Đồng yen tăng lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2024 đến nay

Đồng yen đạt mức 140,67 yen/USD trong phiên chiều 13/9, mức cao nhất kể từ đầu năm 2024 đến nay khi gia tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm vào tuần tới.

Đồng 1.000 yen của Nhật Bản.
Đồng 1.000 yen của Nhật Bản.

Trong phiên chiều 13/9, đồng yen tăng lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2024 đến nay khi gia tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm vào tuần tới.

Đồng yen đạt mức 140,67 yen/USD trong phiên chiều 13/9.

Trước đó, đồng yen đạt mức cao nhất trong năm 2024 là 140,72 trong phiên 11/9, sau khi nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Junko Nakagawa cho biết quyết định tăng lãi suất sẽ dựa trên số liệu kinh tế.

Chiến lược gia trưởng tại Mizuho Securities, Shoki Omori, cho biết việc gia tăng khả năng Fed hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm tại cuộc họp vào tuần tới đã tạo động lực tăng giá cho đồng yen, khi điều này sẽ thu hẹp mức chênh lệch lãi suất đáng kể giữa Mỹ và Nhật Bản, nguyên nhân khiến đồng yen yếu.

Ông Omori nói việc Ngân hàng Trung ương châu Âu hạ lãi suất và số liệu về chỉ số giá sản xuất của Mỹ trong tháng 8/2024 đưa đến dự báo về mức hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm đã khiến tỷ giá USD/yen giảm chỉ sau một đêm.

Tuy nhiên, các nhà giao dịch nhận định khả năng Fed hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm đã tăng đáng kể sau khi các phương tiện truyền thông đưa tin cho rằng Fed có thể cắt giảm mạnh lãi suất.

Theo dõi khả năng điều chỉnh lãi suất FedWatch Tool của CME Group, các nhà giao dịch cho rằng có 57% khả năng Fed hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm và 43% khả năng hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm tại cuộc họp trong tuần tới.

Chiến lược gia ngoại hối tại Nomura Securities, Jin Moteki, đang theo dõi khả năng đồng yen tăng giá hơn nữa, khi các nhà đầu tư chờ số liệu doanh số bán lẻ tháng 8/2024 của Mỹ dự kiến công bố trước cuộc họp vào tuần tới của Fed. Ông nhận định đồng yen có thể tăng lên mức 138 yen/USD hoặc 139 yen/USD.

Kinh tế Nhật Bản đã tăng trưởng trong quý 2/2024 với tốc độ chậm hơn một chút so với ước tính ban đầu của chính phủ, nhưng vẫn đủ vững mạnh để Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) duy trì xu hướng tăng lãi suất vào cuối năm nay.

Theo báo cáo do Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố ngày 9/9, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý kết thúc vào tháng 6/2024 đã tăng 2,9% so với quý trước đó. Kết quả này thấp hơn so với ước tính sơ bộ là 3,1%. Tiêu dùng tư nhân và đầu tư xản xuất cũng đều được điều chỉnh xuống thấp hơn.

Dù có sự điều chỉnh giảm, các số liệu kinh tế nhìn chung ủng hộ quan điểm của Thống đốc BoJ Kazuo Ueda rằng đà phục hồi từ từ sẽ tiếp tục.

Hầu như không có nhà kinh tế nào kỳ vọng ngân hàng trung ương sẽ điều chỉnh lãi suất chuẩn khi hội đồng chính sách họp vào cuối tháng này, nhưng nhiều nhà quan sát dự đoán BoJ sẽ có động thái về lãi suất vào tháng 1/2025.

Theo ông Takeshi Minami, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Norinchukin, các đợt điều chỉnh phần lớn nằm trong biên độ sai số và không thay đổi nhận thức chung rằng nền kinh tế Nhật Bản đang phục hồi.

Ông Minami đánh giá các số liệu này không thực sự ảnh hưởng đến lập trường chính sách của BoJ.

Theo ông, ngân hàng trung ương khó có thể tăng lãi suất trong tháng này do thị trường tài chính không ổn định.

Tuy nhiên, BoJ đã phát tín hiệu cân nhắc tăng lãi suất nên nhiều khả năng sẽ có thêm một đợt điều chỉnh nữa trong năm nay.

Tuy nhiên, một số nhà kinh tế vẫn hoài nghi về khả năng phục hồi của nhu cầu tiêu dùng khi các hộ gia đình Nhật Bản phải vật lộn với lạm phát dai dẳng. Chỉ số chính về lạm phát tiêu dùng đã duy trì ở mức tương đương hoặc cao hơn mục tiêu 2% của BoJ trong 28 tháng qua.

Mặc dù tiền lương thực tế cuối cùng đã ngừng giảm sau hơn hai năm, nhưng chi tiêu của người tiêu dùng Nhật Bản vẫn dưới mức trước đại dịch.

