Gần một năm về trước, khi chúng tôi về thôn Soi Chát, xã Sơn Hải, tuyến đường liên thôn Soi Chát - Cánh Địa vẫn ngổn ngang đất đá, những gốc quế mới chặt bỏ nhựa chưa khô nằm rạp bên đường, thậm chí có đoạn chỉ thấy thân, lá quế nằm đó, che kín mặt đường cấp phối. Đồng chí cán bộ xã bảo, “chính chỗ này, mấy nữa thôi đường lớn sẽ thành hình”.
Hôm nay, chúng tôi trở lại Soi Chát, đồng bào mừng vui hơn khi trước đó không lâu, tuyến đường liên thôn Soi Chát - Cánh Địa đã hoàn thành trong sự mong chờ, phấn khởi của bà con. Tuyến đường dài 1,2 km “khoác” lên mình chiếc áo bê tông uốn lượn quanh co bên triền quế xanh ngút ngàn mang về mùa no ấm. Tuyến đường ấy dẫn lối để chúng tôi tìm đến gia đình ông Nguyễn Văn Thanh, nhân vật đặc biệt trong suốt hành trình kiên cố hóa con đường trong mơ này.
Căn nhà mới xây khang trang như biệt thự nhà vườn của gia đình ông Thanh hiện lên giữa màu xanh cây trái. Không chỉ nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, gia đình ông Thanh còn là điển hình trong phong trào hiến đất ở địa phương. Trước đây, đường ở thôn chỉ là đường đất, ngày nắng đi lại còn đỡ, chứ ngày mưa chẳng ai muốn ra ngoài, có việc gấp thì cực chẳng đã bà con mới gắng đi. Năm 2016, địa phương có chủ trương mở đường cấp phối. Theo phương án mở đường, tuyến đường xẻ dọc đồi quế của gia đình, ông Nguyễn Văn Thanh bàn với vợ hiến đất để đường chạy qua. 1.200 m2 đất của gia đình đã được hiến trong đợt này, với 400 gốc quế phải chặt bỏ, có những gốc quế đã được 10 năm tuổi. Với nông dân đó là tài sản lớn, không xót sao được, nhưng vì lợi ích chung nên vợ chồng ông không tiếc nữa. Năm 2022, từ nền đường cấp phối xuống cấp đó, gia đình ông tiếp tục hiến 1.000 m2 đất, trong đó có khoảng 250 m2 đất thổ cư để mở rộng, kiên cố hóa đường liên thôn. Thậm chí, không chỉ đóng góp tiền làm đường theo mức thu bình quân của thôn, ông Thanh còn vận động gia đình, người thân, hàng xóm ủng hộ 40 triệu đồng để đường được mở rộng.
Ông Thanh nhớ lại: “Từng có lần tôi đi chở nông sản vào trời mưa, đường trơn trượt quá nên bị tai nạn gãy chân. Người thân của tôi cũng gặp tình cảnh tương tự khi ngã trên con đường mấp mô đất đá. Tôi cũng như bà con khát khao một con đường quá, nhưng nếu như cứ ỷ lại vào Nhà nước thì biết bao giờ đường mới thành hình, mình phải tự vươn lên. Vậy nên khi địa phương có chủ trương, gia đình tôi đồng thuận ngay”.
Cùng với gia đình ông Thanh, hơn chục hộ khác đã hiến hơn 4.000 m2 đất ở nơi mà những gốc quế lên xanh để con đường của “Ý Đảng - lòng Dân” thành hình. Bà Nguyễn Thị Minh, Bí thư Chi bộ khẳng định: Nhớ lời Bác căn dặn: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, đồng bào thôn Soi Chát nguyện chung sức, đồng lòng dựng xây, kiến thiết quê hương. Kể từ năm 2022 tới nay, thôn triển khai mở rộng 3,6 km đường liên thôn, trục thôn. Bên cạnh mức đóng góp 1,4 triệu đồng/nhân khẩu, các gia đình cũng tích cực hiến đất. Giờ đây, hơn 2 km đường đã được hiện thực hóa từ sự đồng lòng, góp sức của bà con. Những chuyến xe thu mua nông sản bon bon vào ra mà chẳng phải tính chuyện thời tiết, bà con đi lại cũng thuận tiện, an toàn.
