Dù quan niệm, phong tục, tập quán của một số dân tộc trên địa bàn tỉnh về Rằm tháng Bảy khác nhau nhưng dịp này luôn là một ngày lễ quan trọng trong năm. Tương tự như Tết Nguyên đán, đây cũng là dịp mức tiêu dùng của người dân tăng cao.
Thị trường ít biến động, hàng hóa dồi dào
Tại các chợ dân sinh, không khí mua sắm Rằm đã khá sôi động. Từ ngày 25/8, tức ngày 10 tháng Bảy âm lịch, nhiều gia đình bắt đầu mua sắm, chuẩn bị mâm lễ cúng Rằm. Do đó các sản phẩm như hoa quả tươi, vàng mã, thực phẩm làm đồ cúng trở nên đắt khách. Theo khảo sát của phóng viên, tại các chợ trên địa bàn tỉnh, giá các mặt hàng thực phẩm, hoa tươi có xu hướng tăng dần. Gà là mặt hàng có sức tăng mạnh nhất, giá giao động từ 100.000 - 170.000 đồng/kg (tăng 20.000 - 30.000 đồng). Giá các loại gạo tăng trung bình 2.000 đồng/kg. Giá rau, củ, quả, hoa tươi; các loại thịt, cá, giò chả… tăng nhẹ so với ngày thường.
Bà Hoàng Thị Hoa, xã Cốc San (thành phố Lào Cai) thường xuyên kinh doanh các loại rau củ tại chợ Kim Tân. Theo bà Hoa, Rằm tháng Bảy là ngày lễ lớn, chỉ sau Tết Nguyên đán. Các gia đình thường mời khách tới nhà, đi thăm hỏi lẫn nhau nên nhu cầu mua sắm trong dịp này cũng cao hơn ngày thường. Bởi vậy, bà Hoa cũng như nhiều tiểu thương đều chuẩn bị lượng hàng hóa lớn hơn để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Bà Hoa chia sẻ: Nhiều nơi còn quan niệm “Tết cả năm không bằng Rằm tháng Bảy” nên dịp này nhiều gia đình mua sắm nhiều, cầu kỳ, chúng tôi cũng chuẩn bị nhiều hàng hơn, gấp rưỡi hoặc gấp đôi ngày thường. Rau củ năm nay nguồn cung dồi dào nên giá cả không có nhiều thay đổi, hầu như đều giữ giá hoặc chỉ tăng nhẹ.
Hàng hóa phục vụ thị trường Rằm tháng Bảy năm nay rất phong phú. Sản xuất nông nghiệp được mùa, việc giao thương hàng hóa thuận lợi nên đa dạng nguồn cung các loại thực phẩm. Vì lẽ đó, thị trường trong dịp này ít biến động.
Bên cạnh các mặt hàng thực phẩm, các sản phẩm như vàng mã, đồ cúng cũng đắt khách hơn trong dịp này. Trái với sự tăng giá của các loại hàng tiêu dùng, giá các loại vàng mã, đồ cúng năm nay đang giảm so với những năm trước. Bà Vũ Thị Vui, tiểu thương kinh doanh các loại vàng mã, đồ cúng tại chợ Cốc Lếu chia sẻ: Năm nay kinh tế khó khăn chung, người tiêu dùng cũng thay đổi thói quen mua sắm, lượng khách trong dịp này tăng nhưng mức tiêu dùng lại ít đi. Hầu hết các loại hàng mã tại cửa hàng đều giảm giá dù sản phẩm đẹp hơn, cầu kỳ hơn. Các bộ vàng mã đều giảm giá từ 3.000 - 5.000 đồng/sản phẩm. Với đồ cúng, ví dụ như các loại hương, nến, những sản phẩm thân thiện với môi trường, có nguồn gốc từ thiên nhiên được nhiều người chọn mua hơn.