Ông Minami cho biết với khả năng nhu cầu từ Trung Quốc và Mỹ có thể hạ nhiệt khi tăng trưởng kinh tế chậm lại, chi tiêu của người tiêu dùng Nhật Bản sẽ đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế.

Theo chuyên gia này, chi tiêu của người tiêu dùng Nhật Bản có thể tăng mạnh hơn khi tiền lương bắt đầu tăng. Đồng thời, giá gạo và thực phẩm tăng gần đây có thể khiến các hộ gia đình duy trì chế độ tiết kiệm.

Nền kinh tế Nhật Bản dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trong quý hiện tại, với các nhà kinh tế dự đoán tốc độ tăng trưởng đạt 1,7% và vượt ước tính cao nhất của của BoJ là 1%.

Điều đó cho thấy các nhà kinh tế nhận định áp lực lạm phát sẽ tiếp tục kéo dài khi BoJ giữ nguyên lãi suất ở mức thấp nhất trong số các ngân hàng lớn, ngay cả khi đã tăng lãi suất hai lần vào đầu năm nay.

Cuộc họp chính sách tiếp theo của BoJ sẽ diễn ra vào hai ngày 19-20/9. Trọng tâm cuộc họp có thể là khả năng BoJ tăng lãi suất thêm một lần nữa vào tháng 10 hoặc tháng 12, sau lần tăng gần đây nhất lên 0,25% vào tháng Bảy.

Theo vietnamplus.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Diễn đàn Hợp tác - Liên kết và Phát triển doanh nghiệp khu vực phía bắc

Diễn đàn Hợp tác - Liên kết và Phát triển doanh nghiệp khu vực phía bắc

Ngày 2/10, tại tỉnh Hưng Yên, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức Diễn đàn Hợp tác - Liên kết và Phát triển doanh nghiệp khu vực phía bắc lần thứ XV năm 2024, với chủ đề "Chung sức, đồng lòng - Hợp tác hướng tới kỷ nguyên mới", với sự tham dự của 37 hiệp hội, doanh nghiệp đến từ các tỉnh, thành khu vực phía bắc.

Người chăn nuôi không buông xuôi

Người chăn nuôi không buông xuôi

Trận mưa lũ lịch sử vừa qua gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi. Hàng trăm hộ đang đối mặt với khó khăn, thậm chí lâm vào cảnh nợ nần khi hệ thống chuồng trại nhiều năm gây dựng, vật nuôi dày công chăm sóc đã bị cuốn trôi theo dòng nước.

Khám phá vùng măng bói Khánh Yên Thượng

Khám phá vùng măng bói Khánh Yên Thượng

Vùng đất Văn Bàn được mệnh danh là “xứ măng” với đủ loại măng, nào là măng sặt, măng vầu, măng mai, mùa nào măng nấy nối tiếp nhau tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Nhưng có lẽ mùa măng đáng nhớ và được mong chờ nhất là mùa măng bói, bởi loại măng đặc sản này ngon, ngọt nức tiếng, được đánh giá là ngọt nhất Việt Nam và chiếm được cảm tình của cả những thực khách khó tính. Ở Văn Bàn, măng bói được trồng nhiều nhất ở xã Khánh Yên Thượng.

Tích cực khử trùng, tiêu độc môi trường để bảo vệ chăn nuôi

Tích cực khử trùng, tiêu độc môi trường để bảo vệ chăn nuôi

Sau những đợt ngập lụt, việc phun khử trùng, tiêu độc không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn là giải pháp tích cực phòng, chống dịch bệnh để khôi phục ngành chăn nuôi. Do vậy, thời điểm này các ngành, địa phương trong tỉnh đang chú trọng phun khử trùng, tiêu độc tại các vùng chăn nuôi, sớm đảm bảo các điều kiện để tái đàn.

Hồi xanh những cánh đồng

Hồi xanh những cánh đồng

Thời điểm này, nông dân trong tỉnh đang khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ. Đồng hành với nhà nông, những cán bộ khuyến nông không quản mưa nắng, cùng xuống đồng để hướng dẫn bà con các biện pháp vệ sinh đồng ruộng, khôi phục sản xuất.

Nậm Pung - Nơi con lũ đi qua

Nậm Pung - Nơi con lũ đi qua

Khi hoàn lưu bão số 3 (bão Yagi) tác động đến Lào Cai, Nậm Pung (Bát Xát) là một trong những xã vùng cao bị ảnh hưởng nặng nề. Không trông chờ, ỷ lại hoàn toàn vào Nhà nước, sự cứu trợ, hỗ trợ bên ngoài, xã Nậm Pung đã phát huy tinh thần chủ động, tích cực phục hồi sản xuất, chăm lo đời sống của Nhân dân.

fbytzltw