Nhiều người mua vàng dự trữ khi giá lên tới 81 triệu đồng/lượng.Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, đơn vị này vừa kiến nghị Ngân hàng Nhà nước về Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng.
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, Nghị định 24 đã mang lại những kết quả tích cực, quan trọng đối với thị trường tiền tệ, ngoại hối, góp phần chống USD hóa, vàng hóa nền kinh tế.
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm nghị định này đi vào áp dụng, đã và đang xuất hiện những tồn tại hạn chế, vướng mắc như: chênh lệch ngày càng cao giữa giá vàng thế giới và trong nước, tạo vấn đề tâm lý nhất định nơi người dân và nhà đầu tư, đặc biệt mỗi khi thị trường vàng có những biến động.
Những phát sinh hạn chế từ thị trường đòi hỏi nhà điều hành nâng cao hiệu quả công tác quản lý về thị trường, giá vàng, nguyên liệu đầu vào, về công tác thanh tra, kiểm tra, và công tác truyền thông.
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, vàng là loại hàng hóa đặc biệt, có quan hệ trực tiếp đến ngoại tệ và tiền đồng; quản lý hiệu quả thị trường vàng có vai trò quan trọng.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM đã đề xuất liên quan đến việc quản lý thị trường vàng và chỉnh sửa, bổ sung Nghị định 24. Một trong các nội dung đó là có chính sách hạn chế thanh toán, mua bán vàng miếng bằng tiền mặt. Điều này nhằm phòng rủi ro phát sinh trong kinh doanh của các nhà vàng và chống rửa tiền.
Chi nhánh này cũng đề xuất có cơ chế quản lý phù hợp, tránh độc quyền, lợi ích nhóm với các doanh nghiệp kinh doanh tự niêm yết giá; đề xuất quy định trách nhiệm của các đơn vị liên quan đến quản lý thị trường vàng, gồm cả vàng miếng và sản xuất, gia công vàng trang sức mỹ nghệ.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với thị trường, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật thị trường cũng như kiểm soát tốt nguồn nguyên liệu đầu vào và chất lượng sản phẩm. Thanh tra, kiểm tra không chỉ phát hiện ngăn ngừa và hạn chế sai phạm phát sinh, mà còn làm cơ sở để chỉnh sửa, bổ sung các quy định của pháp luật về lĩnh vực hoạt động này.
Từ cuối năm 2023 đến nay, Chính phủ nhiều lần yêu cầu Ngân hàng Nhà nước có các biện pháp quản lý thị trường vàng, không để giá chênh quá cao so thế giới.
Trao đổi với PV Tiền phong, ông Huỳnh Trung Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam - cho rằng, Nghị định 24 đã phát huy tốt vai trò của việc chống vàng hoá kinh tế. Tuy nhiên ở bối cảnh hiện tại nghị định này không còn phù hợp bởi chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới là quá lớn.
“Trong 5 năm đầu khi Nghị định 24 mới ra đời, mức độ chênh lệch không quá lớn, khoảng 3, 4 triệu đồng/lượng. Nhưng kể từ năm 2020, mức độ chênh lệch ngày càng nới rộng ra lên 10 - 15 triệu, có lúc lên tới 20 triệu đồng/lượng”, ông Khánh nói.
Hiệp hội cũng kỳ vọng sớm sửa đổi Nghị định 24 để thị trường vàng Việt Nam có thể liên thông với thị trường vàng khu vực và thế giới.