LCĐT - Gương mẫu thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đi đầu trong phong trào “hiến đất” xây dựng nông thôn mới, cần mẫn gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần vun đắp khối đại đoàn kết toàn dân tộc… đó là nhận xét chung nhất về ông Phùng Văn Sinh, người uy tín ở Thẳm Con, xã Thẳm Dương (Văn Bàn).
![]() |
Ông Sinh ghi chép lại các cuốn sách cổ. |
“Cánh chim đầu đàn” trong xây dựng nông thôn mới
Theo chân ông Phùng Văn Thông, Bí thư Chi bộ thôn Thẳm Con, chúng tôi tìm đến nhà ông Sinh. Trên các bức tường gỗ trong nhà, bằng khen, giấy khen, giấy chứng nhận mang tên Phùng Văn Sinh được treo ngay ngắn, trang trọng. Cạnh cửa sổ, góc sáng nhất trong nhà, ông Sinh đặt chiếc bàn làm việc, bên trên xếp ngay ngắn hàng chục cuốn sách chữ Nôm Dao.
Nhiều năm qua, ông Phùng Văn Sinh - người có uy tín của thôn Thẳm Con đã tích cực vận động bà con từ trên núi cao xuống vùng thấp, gần trung tâm xã để xây dựng cuộc sống mới. Từ năm 1989 - 2002, ông Sinh với vai trò là Trưởng thôn, nhận thấy 6 hộ ở xa trung tâm, vừa ở trên núi cao, đường đi lại khó khăn, hiểm trở, ông đã vận động các hộ chuyển xuống khu trung tâm để thuận lợi cho việc sản xuất, con em được đến trường học. Gần 5 năm vận động, từ năm 2000 - 2005, chỉ cần có thời gian, ông lại vượt đường xa, leo núi lên với các hộ dân, cùng ăn, cùng nghỉ để người dân thấu hiểu nguyện vọng của mình. Cuối cùng, cả 6 hộ đều di chuyển xuống trung tâm thôn để dựng nhà, phát triển kinh tế. Ông Sinh bộc bạch: Là đảng viên và là Trưởng thôn, tôi thấy mình có trách nhiệm vận động bà con chuyển xuống vùng thấp. Tôi đi một lần vận động không được thì đi nhiều lần. 6 hộ là anh em trong một dòng họ, sau nhiều lần vận động, tôi quyết định lựa chọn gia đình người anh cả là Lý Thừa Vạn để thuyết phục. Ông Vạn đồng ý chuyển nhà, 5 hộ khác dần dần nghe theo và chuyển xuống trung tâm để xây dựng cuộc sống mới.
![]() |
Ông Phùng Văn Sinh thăm Phân hiệu Thẳm Hiêm – nơi ông hiến đất xây trường. |
Đến nay, cả 6 hộ đều đã ổn định kinh tế, trở thành hộ khá trong thôn. Riêng hộ ông Lý Thừa Vạn là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, tấm gương phát triển kinh tế. Ông Vạn tâm sự: Tôi rất biết ơn ông Sinh. Chuyển xuống trung tâm, việc lao động, sản xuất của gia đình, con cháu đi học đều rất thuận lợi.
Không chỉ tích cực tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ông Phùng Văn Sinh còn là điển hình trong phong trào hiến đất xây dựng trường học. Ông đã hiến hơn 1.600 m2 đất để xây dựng phân hiệu Thẳm Hiêm…
Gìn giữ “báu vật” của cha ông
Hiện tại, ông Sinh lưu giữ, sưu tầm hơn chục cuốn sách cổ. Đối với ông, đó là tài sản vô giá nên ông luôn ý thức bảo quản, giữ gìn để thế hệ con cháu được biết đến vốn tri thức quý mà cha ông đã truyền lại cho đời sau. Ông Sinh cho biết: Ngày nay, các hủ tục của người Dao đỏ đã được loại bỏ, nhiều phong tục rườm rà đã được cải tiến. Tuy nhiên, cũng có một số bản sắc văn hóa của người Dao đỏ dần mai một, trong đó có chữ viết. Tôi là người may mắn giữ lại được một số sách cổ của người Dao đỏ.
Một số quyển sách cổ ông Sinh lưu giữ. |
Ông Sinh mang ra tập sách ngả màu thời gian, trong đó nhiều cuốn đã cũ nát. Các cuốn sách cổ đều được viết bằng chữ Nôm, mực dùng để viết là mực tàu trên chất liệu giấy bản (giấy dó). Giấy bản thường được người Dao đỏ làm từ cây vầu, cây nứa. “Tôi không rõ các cuốn sách này có tuổi đời bao nhiêu năm, chúng được truyền từ thời cụ, rồi thời bố tôi. Đó là sách xem ngày tốt, ngày xấu, ngày làm lễ cấp sắc, ngày làm đám cưới; một số sách cúng và một số sách dạy chữ Nôm... Có cuốn bị ẩm mốc, mờ chữ, hư hại. Tôi đã phải chép lại nội dung các cuốn sách và cất giữ cẩn thận vì đó là “báu vật”, vốn quý của cha ông truyền cho con cháu”, ông Sinh chia sẻ.
Theo ông Sinh, sách cổ của người Dao bị thất lạc, mất mát hoặc không còn có nhiều nguyên nhân. Do đất nước trải qua nhiều cuộc chiến tranh, nhà cửa bị tàn phá, nhiều cuốn sách cổ bị thất lạc hoặc thiêu rụi. Bên cạnh đó, thời tiết nóng, ẩm, mưa nhiều, những cuốn sách lại được viết trên giấy dó mỏng, gặp thời tiết ẩm hay bị mủn, nhòe chữ, mất chữ, mối xông. Cũng có người do không biết chữ, không nhận thức được tầm quan trọng của những cuốn sách cổ cha ông để lại nên khi được hỏi mua đã bán đi...
Là trưởng thôn, rồi tham gia 2 khóa HĐND xã, ông Sinh luôn là người uy tín đối với người dân ở thôn Thẳm Con. Nói về ông Sinh, ông Phùng Văn Thông, Bí thư Chi bộ thôn Thẳm Con cho biết: Mặc dù gia đình còn khó khăn, nhưng ông Sinh từng từ chối sự hỗ trợ, giúp đỡ xây dựng nhà đại đoàn kết. Ông cho rằng, còn nhiều hộ khó khăn hơn cần được giúp đỡ.
Với những suy nghĩ tiến bộ, việc làm thiết thực của mình, ông Phùng Văn Sinh luôn xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng của bà con, là “cây cao, bóng cả” trong cộng đồng.