Hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung
Năm 2024, tổng diện tích vải thiều của tỉnh Bắc Giang vào khoảng 29.700 ha (tăng 1.400 ha so với năm 2022), sản lượng ước đạt trên 180.000 tấn (trong đó vải chín sớm khoảng 57.000 tấn, vải chính vụ khoảng 120.000 tấn). Dự kiến thời gian thu hoạch khoảng từ 25/5 - 30/7/2024.
Bên cạnh đó, để vải thiều bảo đảm chất lượng đáp ứng được nhiều phân khúc thị trường, nhất là phục vụ xuất khẩu, năm 2024, tỉnh Bắc Giang duy trì 178 mã số vùng trồng vải thiều đủ điều kiện sản xuất phục vụ xuất khẩu, với diện tích 16.694,9 ha.
Bắc Giang tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ vải thiều ở thị trường trong và ngoài nước.
Điển hình, huyện Tân Yên là địa bàn có vùng trồng vải thiều sớm tập trung với quy mô hơn 700 ha, lớn nhất tỉnh. Địa phương được cấp hơn 20 mã số vùng trồng vải thiều xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Úc. Những năm trước, do chất lượng hơn hẳn các xã trong huyện Tân Yên nên sản phẩm đã được xuất khẩu thành công sang nhiều quốc gia, trong đó có thị trường khó tính gồm: Nhật Bản, Úc, một số nước châu Âu và dần tiếp cận thêm thị trường mới. Năm nay, tỷ lệ vải thiều sớm ra hoa, đậu quả đạt cao, thời điểm này đang ở giai đoạn quả non, cây sinh trưởng, phát triển tốt, hứa hẹn được mùa, được giá.
Cùng với Tân Yên, các địa phương khác của tỉnh Bắc Giang cũng chú trọng xây dựng các vùng sản xuất tập trung, vùng nguyên liệu cho xuất khẩu. Đáng chú ý, là địa bàn có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, huyện Lục Nam đã xây dựng vùng trồng cây ăn quả, rau màu tập trung quy mô lớn như: Vải (gần 6 nghìn ha); na (hơn 1,7 nghìn ha); nhãn (750 ha); rau chế biến (4 nghìn ha)..., tập trung tại các xã: Tam Dị, Chu Điện, Đông Phú, Bảo Đài...
Xác định thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu đều quan trọng, ông Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: Tỉnh Bắc Giang đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trong năm 2024. Theo đó, tỉnh đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu thành tựu và tiềm năng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Bắc Giang; thu hút các đối tác, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, trong nước và ngoài nước quan tâm, hợp tác, đầu tư tại Bắc Giang.
Cùng với đó “Bắc Giang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới phân phối tại thị trường trong nước, xây dựng niềm tin vào sản phẩm nội địa của người tiêu dùng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh” – Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang thông tin.
Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại
Để thúc đẩy tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm chủ lực, tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ. Điển hình, những năm gần đây, quả vải thiều Bắc Giang xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm trên 98% tổng sản lượng xuất khẩu. Còn lại là các thị trường khác như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, EU, Thái Lan, UAE, Qatar và một số nước khu vực Trung Đông và khu vực Đông Nam Á…
Trước đó, trong năm 2023, lần đầu tiên vải thiều Bắc Giang được xuất khẩu bằng đường sắt qua ga liên vận quốc tế Kép (Bắc Giang) sang ga Bằng Tường (Trung Quốc). Tiếp nối thành công này, năm nay, Bắc Giang tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, thương nhân đón thương nhân Trung Quốc sang thu mua vải thiều; tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu vải thiều vào các thị trường cao cấp như Nhật Bản, Mỹ, các nước EU…
Đồng thời, tỉnh Bắc Giang tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ vải thiều ở thị trường trong và ngoài nước gắn với quảng bá, giới thiệu các sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng của tỉnh; quảng bá hình ảnh địa phương thông qua các sự kiện; tăng cường trao đổi, hợp tác thúc đẩy thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch; thực hiện chiến lược dài hạn trong tiêu thụ, nâng cao giá trị cho các sản phẩm; quảng bá, giới thiệu sản phẩm bài bản, chuyên nghiệp và hiệu quả.
Cùng với đó, tỉnh cũng khảo sát thị trường các cửa khẩu tại Lào Cai, Lạng Sơn, các chợ đầu mối phía Nam; làm việc với một số tỉnh, thành phố, hệ thống phân phối, chợ đầu mối…
Triển khai tiêu thụ vải thiều trên các sàn thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, Bắc Giang cũng tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại như tìm kiếm đối tác, thúc đẩy cơ hội trao đổi, mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ; chú trọng hỗ trợ các sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh… Tổ chức gian trưng bày tham gia quảng bá vải thiều và các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của tỉnh Bắc Giang. Triển khai bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như Voso.vn, Viettel Post, Alibaba...
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về tiêu thụ vải thiều bằng các hình thức như du lịch miệt vườn mùa vải trên các kênh phương tiện truyền thông, báo chí có uy tín của trung ương, của tỉnh. Đảm bảo cung ứng sản phẩm, dịch vụ phụ trợ cho hoạt động tiêu thụ, chế biến. Bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông để đảm bảo niên vụ vải thiều tiếp tục thắng lợi.