Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 29/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.
Cắt giảm trình tự, thủ tục
Qua thảo luận, các đại biểu nhất trí về sự cần thiết nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét Luật Đầu tư công (sửa đổi) nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) đánh giá dự thảo Luật đã bám sát các nhóm vấn đề lớn: Nhóm chính sách thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng; nhóm chính sách về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nhóm chính sách về nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước; nhóm chính sách về thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; nhóm chính sách về đơn giản hóa trình tự, thủ tục và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Về phân cấp, phân quyền, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nhất trí phân cấp việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội sang cho Thủ tướng nhằm cắt giảm trình tự, thủ tục, tạo sự chủ động cho Thủ tướng Chính phủ.
Đại biểu chỉ rõ theo quy định hiện nay của Luật Đầu tư công, thẩm quyền quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thực tiễn triển khai cho thấy, thời gian để xử lý toàn bộ quy trình điều chỉnh mất nhiều thời gian (trung bình mất khoảng 6-7 tháng để thực hiện 11 bước), ảnh hưởng đến tính kịp thời trong việc phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn.
Theo dự kiến, việc phân cấp như dự thảo Luật sẽ cắt giảm được nhiều trình tự, thủ tục (giảm được 5 bước, giảm thời gian khoảng 3 tháng), sớm điều chỉnh kế hoạch vốn để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có căn cứ thực hiện, qua đó đẩy mạnh giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Quy định trên của dự thảo Luật cũng bảo đảm tuân thủ quy định của Hiến pháp, thống nhất với quy định của Luật Ngân sách nhà nước về thẩm quyền điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước.
Đại biểu Lê Minh Nam (Hậu Giang) ủng hộ chủ trương phân cấp, phân quyền trong dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), tuy nhiên, theo đại biểu cần đánh giá kỹ lưỡng để phân cấp phân quyền. Theo đó, cần bám sát chức năng, nhiệm vụ, vai trò của cơ quan được phân quyền để không có những sự thay đổi lớn về chức năng cơ bản của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống; không phân quyền quá mức để làm giảm bớt quá phần việc của các cơ quan cấp trên. Ngoài ra, cần xem xét đến khả năng thực hiện quyền được phân cấp và điều kiện tổ chức thực hiện của các đơn vị được phân quyền.
Cần thiết sửa đổi 7 luật về tài chính
Đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) cho rằng trước sự thay đổi của tình hình kinh tế-xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, các văn bản pháp luật về tài chính đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc và cần phải được rà soát, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung.
Do vậy, việc ban hành dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia là vô cùng cấp thiết và cần thiết.
Đối với Luật Chứng khoán, qua nghiên cứu, đại biểu đánh giá cao việc dự thảo Luật bổ sung thêm các hành vi bị cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán nhằm tăng cường tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật.
Tuy nhiên, theo đại biểu, việc bổ sung hành vi không công bố thông tin của người nội bộ công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng, quỹ đại chúng và người có liên quan của các đối tượng này (khoản 4 điều 1 dự thảo Luật) là chưa phù hợp.
Bởi lẽ, việc công bố thông tin theo luật hiện hành là nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động chứng khoán; trường hợp các tổ chức, cá nhân này vi phạm thì phải chịu chế tài xử phạt theo quy định tương ứng của pháp luật.
Việc tổng kết, nghiên cứu các tình huống thực tế để xây dựng các quy định pháp luật điều chỉnh là cần thiết, nhưng cần xem xét đến tính bao quát, đại diện, tránh điều chỉnh từng hành vi, vụ việc riêng lẻ dẫn đến bỏ sót, bỏ lọt.
"Chúng ta không thể vì không quản lý được thì cấm, mà nên căn cứ theo mức độ nghiêm trọng của các hành vi để xử lý theo hướng thật nặng đối với các hành vi cố tình vi phạm và xử lý ở mức độ hợp lý đối với các vi phạm do vô ý," đại biểu Nguyễn Như So nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng lưu ý cần xem xét để đảm bảo tính phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành mà không gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp vì khoản 1 Điều 33 của Thông tư 96 năm 2000 của Bộ Tài chính đang cho phép người nội bộ và người có liên quan không phải công bố thông tin đối với các giao dịch trong ngày có trị giá dưới 50 triệu đồng.
Nếu quy định cấm sẽ khiến cho hàng loạt các giao dịch nhỏ lẻ phải công bố sẽ làm tăng thêm gánh nặng pháp lý không cần thiết cho cả doanh nghiệp và các cơ quan quản lý. Điều này sẽ dẫn đến sự trì trệ trong các quyết định giao dịch, làm ảnh hưởng đến thanh khoản, tính linh hoạt của thị trường.
Do đó, đại biểu đề nghị, dự thảo Luật cần nghiên cứu bỏ nội dung bổ sung "không công bố thông tin về dự kiến giao dịch" là một hành vi bị cấm.