Từ đầu năm đến nay, giá bán gà luôn thấp hơn giá thành sản xuất. Cụ thể, giá bán gà ta dao động từ 50.000 - 52.000 đồng/kg, có thời điểm xuống 48.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất phải từ 58.000 - 60.000 đồng/kg. Người nuôi gà đang gặp khó khăn “kép”, bởi giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, trong khi giá bán gà giảm mạnh.
Vừa xuất bán hơn 1.000 con gà thịt, bà Trần Thị Giang, xã Trì Quang (huyện Bảo Thắng) lỗ gần 5 triệu đồng, chưa tính công chăm sóc. Bà Giang cho biết: Từ đầu năm đến nay, giá gà liên tục giảm, trong khi giá cám tăng mạnh, lứa gà nào cũng lỗ, tình trạng này gia đình không thể duy trì nuôi.
Còn ông Hà Văn Quang, chủ trại gà tại xã Xuân Quang (huyện Bảo Thắng) cho biết: Nuôi gà là nghề chính của gia đình, mỗi năm gia đình nuôi 24.000 - 25.000 con. Năm nay giá gà xuống thấp, mỗi lứa gà xuất bán gia đình lỗ cả chục triệu đồng. Chuồng trại đã đầu tư, lại không có nghề gì khác nên gia đình vẫn phải duy trì nuôi với hy vọng giá tăng.
Không chỉ những hộ chăn nuôi với quy mô nhỏ lẻ gặp khó khăn khi giá gà giảm mạnh, mà những trang trại chăn nuôi với số lượng lớn, có liên kết với đơn vị tiêu thụ cũng gặp khó tương tự.
Hợp tác xã chăn nuôi Xuân Tiến, xã Xuân Quang (huyện Bảo Thắng) là đơn vị nuôi gà quy mô lớn nhất nhì tỉnh. Trước đây, đơn vị liên kết với các nhà hàng, cơ sở chế biến thực phẩm và tiểu thương tại thị xã Sa Pa, thành phố Lào Cai, nên việc tiêu thụ gà thuận lợi. Nhưng từ đầu năm đến nay, thị trường tiêu thụ chậm, khiến gà nuôi tồn đọng.
Ông Phan Nhật Quang, Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi Xuân Tiến cho biết: Từ đầu năm 2023, giá gà liên tục giảm, từ 90 nghìn đồng/kg xuống 52 nghìn đồng/kg, có thời điểm giảm còn 48 nghìn đồng/kg. Thời gian này, khi các trường học nghỉ hè dừng hợp đồng mua gà, dẫn đến tiêu thụ khó, nhiều hộ xã viên bị thua lỗ phải “bỏ chuồng”. Trước đây, hợp tác xã có 13 hộ xã viên nuôi gà thương phẩm, quy mô 160 nghìn con gà mỗi năm, nay còn 5 hộ nuôi, tổng đàn khoảng 60 nghìn con gà.
Gà đến lứa không xuất bán được khiến người nuôi phải tiếp tục nuôi giữ trong chuồng, phát sinh chi phí thức ăn, nhân công và đối mặt với tình trạng gà ốm, chết do thời tiết. Các thành viên hợp tác xã phải tìm thương lái trong và ngoài tỉnh để bán. Tuy nhiên, sức tiêu thụ vẫn rất thấp, trung bình đạt khoảng 10 tấn gà/tháng (giảm gần 1/3 so với cùng kỳ năm 2022).
Để giảm thiệt hại, trước mắt, hợp tác xã chỉ đạo các hộ xã viên giảm tổng đàn, theo dõi diễn biến của thị trường để vào đàn phù hợp; các hộ xã viên ký hợp đồng trực tiếp với đơn vị cung ứng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y nhằm hạn chế chi phí thị trường.
"Hợp tác xã đang tìm hướng chuyển đổi sang nuôi những loại gà chất lượng cao như gà giống H’Mông, gà ác và nuôi theo hướng hữu cơ để chinh phục thị trường khách hàng cao cấp. Ngoài ra, Hợp tác xã triển khai mổ gà, cấp đông nhằm giảm áp lực chuồng nuôi, đồng thời thêm lựa chọn cho khách hàng trong và ngoài tỉnh khi muốn vận chuyển thịt gà đi xa"
Lý giải về nguyên nhân giá gà hiện nay giảm, ngành chức năng nhận định, do năm ngoái người nuôi gà có lãi nên tăng cường tái đàn. Đến nay, nguồn cung trong tỉnh tăng mạnh, cộng với lượng lớn gà từ các tỉnh dưới xuôi nhập vào địa bàn tỉnh có giá rẻ hơn, tạo sức ép giảm giá. Hiện thương lái trong tỉnh thu mua cầm chừng, một số nhà hàng chuyển sang dùng nguồn hàng dưới xuôi khiến nhiều hộ chăn nuôi phải tự tiêu thụ bằng cách rao bán lẻ trên mạng xã hội và mang ra bán lẻ tại các chợ trên địa bàn. Nguyên nhân nữa khiến giá gà bán bấp bênh, phụ thuộc vào diễn biến chung của thị trường là hiện nay, sản phẩm gà của tỉnh chủ yếu dừng lại ở việc tiêu thụ sống.
Ông Vũ Kiều Hưng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Thắng cho biết: mấy năm gần đây, giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, giá bán gia cầm giảm, đầu ra không ổn định nên hộ nuôi nhỏ lẻ liên tục thua lỗ.
Hiện trên địa bàn huyện Bảo Thắng có 117 trang trại chăn nuôi gà và khoảng 10.600 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Từ năm 2022 đến nay, số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã giảm khoảng 20%
Theo số liệu của ngành nông nghiệp, tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 4,9 triệu con, đạt 96,08% kế hoạch năm. Ngành chăn nuôi khuyến cáo, người nuôi gà cần tìm hiểu kỹ nhu cầu của thị trường trước khi tái đàn. Đồng thời, đổi mới phương thức nuôi, xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, áp dụng khoa học - kỹ thuật; cần hướng vào liên kết với các đơn vị chế biến sâu để phục vụ đa dạng nhu cầu của thị trường.