Dự báo tươi sáng hơn
Trong bối cảnh tình hình kinh tế vẫn còn rất nhiều khó khăn đến từ cả bên trong và bên ngoài, DN vẫn kỳ vọng sẽ vượt qua, tận dụng thời cơ, phục hồi và phát triển nhanh, bền vững, góp phần cho mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng từ 8,7% trở lên.
Để chung tay thực hiện mục tiêu đó, bước sang năm mới 2024, các DN sản xuất công nghiệp cùng chung khí thế thi đua sản xuất. Ông Lee Ark Boon, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Sembcorp Development đánh giá cao sự hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh Bình Dương để DN không ngừng phát triển và ngày càng lớn mạnh. Thời gian tới, Tập đoàn Sembcorp sẽ tiếp tục phối hợp với đối tác Becamex IDC để cải cách mô hình hoạt động, đồng bộ với các chủ trương của tỉnh. Trong đó, chú trọng thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, phát triển năng lượng tái tạo, giảm phát thải carbon.
Ông Lưu Trí, Giám đốc Công ty TNHH Nghệ Năng (TP.Thuận An), cho biết bước vào năm con rồng 2024 với quyết tâm hơn. “Công ty đã trải qua năm 2023 đầy thử thách, song đã hoàn thành mục tiêu đặt ra, cùng với các DN ngành cơ điện thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh. Năm 2024, chúng tôi sẽ bước tiếp, đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng thông minh bền vững”.
Bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương khẳng định năm 2023, đối mặt nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng Bình Dương vận dụng nhiều cách làm linh hoạt, tạo môi trường tốt nhất cho các DN. Các DN có một điểm chung là tích cực, linh hoạt ứng phó trước khó khăn, chủ động nắm bắt cơ hội phục hồi mạnh trong năm 2024.
“Điểm sáng lớn nhất của ngành dệt may trong nước là có những ưu thế so với các quốc gia cạnh tranh. Đó là 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) ký kết đang được thực thi, 3 FTA khác đang trong quá trình đàm phán và sớm có hiệu lực. Thêm vào đó, hiện nay tình hình kinh tế tại các thị trường nhập khẩu dệt may lớn của Việt Nam như Mỹ, EU đang có dấu hiệu phục hồi. Điều này làm tăng khả năng cải thiện nhu cầu về hàng dệt may cao hơn năm 2023. Cùng với đó, mặt bằng lãi suất cho vay tại Việt Nam hiện đã giảm đáng kể, giúp giảm sức ép chi phí lãi vay lên các DN”, bà Phan Lê Diễm Trang phân tích.
Sản xuất tại Công ty Elecsun, TP.Tân Uyên
Cũng theo bà Phan Lê Diễm Trang, với những đặc điểm cơ bản của thị trường ngành dệt may trong giai đoạn tới, DN dệt may cần xây dựng một số phương án để ứng phó, linh hoạt trong sản xuất và điều hành. Cần bám sát thị trường, đối tác để có những dự báo, xây dựng phương án cho sản xuất, duy trì hoạt động DN. Với dự báo biến động liên tục về thị trường, các nhà máy cần phải linh hoạt trong chuyển đổi mặt hàng theo năng lực tìm kiếm đơn hàng mới.
Phát triển bền vững hơn
Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, DN nhận thức rõ ràng về độ mở cao, sự hội nhập sâu rộng với thế giới nên có những giải pháp hạn chế được những tác động bất lợi. Đồng thời, tiếp cận với những mô hình kinh doanh mới, những lĩnh vực mới như thương mại điện tử, nhà máy thông minh, kinh tế tuần hoàn… cũng ngày càng gia tăng, nhất là trong bối cảnh các quốc gia đẩy mạnh tiêu dùng sản phẩm xanh, ít phát thải.
Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương nhận định hiện nhiều DN chế biến gỗ tại địa phương đã và đang lấy sản xuất xanh làm chiến lược và lợi thế cạnh tranh. Theo đó, các DN đã liên tục đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình theo chiều sâu, gắn với phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Năm 2024, những thách thức mới về thị trường liên quan đến sản xuất xanh cũng sẽ giúp ngành chế biến gỗ của tỉnh phát triển theo chiều hướng tích cực, bền vững hơn.
Theo ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng.
“Dự báo năm 2024, thuận lợi, khó khăn vẫn tiếp tục đan xen, UBND tỉnh xác định cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên; đồng thời, yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của người dân, DN. Trong đó, cần tập trung quán triệt, chấp hành nghiêm, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, thực chất các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó bảo đảm quyền tự do kinh doanh cho người dân và DN, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và phát triển các ý tưởng kinh doanh mới, sáng tạo, cải cách theo hướng giảm số lượng thủ tục, thời gian, chi phí và rủi ro cho DN.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Bình Dương, động thái 4 lần giảm lãi suất điều hành nhằm giảm lãi suất cho vay, góp phần tăng khả năng tiếp cận và cung cấp vốn cho nền kinh tế. Cùng với đó, Thông tư 02/2023/ TT-NHNN cho phép cơ cấu lại nợ, giãn hoãn nợ và Thông tư 03/2023/TT-NHNN nới lỏng một số điều kiện về cho vay, đầu tư trái phiếu DN của các tổ chức tín dụng đã tạo ra những tác động đáng kể đến triển vọng phục hồi của DN.
Tác giả: Tiểu My