Dịch vụ mâm cúng sẵn, mâm cúng chay đắt khách
Bên cạnh các nhóm thực phẩm truyền thống, năm nay trên thị trường xuất hiện nhiều thực phẩm chay. Các mặt hàng đồ cúng chay năm nay cũng khá đa dạng, bên cạnh những mặt hàng đồ chay quen thuộc như nấm, đậu... nhiều cửa hàng còn bày bán thêm nhiều thực phẩm chay làm sẵn, như: chả giò chay, thịt gà chay, thịt bò chay, cá viên chay… Tháng Bảy theo quan niệm là tháng cô hồn, vong nhân xá tội nên không sát sinh, do đó, đồ chay khá “đắt khách”.
Tại An Lạc Chay, nhà hàng chuyên kinh doanh thực phẩm chay, phường Kim Tân (thành phố Lào Cai), dịp Rằm tháng Bảy lượng đơn đặt hàng tăng cao so với ngày thường. Chị Hoàng Thị Thúy Hằng, chủ cửa hàng An Lạc Chay chia sẻ: Những năm gần đây, xu hướng sử dụng thực phẩm chay được nhiều người biết đến hơn. Có 2 lý do chính để sử dụng thực phẩm chay là ăn chay vì sức khỏe và ăn chay vì quan niệm tâm linh. Trong tháng Bảy âm lịch, đặc biệt là từ ngày 10 đến ngày 15, nhiều gia đình làm lễ cúng Rằm cũng đặt hàng mâm cỗ chay mang về nên thời điểm này luôn đông khách. Những ngày chính Rằm như 14, 15, chúng tôi cũng luôn phải làm việc hết công suất, có thời điểm còn “quá tải”.
Theo chị Hằng, mâm cỗ chay cũng giống như mâm cỗ truyền thống, có đầy đủ các món như: nem, chả, canh, món xào, nộm… chỉ khác là toàn bộ nguyên liệu đều là đồ chay. Mỗi mâm đồ làm sẵn có giá từ 600.000 đồng trở lên với 7 món cơ bản. Nguyên liệu làm các món chay tương đối cầu kỳ, cách chế biến cũng đòi hỏi sự kỳ công nên nhiều người lựa chọn đặt hàng làm sẵn.
Tương tự như đồ chay, dịch vụ làm mâm cỗ sẵn dịp này cũng “hút khách”. Nhiều gia đình, đặc biệt tại khu vực đô thị không có nhiều thời gian để vào bếp nên thay vì tất bật đi chợ mua đồ, nấu nướng, nhiều gia đình đã lựa chọn dịch vụ nấu cỗ cúng Rằm để có những mâm cỗ tươm tất dâng lên bàn thờ tổ tiên. Mâm cỗ cúng chay, cúng mặn, giá từ 600.000 đồng đến gần 2 triệu đồng/mâm.
Chị Trần Thị Bích Liên, phường Nam Cường thường nhận đặt hàng làm các mâm cỗ, đồ cúng trong dịp này cũng nhận được nhiều đơn hàng hơn thường lệ. Theo chị Liên, làm một mâm đồ cúng truyền thống với nhiều món cơ bản như: thịt gà, nem, canh, xôi, món xào, món luộc… mất rất nhiều thời gian chuẩn bị, chế biến. Rằm tháng Bảy không phải ngày nghỉ, nhiều người lao động vẫn phải duy trì công việc thường ngày nên đã lựa chọn đặt đồ làm sẵn. Vì lượng khách đông nên chị Liên chỉ nhận 3 - 5 mâm cỗ mỗi ngày. Từ 10 - 15 âm lịch, chị Liên đã kín lịch đặt hàng của khách.
Thời gian này, các quán ăn hay đầu bếp cung cấp dịch vụ đặt cỗ cúng đã sớm lên thực đơn trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo... để khách lựa chọn và đặt hàng. Khách chỉ cần gọi điện đặt hàng hoặc nhắn tin qua các kênh online, các đơn vị đặt cỗ sẽ giao tận nơi. Tùy điều kiện kinh tế của từng gia đình mà món ăn trên mâm cúng ngày rằm khác nhau. Các món trong mâm cỗ có thể được điều chỉnh sao cho phù hợp và đầy đủ, thể hiện lòng thành kính của con cháu đối với ông bà, tổ tiên.