Từ biên cương Lào Cai đến “cánh cửa thép” giải phóng Sài Gòn

“Đồng đội tôi đã ngã xuống ở cửa ngõ Đồng Dù. Mỗi bước tiến là máu, là nước mắt… nhưng chúng tôi không lùi vì sau lưng là Tổ quốc”. Đó là những lời giản dị mà đau đáu của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Hòa (thành phố Lào Cai). Ông từng trực tiếp cầm súng trong trận đánh ác liệt cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp chiến công vang dội, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

0:00 / 0:00
0:00
a-1.jpg

Ông Nguyễn Văn Hòa sinh ra giữa năm tháng đất nước còn chia cắt. Cuộc sống lam lũ bởi chiến tranh đã hun đúc trong ông ý chí mãnh liệt, khát khao tham gia cuộc chiến giành lại độc lập cho non sông đất nước.

“Ngày 22/12/1972, tôi chia tay gia đình để lên đường nhập ngũ. Cũng đúng ngày kỷ niệm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, niềm tự hào càng nhân lên gấp bội”, ông Hòa kể lại với ánh mắt rạng rỡ. Đó là lần đầu tiên rời xa quê hương, nhưng trong ông chẳng có gì lạ lẫm bởi trái tim, ý chí của chàng thanh niên tuổi đôi mươi khát khao cống hiến cho đất nước bùng lên mãnh liệt.

2.jpg

Chỉ vài tháng ngắn ngủi trong thao trường luyện tập, ông hành quân vào miền Nam, là chiến sĩ Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320A tham gia Chiến dịch Tây Nguyên.

Hành trình giải phóng Tây Nguyên đầy hiểm nguy, từ cuộc chiến đẫm máu đến rừng xanh với dịch bệnh hoành hành. Nhưng vượt lên tất cả, ý chí căm thù giặc cướp nước đã giúp ông vững tay súng, cùng đồng đội giành chiến thắng ở nhiều chiến trường quan trọng tại Chư Sê và truy kích thần tốc tại Cheo Reo - Phú Bổn (Gia Lai); chiến đấu oanh liệt trên tuyến đường 7 (nay là Quốc lộ 25); tham gia giải phóng Phú Yên, Đồng Nai. Tuy chỉ có 3 năm chiến đấu, nhưng là bộ đội chủ lực nên ông Hòa đã trực tiếp tham gia hàng trăm trận đánh lớn, nhỏ khác nhau. “Cuộc sống gắn liền với tiếng bom rền, với cây súng và lòng căm thù giặc. Đêm ngủ dưới gốc cây rừng, ngày vượt suối băng đèo, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ tới việc quay đầu, mà chỉ có tiến về phía trước”, ông Hòa kể.

a-4.jpg

Cuối tháng 4/1975, ông Hòa cùng đơn vị được lệnh thần tốc hành quân hướng về Sài Gòn, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Mục tiêu là Đồng Dù, căn cứ quân sự trọng yếu do Sư đoàn 25 bộ binh Mỹ (hay còn gọi là Tia chớp nhiệt đới) thiết lập và sau này do quân Ngụy trấn giữ. Căn cứ này được mệnh danh là “chiếc chìa khóa thép” án ngữ cửa ngõ Tây Bắc vào Sài Gòn. Đồng Dù lúc ấy như một pháo đài bất khả xâm phạm, bên ngoài là nhiều lớp rào kẽm gai cùng với hệ thống lô cốt và các bãi mìn được bố trí dày đặc, do Chuẩn tướng Lý Tòng Bá (Sư đoàn trưởng Sư đoàn 25, Quân lực Việt Nam Cộng hòa) chỉ huy.

