Quế đã trở thành cây lâm nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao, giúp người dân tại nhiều địa phương thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Tuy vậy, ngành quế cũng đang đứng trước một số khó khăn, thách thức cần giải pháp để tháo gỡ, phát triển bền vững.
Yên Bái là tỉnh có diện tích trồng quế lớn nhất cả nước với hơn 80.000ha, chiếm tới 1/3 diện tích rừng trồng của tỉnh. Hằng năm, sản lượng vỏ quế khai thác đạt khoảng 18.000 tấn; cành và lá quế hơn 85.000 tấn; gỗ quế (tận thu sau khai thác) đạt 200.000m3. Theo đồng chí Kiều Tư Giang, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái, quế đã trở thành cây lâm nghiệp chủ lực của tỉnh, đóng góp quan trọng vào cơ cấu kinh tế và giúp cải thiện môi trường, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai. Để hỗ trợ người dân, các địa phương, ngành liên quan đã thực hiện đầy đủ chính sách phát triển kinh tế từ rừng; hướng dẫn người dân sản xuất an toàn, bền vững, phát triển vùng quế hữu cơ có truy xuất nguồn gốc sản phẩm; HĐND tỉnh Yên Bái cũng có riêng một nghị quyết để hỗ trợ các mô hình kinh tế nông, lâm nghiệp...
Nhờ đó, cây quế đã giúp nhiều hộ dân tại địa phương thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Như gia đình anh Đặng Nguyên Tuấn ở thôn Khe Phầy, xã Đại Sơn (Văn Yên, Yên Bái), trồng quế từ năm 2007 và bắt đầu thu hoạch từ năm 2010; hiện tại đang thu hoạch vỏ với giá bán 50.000 đồng/kg vỏ khô, lá quế từ 1.800 đồng-2.000 đồng/kg. Tính ra mỗi héc-ta quế đến tuổi, gia đình có thể thu về hàng trăm triệu đồng/năm. “Trồng quế một lần sẽ được thu hoạch 30 năm. Năm đầu, năm thứ hai trồng xen canh sắn để có thêm thu nhập. Từ năm thứ 3 trở đi có thể tỉa cành bán là thu được bằng tiền công bỏ ra. Đến năm thứ 8, 9 là cho thu lãi rồi. Nhà nào có 2ha quế, nếu không ốm đau gì là vài năm xây được nhà, mua được ô tô...”, anh Đặng Nguyên Tuấn chia sẻ.
Theo ông Bùi Ngọc San, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến nông sản xuất khẩu Sơn Hải ở huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, sản phẩm quế của nước ta đã xuất đi 30 quốc gia trên thế giới; nhu cầu vẫn còn lớn và ổn định. Các thị trường như Mỹ, Ấn Độ có nhu cầu rất lớn nhưng đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng cao nên cần phải có sự thay đổi căn bản về sản xuất và chế biến quế. Nhà nước cần đưa ra quy hoạch cụ thể vùng trồng quế với chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc rõ ràng; tạo điều kiện về đất đai, hạ tầng để quy hoạch các khu sản xuất, chế biến sản phẩm quế có tiêu chuẩn, chất lượng, bảo đảm vệ sinh môi trường. Bà Nguyễn Thị Phương Liên, phụ trách công tác chứng nhận tiêu chuẩn cho sản phẩm quế của Công ty Cổ phần Sản xuất và xuất khẩu quế, hồi Việt Nam cho biết thêm: “Tại một số địa phương, cây quế đang phát triển nóng, phá vỡ quy hoạch. Ví dụ như tại hai tỉnh Lào Cai, Yên Bái, diện tích quế hiện đã vượt quy hoạch đề ra...”.
Đồng chí Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho rằng: “Để tháo gỡ những khó khăn cho ngành quế, vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng. Doanh nghiệp nắm rõ thông tin thị trường, tạo mối liên kết tiêu thụ và hỗ trợ cho người dân, hợp tác xã trồng quế về quy trình sản xuất quế theo tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ. Tỉnh Lào Cai đã đề ra các giải pháp gắn sản xuất quế theo chuỗi giá trị từ sản xuất, khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Chú trọng chế biến sâu, chế biến tinh nhằm đem lại các sản phẩm có giá trị cao. Mở rộng và phát huy hiệu quả các dự án liên kết theo chuỗi giá trị đã có, đồng thời xây dựng các dự án liên kết theo chuỗi giá trị mới. Tỉnh cũng đang tiến hành quy hoạch các cơ sở chế biến vỏ quế, gỗ quế và tinh dầu quế theo hướng bền vững, hướng tới việc áp dụng các công nghệ chế biến và quy trình quản lý chất lượng tốt nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm quế”.
Để cây quế phát triển bền vững, rất cần chính quyền, ngành chức năng đưa ra định hướng phát triển ngành quế, xác định quỹ đất, quy mô vùng trồng. Đồng thời, hoàn thiện thể chế, chính sách, cơ chế đặc thù cho sản phẩm quế; mở rộng mối liên kết trong nghiên cứu, chọn, tạo, sản xuất giống cây quế; tổ chức sản xuất, phát triển cơ sở sơ chế, chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm.