Ngày 28/2, tại TPHCM, Ban chỉ đạo Nghị quyết liên tịch 01/TW tổ chức hội thảo tuyên truyền phòng, chống tội phạm sử dụng mạng xã hội với thủ đoạn "bẫy tình" để lừa đảo phụ nữ chiếm đoạt tài sản.
Tại hội thảo, Đại tá Nhữ Thị Minh Nguyệt, Cục trưởng Cục Chính trị Cảnh sát - Bộ Công an cho biết tại Việt Nam có khoảng gần 30 triệu người sử dụng Internet - chiếm 1/3 dân số cả nước, 180.000 tên miền Việt Nam (.vn) được đăng ký, 115 triệu thuê bao điện thoại di động, 15 triệu thuê bao điện thoại cố định. Công nghệ thông tin, viễn thông trở thành một lĩnh vực mà các đối tượng tập trung khai thác, sử dụng để thực hiện tội phạm. Trong đó có thủ đoạn các đối tượng thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của nhiều phụ nữ thông qua mạng xã hội bằng cách lợi dụng tình cảm.
Các đối tượng trong một băng nhóm lừa đảo qua mạng xã hội. |
Thời gian qua, Cục Cảnh sát Hình sự (C45) - Bộ Công an, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) - Bộ Công an và Công an các tỉnh, thành phố đã thụ lý hàng trăm vụ việc liên quan đến hành vi trên với tổng số tiền bị chiếm đoạt lên đến hàng trăm tỷ đồng. Thực tiễn đấu tranh với loại tội phạm này cho thấy đa số đối tượng phạm tội là người gốc Phi (chủ yếu tập trung tại TPHCM) cấu kết với một số đối tượng người Việt đánh vào lòng tham, sự nhẹ dạ cả tin của một bộ phận phụ nữ. Thủ đoạn điển hình của các đối tượng này là nhập cảnh vào Việt Nam cặp bồ, sống như vợ chồng với phụ nữ Việt Nam và một số vụ do các đối tượng người Việt Nam giả danh người nước ngoài. Chúng lập tài khoản mạng xã hội với hồ sơ (profile) thu hút như: ảnh đại diện với bề ngoài lịch lãm, đẹp trai, ưa nhìn; thường ghi địa chỉ cư trú tại các nước phương Tây như Anh, Pháp... hoặc Mỹ vào Facebook tìm, kết bạn với phụ nữ Việt Nam và giới thiệu là doanh nhân, xuất thân trong gia đình giàu có ở nước ngoài hoặc sĩ quan quân đội... Các đối tượng gây án không chỉ giỏi ăn nói, nắm bắt tâm lý của phụ nữ sống đơn thân mà còn am hiểu về công nghệ thông tin cũng như các lĩnh vực xã hội khác.
Sau một thời gian làm quen, vờ yêu đương nảy sinh tình cảm, đối tượng hứa hẹn lấy những người phụ nữ Việt Nam làm vợ và đưa sang nước ngoài sinh sống. Chúng đề nghị tặng quà có giá trị và chuyển số tiền lớn về Việt Nam để xây nhà, cưới nhau hoặc giả thông báo gửi số tiền lớn hàng triệu USD nhờ nhận hộ để đầu tư vào các dự án tại Việt Nam. Tiếp đó các đối tượng thông báo cho nạn nhân đã gửi tiền và quà tặng về, số tiền phí gửi đã thanh toán tại nơi gửi đi (ở nước ngoài), số tiền phí chút ít còn lại đối tượng nhờ nạn nhân nộp và nhận giúp. Khi “con mồi” bị khối tài sản hàng triệu USD làm hoa mắt và phát sinh lòng tham, đối tượng sẽ nhờ đồng bọn là người Việt Nam gọi điện thoại giả làm nhân viên hải quan của sân bay yêu cầu nạn nhân nộp tiền phí hoặc tiền thuế qua một tài khoản cho sẵn (tại ngân hàng Việt Nam) mà chúng cho trước để làm thủ tục hải quan, phí vận chuyển… Mỗi người bị hại thường đã phải chuyển cho đối tượng lừa đảo 2-3 lần, mỗi lần trung bình hàng trăm triệu đồng. Khi nhận được tiền của “con mồi” chuyển đến tài khoản, ngay lập tức bọn chúng đưa thẻ tín dụng cho những đối tượng khác đi rút tiền tại các cây ATM và chuyển lại cho chúng. Đến khi người bị hại không còn khả năng tài chính để theo nộp hoặc người bị hại nghi ngờ thì đối tượng lừa đảo cắt liên lạc.
Để nâng cao hiệu quả phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm công nghệ cao nói chung và tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của phụ nữ qua mạng xã hội bằng hình thức “bẫy tình” nói riêng, Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an đề nghị người dân cần tỉnh táo nhận biết nguy cơ bị lừa đảo khi nhận được tin nhắn hay yêu cầu kết bạn trên mạng xã hội từ người nước ngoài không quen biết; khi nhận được yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản lạ, người dân phải bình tĩnh không làm theo yêu cầu của đối tượng và khi thấy các dấu hiệu nghi ngờ, người dân cần thông báo cho cơ quan chức năng biết để phối hợp ngăn chặn. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền cần hướng đúng vào đối tượng phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ ở lứa tuổi thanh niên, trung niên hoặc độc thân.
Trước thực trạng trong các vụ việc lừa đảo bẫy tình qua mạng xã hội Facebook, một bộ phận không nhỏ tiền được rút tại nước ngoài, cá nhân mở tài khoản tại Việt Nam không quản lý tài khoản mở tại ngân hàng, mà giao lại quyền sử dụng cho người khác, Tổng cục Cảnh sát cho rằng cần kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các Ngân hàng tăng cường công tác quản lý việc đăng ký mở tài khoản, bảo quản, sử dụng thẻ được cấp; đồng thời kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sửa đổi bổ sung Nghị định 96/2014/NĐ-CP xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng quy định cụ thể các hành vi mở thẻ, tài khoản để bán, cho người khác thuê, để nhận hộ tiền có nguồn gốc do lừa đảo mà có.