dong-du.jpg
Quân đội ta tiêu diệt căn cứ quân sự Đồng Dù. Ảnh: Tư liệu

“Đó là vào rạng sáng 29/4/1975, pháo binh của ta đồng loạt tiến công căn cứ Đồng Dù và kéo dài trong suốt nhiều giờ liền. Bộ binh nổ mìn định hướng và đánh bộc phá liên tục mở bung nhiều lớp hàng rào”, ông Hòa nhớ lại. Chiến sự diễn ra ác liệt ngay từ những phút đầu. Lực lượng thọc sâu của ta do xe tăng phối hợp chặt chẽ với bộ binh lần lượt đánh chiếm khu vực hậu cứ Trung đoàn 46 của địch, đập tan những chốt kháng cự trên đường tiến công. Đến 10 giờ 30 phút, ta đánh chiếm và làm chủ Sở chỉ huy Sư đoàn 25, Quân lực Việt Nam Cộng hòa, Sư đoàn trưởng Lý Tòng Bá và Ban Tham mưu đã bỏ chạy.

adad.jpg

Là bộ đội chủ lực, trực tiếp chiến đấu, đối với ông Hòa, Đồng Dù không phải trận đánh, mà là thử thách sinh tử. Máy bay địch gầm rú ngày đêm. Pháo sáng, hỏa lực, mìn chống tăng, bẫy thép giăng dày đặc. Mỗi mét tiến lên là một mạng sống treo đầu súng. “Đồng đội tôi hy sinh ngay bên cạnh, có người chỉ còn kịp gọi “cha mẹ ơi” rồi lịm đi”, ông Hòa nghẹn giọng. Thời gian chiến đấu thần tốc, hành quân ngay trong đêm và tấn công cứ điểm của địch vào lúc rạng sáng. Dù chỉ với vài mảnh lương khô nhưng ông chẳng biết đói, biết mệt. Ông và đồng đội tấn công liên tục, ý chí giải phóng là động lực để ông vững tay súng tiến về phía trước, không màng đến cái chết. Thừa thế tiến công, các hướng, mũi chiến đấu của ta tiếp tục phát triển tiêu diệt trận địa pháo, Sở Chỉ huy Trung đoàn 50, khu thiết giáp và sân bay, đồng thời đánh tan lực lượng phản kích của địch. Đến 11 giờ, ngày 29/4/1975, ta làm chủ hoàn toàn căn cứ Đồng Dù.

a-3.jpg

Hôm sau (30/4), được Nhân dân Củ Chi giúp đỡ, quân ta đã tóm gọn Chuẩn tướng Lý Tòng Bá và Sư đoàn phó cùng một số sĩ quan tham mưu của địch. “Cánh cửa thép” án ngữ phía Tây Bắc Sài Gòn bị phá toang, tạo thuận lợi cho lực lượng tiến công thọc sâu, tiến thẳng về nội đô Sài Gòn, kết hợp cùng cánh quân khác đánh chiếm các mục tiêu chiến lược và giành thắng lợi hoàn toàn vào 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975.

5.jpg

Đứng trước thời khắc lịch sử của non sông đất nước, ông Hòa và đồng đội hò reo vui mừng khi ngày tháng “nằm gai nếm mật” đã kết thúc, Nam - Bắc thống nhất nối liền một dải. “Đó là khoảnh khắc mà mỗi người lính khi đã tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh sẽ không bao giờ quên. Cảm giác được sống, được tận hưởng không khí hòa bình thật sung sướng khó tả. Tôi chỉ biết nhìn lên bầu trời, lòng thầm reo vui: Đây là trời của ta, đất của ta!”, ông Hòa chia sẻ.

4.jpg

Chiến thắng rất vinh quang nhưng bởi lẽ ký ức về đồng đội nằm lại chiến trường, không bao giờ được tận hưởng giây phút hòa bình luôn đau đáu trong ông. Mỗi khi nhớ về trận đánh Đồng Dù, nhớ về ngày giải phóng miền Nam, giọng ông Hòa lại trầm xuống: “Nếu không chiếm được Đồng Dù, thì không thể mở cánh cửa tiến vào trung tâm Sài Gòn. Chúng tôi hiểu rằng, phía sau mình là Tổ quốc, là Nhân dân, là lời hứa với đồng đội đã ngã xuống”.

a-2.jpg

Sau năm 1975, ông Hòa tập kết ra Bắc, rồi tiếp tục tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Với những thành tích, chiến công đặc biệt, tháng 12/1979, ông Hòa vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

3.jpg

Hòa bình lập lại, ông Hòa rời tay súng, cầm cuốc, xẻng dựng xây quê hương. Từ cán bộ đoàn năng nổ, ông được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Tỉnh đoàn Hoàng Liên Sơn, rồi Bí thư Tỉnh đoàn Lào Cai kể từ khi tái lập (năm 1991). Tiếp đó, ông làm Bí thư Thị ủy Cam Đường, Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Dù ở cương vị công tác nào, nhưng với phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, ông luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp sức xây dựng Lào Cai ngày càng phát triển.

6.jpg

Dù đã nghỉ hưu nhưng ông Hòa vẫn tích cực tham gia hoạt động tại nơi cư trú, đặc biệt là hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng. Khi được các nhà trường mời giao lưu, nói chuyện truyền thống, ông đều nhận lời với tư cách là nhân chứng lịch sử, để thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về một thời oanh liệt, đầy tự hào của đất nước, của dân tộc.

Trong những ngày cả nước và hàng triệu con tim hướng về kỷ niệm 50 năm ngày non sông thống nhất, ông Hòa vô cùng xúc động: “Đó là hành trình đầy tự hào của cuộc đời, tôi mãi không quên”.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Hội nghị Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2024 - 2029

Hội nghị Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2024 - 2029

Sáng 1/7, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Hội nghị Ban Thường trực lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Các đồng chí: Giàng Thị Dung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Lý Văn Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì hội nghị.

Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp: Gọn bộ máy vì Nhân dân phục vụ

Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp: Gọn bộ máy vì Nhân dân phục vụ

Ngày 1/7/2025 đánh dấu mốc son lịch sử trong hành trình phát triển của Lào Cai. Đó không chỉ là khoảnh khắc hai cái tên, hai vùng đất Yên Bái và Lào Cai hòa làm một, thành tỉnh Lào Cai mới, mà còn là ngày đầu mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã) chính thức đi vào vận hành.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và viếng các anh hùng, liệt sỹ

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và viếng các anh hùng, liệt sỹ

Sáng 1/7, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai do đồng chí Trịnh Xuân Trường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đến dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích lịch sử quốc gia Lễ đài Sân vận động Yên Bái và viếng các anh hùng, liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ trung tâm tỉnh.

Cán bộ và Nhân dân tin tưởng, đồng thuận, góp sức xây dựng tỉnh Lào Cai phát triển phồn vinh, thịnh vượng

Cán bộ và Nhân dân tin tưởng, đồng thuận, góp sức xây dựng tỉnh Lào Cai phát triển phồn vinh, thịnh vượng

Hôm nay (ngày 1/7), cùng với cả nước, cán bộ và Nhân dân tỉnh Lào Cai vui mừng, phấn khởi trước sự kiện hợp nhất tỉnh, vận hành chính quyền 2 cấp... Phóng viên Báo Lào Cai đã ghi nhận ý kiến của nhiều cán bộ, người dân trong tỉnh về sự kiện trọng thể này.

Hân hoan niềm tin

Hân hoan niềm tin

Sáng 30/6/2025, tại các địa phương trong tỉnh đã diễn ra lễ công bố các nghị quyết, quyết định của Trung ương và của tỉnh về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã... Đây là sự kiện chính trị quan trọng, phóng viên Báo Lào Cai đã ghi nhận được không khí hân hoan, phấn khởi, tràn ngập niềm tin, sự kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh. 

fb yt zl tw