Rời Soi Chát, tôi tiếp tục đến thôn Cố Hải để nghe những chuyện vui ở mảnh đất này. Ông Lê Văn Vi, Bí thư Chi bộ thôn phấn khởi cho hay: Mới đây, ban công tác mặt trận thôn họp rà soát, bình xét gia đình hộ nghèo, cận nghèo năm 2023 trước khi đưa ra lấy ý kiến trong Nhân dân. Theo kết quả rà soát, cả thôn chỉ còn 5 hộ nghèo, 12 hộ cận nghèo; giảm 3 hộ nghèo, 9 hộ cận nghèo so với năm 2021. Thôn quyết tâm sẽ tiếp tục đưa con số này về mức thấp hơn nữa trong thời gian tới trên cơ sở động viên, khuyến khích bà con vươn lên trong lao động, sản xuất, khai thác thế mạnh của địa phương.
Ở thôn Cố Hải, không có khoảnh đất nào để trống. Từ sự cần lao, nông dân đã phủ màu xanh ấm no lên đồng đất, với 16 ha đất trồng ngô, lúa; trên 200 ha quế, mỡ. Trong chăn nuôi, toàn thôn có trên 1.100 con gia súc, trên 45.000 con gia cầm, 2 ha thủy sản. Các tổ chức đoàn thể ở thôn lựa chọn nội dung, phong trào để cụ thể hóa đến hội viên, như chi hội phụ nữ thôn với việc lan tỏa mô hình “nhà sạch, vườn đẹp”; chi hội nông dân với phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững… Từ vùng đất đói nghèo, cuộc sống cơ cực, thôn Cố Hải đã đoàn kết, cần cù và nỗ lực vươn lên vì ngày mai tươi sáng.
“Mục sở thị”, chúng tôi đến thăm trang trại của gia đình bà Trần Thị Tươi, hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện. Trang trại của gia đình bà hiện đang phát huy hiệu quả với trên 2 ha quế, xoan; trên 6.000 con gia cầm/năm và 1.000 gốc hoa, cây cảnh các loại; doanh thu mang lại hàng trăm triệu đồng. Theo bà Tươi, với nông dân, mỗi tấc đất đều đáng quý. Để làm giàu từ đồng đất, người nông dân không chỉ chăm chỉ, cần cù mà còn phải năng động, nhanh nhạy để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Những câu chuyện được nghe đã nối dài niềm vui về một Sơn Hải đang đổi thay từng ngày. Chỉ tính riêng trong đợt thi đua chào mừng kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ thăm Lào Cai, đã có biết bao công trình, phần việc được cán bộ, đảng viên và Nhân dân xã Sơn Hải thực hiện, như hiến hàng chục nghìn mét vuông đất để mở rộng các tuyến đường liên thôn, trục thôn; làm đường điện thắp sáng với tổng chiều dài trên 13 km… Trong phát triển kinh tế, nhiều mô hình, cách làm đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Mai Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Hải khẳng định, tinh thần học và làm theo Bác đã được Đảng bộ và đồng bào các dân tộc duy trì và lan tỏa trong suốt thời gian qua. Tinh thần ấy đã tiếp thêm sức mạnh để địa phương nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, đạt nhiều kết quả trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, một trong số đó là việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Tiếp nối đà vươn lên, Đảng bộ và đồng bào các dân tộc xã Sơn Hải tiếp tục đoàn kết, nỗ lực, sáng tạo để nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống của người dân, kiến thiết những vùng quê sáng tươi, hạnh phúc.