bày giới thiệu và bán các sản phẩm trà, đồ lưu niệm… rộng rãi, sạch đẹp; đầu tư chỉnh trang đường làng ngõ xóm, cải tạo nương chè đẹp nhằm phục vụ các đoàn khách đông người đến tham quan, trải nghiệm. Bí thư Thành ủy Thái Nguyên Dương Văn Lượng cho biết, thành phố sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo để hướng dẫn người dân canh tác chè bền vững và có hiệu quả kinh tế. Đặc biệt là kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã, bà con đang trồng và chế biến chè đẩy mạnh phát triển cây chè gắn với du lịch cộng đồng, từ đó quảng bá sản phẩm từ cây chè...
Theo Đề án phát triển du lịch Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2025, xây dựng ít nhất 5 điểm du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà, du lịch về nguồn. Đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã công nhận 6 điểm du lịch cộng đồng, trong đó có hai điểm du lịch cộng đồng sinh thái gắn với văn hóa trà, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm… Qua đó góp phần quảng bá thương hiệu chè Thái Nguyên nói riêng và các sản phẩm nông sản địa phương nói chung, đem lại thu nhập cao, bền vững cho người dân nông thôn.