Sáng 25 tháng Chạp, hàng hóa vận chuyển ra - vào chợ Cốc Lếu khá tấp nập. Ở khu vực bán thực phẩm tươi và đồ chế biến khô như bánh kẹo, tôm khô, cá khô, các loại nấm, đồ chay, đồ gia dụng... rất đông khách mua. Tiểu thương Nguyễn Thị Thu kinh doanh mặt hàng bánh kẹo cho biết: Năm nay, các sản phẩm rất phong phú, mẫu mã đẹp mắt, giá cả phải chăng. Để chuẩn bị hàng Tết, tôi đã chọn cả hàng nội địa lẫn hàng nhập khẩu từ nhà cung cấp uy tín, đảm bảo nguồn gốc rõ ràng.
Nguồn cung hàng hóa được đảm bảo, giá thực phẩm tươi sống và các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán có biến động nhẹ. Cụ thể, hoa hồng tươi có giá 9 - 12 nghìn đồng/bông (tăng 2 - 3 nghìn đồng/bông so với thời điểm trước Rằm tháng Chạp). Mặt hàng thịt lợn, thịt bò tại chợ có xu hướng tăng nhẹ do nhu cầu tiêu thụ cao từ 23 tháng Chạp. Hiện tại, giá thịt lợn bán lẻ dao động từ 125.000 - 165.000 đồng/kg, tùy loại. Trong khi đó, giá thịt bò tăng thêm 10.000 - 15.000 đồng/kg, dao động từ 270.000 - 390.000 đồng/kg.
Đối với thịt gà, giá dao động trong khoảng 90.000 - 180.000 đồng/kg. Theo các tiểu thương tại chợ, giá một số mặt hàng hải sản có thể tăng nhẹ trong những ngày tới, tùy thuộc vào nguồn cung thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán.
Tại Chợ Du lịch Lào Cai, hàng hóa tết đã được trưng bày khá nhiều. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, sức mua của người dân không nhiều, nên tiểu thương cũng không dự trữ lượng lớn hàng để bán Tết như mọi năm mà hết đến đâu, nhập hàng đến đó.
Năm nào cũng vậy, gia đình chị Thanh Tâm (thị xã Sa Pa) đều dành 1 ngày để xuống thành phố Lào Cai đi chợ hoa, sắm Tết. Theo chia sẻ của chị Tâm, cuối năm, gia đình chỉ dựa vào tiền thưởng Tết để chi tiêu, nên phải tính toán hợp lý, cắt giảm nhiều thứ không cần thiết. Gia đình chị Tâm tới chợ để chọn mua thực phẩm tươi sống, bánh kẹo, mứt và các loại hạt tại chợ để đảm bảo chất lượng.
Theo nhận định của nhiều tiểu thương tại các chợ, do lịch nghỉ Tết năm nay sớm hơn năm ngoái nên khách hàng có xu hướng mua sắm muộn. Kinh tế cũng trong giai đoạn khó khăn khiến việc mua sắm ở mức cầm chừng, người dân chủ yếu mua mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, phù hợp với gia đình và không mua tích trữ thực phẩm như trước đây.
Trái ngược với khung cảnh mua bán tấp nập tại các khu bán thực phẩm tươi sống, sản phẩm Tết.. tại các gian hàng bán túi xách, quần áo, giày dép ở các chợ truyền thống ngày cận Tết rất ít người đến mua sắm.
Thời điểm này, ở khu vực tầng 2 chợ Pom Hán - chợ lớn nhất nhì phía Nam thành phố có rất ít khách hàng. Đây là nơi kinh doanh nhiều mặt hàng giầy dép, quần áo, phụ kiện thời trang... Chị Hương, tiểu thương kinh doanh vải quần áo chia sẻ: Kể từ sau dịch Covid-19, hàng hóa ở chợ bán chậm hơn. Vì đã bỏ tiền đầu tư gian hàng nên tôi vẫn cố gắng bám trụ kinh doanh ở chợ.
Cùng chịu chung cảnh ế ẩm là quầy bán hoa nhựa, đồ trang trí của bà Bùi Thị Đỗ (69 tuổi) ở Chợ Cốc Lếu. Bà Đỗ có hơn 20 năm buôn bán ở chợ nhưng chưa năm nào việc buôn bán lại gặp khó khăn như năm nay. Dù bà Đỗ đã treo biển hạ giá toàn bộ mặt hàng từ 50-70% nhưng mỗi ngày cũng chỉ có vài khách đến xem hàng. “Mặt hàng hoa nhựa, hoa lụa trang trí cũng khó tiêu thụ hơn, bởi người dân đã thắt chặt chi tiêu và chỉ mua những thứ thật sự cần. Năm nay, lượng hàng bán dịp Tết giảm khoảng 70% so với mọi năm.”.
Chị Trang Liên, tiểu thương bán quần áo tại Chợ Du lịch Lào Cai chia sẻ: Quần áo ở chợ có giá bán rất rẻ, phù hợp với người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình. Thế nhưng hiện tại, mỗi ngày chị Liên chỉ bán được bằng 1/10 so với thời điểm 5 năm trước. “Có lẽ bây giờ mọi người đã quen mua quần áo online, nên không còn thói quen đi chợ mua đồ nữa”, chị Liên suy tư nói.
Hiện nay, người tiêu dùng lựa chọn mua hàng qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, bởi hình thức mua bán thuận lợi, có thể mua trước trả tiền sau. Nếu nhận hàng không ưng ý, cửa hàng cho khách gửi trả, hoặc đổi hàng khác mà không mất phí vận chuyển... Việc mua sắm online giúp nhiều người tiết kiệm thời gian, thoải mái lựa chọn sản phẩm mình ưa thích dù ở bất cứ nơi đâu.
Để hút khách, tiểu thương ở các chợ truyền thống cần đặc biệt chú trọng nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa, an toàn thực phẩm, sức khỏe người tiêu dùng; đa dạng hóa mặt hàng; đồng thời, nói không với thách giá, hét giá, tạo ấn tượng tốt cho khách hàng.
Thực tế cho thấy, chợ truyền thống đang phải cạnh tranh với nhiều loại hình kinh doanh hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các kênh bán hàng online... Tuy nhiên, chợ truyền thống vẫn có nét hấp dẫn riêng. Thời điểm này, nhiều người lựa chọn đi chợ truyền thống cũng là để tận hưởng không khí Tết cổ truyền. Đây cũng là nét văn hóa đẹp, gắn liền với ký ức những ngày cuối năm rộn ràng.