VEC tăng, nhà đầu tư BOT khác chưa tăng
Cụ thể, VEC vừa có báo cáo kết quả công tác quản lý, vận hành khai thác các tuyến cao tốc do đơn vị quản lý gồm: Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Cùng với báo cáo kết quả vận hành, lưu lượng xe tăng giảm hằng năm, VEC cũng cho biết, đang xây dựng kế hoạch tăng phí sử dụng dịch vụ đường bộ từ đầu năm 2024 đối với 4 dự án đường cao tốc do đơn vị này xây dựng, quản lý.
Theo VEC, trong 10 năm qua, VEC chưa tăng phí trên cả 4 tuyến cao tốc đơn vị đang quản lý, vận hành. Trong khi đó, Quyết định số 2323 năm 2021 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) - quy định về việc phê duyệt phương án tài chính hòa chung dòng tiền 5 dự án đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư có lộ trình tăng phí định kỳ 3 năm một lần, mức tăng 12% cho mỗi lần. Do vậy, VEC xây dựng kế hoạch tăng phí theo nội dung trên để dự kiến thực hiện từ 1/1/2024.
Đề cập đến lưu lượng xe trên tuyến thời gian vừa qua, VEC cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2023, 4 tuyến cao tốc do VEC quản lý khai thác phục vụ an toàn hơn 45,3 triệu lượt phương tiện, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có lưu lượng xe cao nhất với 15,8 triệu lượt; cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây với 15,4 triệu lượt xe. Tăng trưởng lưu lượng xe trên 4 tuyến cao tốc trọng điểm này dao động từ 8 đến 21 %, trong đó tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai tăng nhiều nhất - trên 20%.
Mức phí đang được VEC áp dụng thu trên 4 tuyến cao tốc tính theo ki lô mét với xe tiêu chuẩn là khoảng 1.200 đồng/km (bằng với dự án đầu tư BOT).
Nếu tăng thêm 12% phí sử dụng đường bộ thì người tham gia giao thông trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai phải trả thêm từ 40 đến 300 nghìn đồng/lượt tùy loại xe.
Trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình dài khoảng 80 km đang có hai đơn vị quản lý, vận hành, trong đó đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ, dài 32 km do Cty BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ quản lý; đoạn Cầu Giẽ - Ninh Bình dài 50 km VEC quản lý, mức phí cả tuyến đường đang thu chung là 110 nghìn đồng/lượt xe tiêu chuẩn.
VEC được chủ động tính toán chi phí khai thác, vận hành để đưa ra mức thu phù hợp và tăng hay giảm phí theo lộ trình. Tuy nhiên, việc này để thực hiện được, VEC phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền”.
Đại diện Cục Đường bộ Việt Nam
Tuy nhiên trao đổi với PV Tiền Phong chiều 16/10, đại diện Cty BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết, đơn vị chưa có kế hoạch tăng phí đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ từ 1/1/2024. Do vậy nếu VEC chỉ tăng phí sử dụng đường bộ với đoạn Cầu Giẽ - Ninh Bình. Cụ thể, đoạn của VEC quản lý tăng thêm 12% thì từ 110 đồng/lượt xe tiêu chuẩn sẽ tăng lên 118 nghìn đồng; xe tải và container từ 206 nghìn đồng hiện nay sẽ tăng lên 225 nghìn đồng/lượt.
Cần công khai số còn phải thu là bao nhiêu
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết, hiện nay nhà đầu tư, quản lý các tuyến cao tốc chỉ công bố số lượng xe, rất ít khi công bố công khai doanh thu. Vậy doanh thu theo ngày, theo tháng và năm của mỗi tuyến cao tốc này là bao nhiêu, từ ngày đưa vào khai thác đến nay, mỗi tuyến thu được bao nhiêu tiền và con số phải thu còn lại bao nhiêu.
Nội dung này cũng cần được công bố công khai để người dân, dư luận giám sát. Với 4 tuyến cao tốc VEC đang quản lý, do đang là trục giao thông tốc độ cao độc đạo nên lưu lượng xe rất lớn và thực tế họ báo cáo lưu lượng xe trên tuyến tăng rất nhanh, tới 21%. Như vậy, lưu lượng xe ở đây lớn và đã vượt cả tính toán trung bình của các hợp đồng BOT đặt ra là mỗi năm cần phải tăng khoảng 12%.
Do vậy, ông Quyền cho rằng, cần phải làm rõ cơ sở tăng. Trường hợp buộc phải tăng thì nên cân đối tỷ lệ tăng (%) cho phù hợp với tình hình thực tế của người dân, doanh nghiệp.
Ở góc độ hạ tầng giao thông và chất lượng dịch vụ VEC đang cung cấp trên 4 tuyến cao tốc, TS Nguyễn Quang Toàn, Hội Cầu đường Việt Nam cho rằng, tuy là đơn vị Nhà nước, có chuyên môn về cầu đường và được nhà nước trả lương cho việc quản lý công trình đường bộ nhưng hiện tại, trên các tuyến cao tốc VEC xây dựng, quản lý đường sá và dịch vụ đang có nhiều bất cập, chưa tương xứng với mức phí người dân bỏ ra khi sử dụng mỗi km đường.
