Tại chợ Cán Cấu (huyện Si Ma Cai), hàng tiêu dùng sản xuất trong nước, hàng thủ công, quần áo thổ cẩm, nông sản… chiếm đa số trên các sạp hàng. Những loại hàng hóa này nhận được sự quan tâm, mua bán của người dân cũng như khách du lịch.
Anh Sùng Seo Chô ở xã Cán Cấu cho biết: Trước đây, hàng hóa từ bên kia biên giới chiếm số lượng lớn tại các gian hàng, nhưng hiện nay đã giảm rất nhiều. Bây giờ, chúng tôi thường đi chợ mua hàng hóa sản xuất trong nước, trên bao bì có chữ tiếng Việt nên có thể đọc để xem thông tin, kiểm tra nơi sản xuất, hạn sử dụng… Giá hàng hóa trong nước cũng hợp lý, phù hợp với túi tiền của người dân vùng cao.
Tham quan và mua sắm tại chợ Cán Cấu, chị Phạm Hải Hương (Tuyên Quang) chọn một số loại nông sản (quả đào, rau cải…) và sản phẩm thủ công của người dân tộc vùng cao Si Ma Cai (thổ cẩm, dao, sản phẩm mây tre đan, khèn Mông…) làm quà tặng và sử dụng trong gia đình. Chị Hương tâm sự: Chúng tôi rất thích mua sản vật, đồ thủ công do người vùng cao sản xuất. Hàng hóa họ làm ra rất chất lượng, bền, đẹp.
Tương tự, tại chợ phiên Lùng Khấu Nhin (huyện Mường Khương), các mặt hàng từ đồ gia dụng, may mặc đến hàng tiêu dùng thiết yếu, nông sản… do các cơ sở trong nước sản xuất cũng chiếm đa số. Các gian hàng Việt luôn chiếm được sự quan tâm của người đi chợ. Anh Lù Phà Hòa ở xã Lùng Khấu Nhin cho biết: Tôi đi chợ thường chọn mua những sản phẩm được ghi đầy đủ thông tin về nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác, giá cả phù hợp. Hiện nay, 90% đồ dùng hằng ngày của gia đình tôi sử dụng là hàng sản xuất trong nước.
Ngoài chợ phiên, tại các cửa hàng tạp hóa từ trung tâm đến các thôn, bản vùng sâu, vùng cao trên địa bàn các huyện Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai, Bát Xát, thị xã Sa Pa... hàng Việt luôn chiếm tỷ lệ cao. Các mặt hàng thiết yếu như muối, nước mắm, dầu ăn, đường, sữa, bánh kẹo, nước ngọt các loại hầu hết sản xuất trong nước. Điều đó chứng tỏ hàng Việt đã có sức cạnh tranh, được người tiêu dùng vùng cao ngày càng tin dùng.
Theo đánh giá của ngành chức năng, hàng Việt ngày càng được người dân vùng cao ưa chuộng nhờ hệ thống phân phối rộng khắp từ trung tâm huyện đến các thôn, bản vùng sâu, giúp đồng bào vùng cao dễ dàng tiếp cận, mua sắm. Bên cạnh đó, các nhãn hàng trong nước cũng thường xuyên chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, tổ chức các chương trình khuyến mãi, giảm giá, giúp người dân có thể mua sắm hàng sản xuất trong nước với chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý.
Việc người dân vùng cao ngày càng ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam đã khẳng định kết quả của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hiệu quả của cuộc vận động không cần thể hiện qua những con số trên báo cáo, mà chính là sự “phủ sóng” rộng khắp, được người tiêu dùng vùng nông thôn ưa chuộng, sử dụng hằng ngày.