Chỉ ra cụ thể, ông Toàn cho rằng, tuy là đường cao tốc nhưng hiện cao tốc Nội Bài - Lào Cai có nhiều đoạn chất lượng như tỉnh lộ, chỉ có 2 làn đường và không có dải phân cách giữa. Cùng với đó, chất lượng mặt đường sau nhiều năm đưa vào khai thác, gần như đã hư hỏng, lún nứt, nổi nhiều sống trâu rất nguy hiểm. Hệ thống trạm dừng nghỉ hư hỏng, nhếch nhác thiếu sự đầu tư, quản lý. Những đoạn được thảm bù lún thì chỉ thảm ở làn đường dành cho xe cơ giới, làn đường dừng khẩn cấp không thảm tạo nên độ cao thấp khác nhau trên cùng một làn đường. “Từ thực tế trên, việc người dân đang phải bỏ đến 1.200 đồng khi chạy xe trên 1 km đường cao tốc VEC đang quản lý, vận hành là chưa tương xứng. Nay nếu tiếp tục tăng phí là quá bất cập, vô lý”, ông Toàn nói.
Chiều 16/10, trao đổi với PV Tiền Phong về kế hoạch tăng phí trên 4 tuyến cao tốc của VEC, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, theo quy định của Chính phủ, VEC được chủ động tính toán chi phí khai thác, vận hành để đưa ra mức thu phù hợp và tăng hay giảm phí theo lộ trình. Tuy nhiên, việc này để thực hiện được, VEC phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền. Hiện thông tin về kế hoạch tăng phí trên mới được VEC báo cáo, chưa có đề xuất cụ thể . “Tuy nhiên với trách nhiệm cơ quan quản lý chuyên ngành, Cục cũng sẽ theo dõi, kiểm tra, rà soát đề xuất của VEC. Nếu đề xuất này có những bất cập, chưa phù hợp Cục sẽ tham mưu Bộ GTVT có ý kiến với Chính phủ”, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam thông tin.
Sức nặng khi tăng phí
TS Phan Lê Bình, Chuyên gia JICA: Việc tăng phí sử dụng đường bộ các tuyến đường được làm theo hình thức BOT (xây dựng – vận hành – chuyển giao) cần căn cứ trên thực tế khai thác của từng dự án, không thể tăng theo mức chung và “gom các dự án lại” để cùng tăng ở một thời điểm.
Trước khi tăng phí, ngoài việc cần thiết phải xem phương án tài chính, thì điều quan trọng tính đến các yếu tố diễn ra trong thực tế. Đó là lưu lượng xe đang khai thác trên tuyến có đảm bảo, nếu lượng xe tăng trưởng tốt, vượt phương án tính toán thì nhà đầu tư cần đưa ra cơ sở pháp lý để tăng hay giảm phí. Trường hợp lưu lượng xe tăng quá lớn, vượt dự toán ban đầu thì thay vì tăng phí, nhà đầu tư còn phải tính tới cả phương án giảm phí mới thỏa đáng và phù hợp thực tế. Cùng với đó, để tăng phí cũng cần tính đến thực tế xã hội, sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp. Hiện nay, người dân và doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp vận tải vừa trải qua thời gian dài bị ảnh hưởng dịch bệnh, kinh tế khó khăn, giá xăng dầu tăng cao… liệu doanh nghiệp đề xuất tăng phí sử dụng đường BOT đã phù hợp hay chưa?. Đây là nội dung rất quan trọng, nhà đầu tư và cơ quan chức năng cần phải tính toán, rà soát, đưa ra cơ sở tăng thuyết phục, kiểm tra kỹ để tránh sốc cho người dân, doanh nghiệp.
Xét về tổng thể, để biết được mức phí dự án BOT tăng theo thời gian, kế hoạch, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cần thiết yêu cầu nhà đầu tư công khai số tiền đã thu được để người dân giám sát. Từ thực tế đó, dư luận và người dân sẽ hiểu, chia sẻ với kế hoạch tăng phí của nhà đầu tư.
Khi chưa có thông tin đầy đủ, rõ ràng về mức phí mà VEC đã thu trên 4 tuyến cao tốc, thì trước đề xuất tăng phí sử dụng đường bộ tại các tuyến này lên 12%, ai cũng “giật mình”; doanh nghiệp vận tải có thể còn “choáng”.
Xây dựng và quản lý cao tốc để phục vụ người dân, doanh nghiệp nhưng mức phí đề xuất tăng quá cao thì việc phải xem lại công tác này là rất cần thiết và phù hợp thực tế. Với nhà đầu tư, chưa biết mức tăng này mang lại hiệu quả, hợp lý đến đâu nhưng từ thời điểm tăng phí (giáp Tết Nguyên đán); mức tăng cao sẽ gây tác động lớn đến cuộc sống người dân; hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều.
Sẽ hợp lý hơn nếu việc này được đưa ra bàn thảo rộng rãi hơn, nhà đầu tư có các dữ liệu chứng minh cho việc tăng là hợp lý; cùng với đó, khi điều kiện người dân còn khó khăn, thị trường kinh doanh mới đang hồi phục, đó không nhất thiết là một thời điểm phải tăng phí sử dụng đường bộ lên đến 12%. Đưa ra lộ trình, chia nhỏ các mức tăng phù hợp với sức chịu đựng của người dân, doanh nghiệp sẽ là giải pháp khôn ngoan và dễ chấp nhận hơn cả với nhiều phía.