Những trận mưa cuối tháng 9 đầu tháng 10 năm 2023 càng khiến tình trạng sạt lở trên tuyến đường nối Quốc lộ 70 đến Tỉnh lộ 157 qua thôn Quy Ke – Tòng Già xảy ra nghiêm trọng hơn với hàng chục điểm. Điểm sạt lở nặng nhất nằm ngay trung tâm thôn Quy Ke, với lượng đất đá rất lớn từ ta luy dương sạt xuống đã vùi lấp hoàn toàn một đoạn đường gần 100 m; tại các điểm sạt khác, đất đá vùi lấp từ 1/3 đến 2/3 mặt đường. Tình trạng này đã gây rất nhiều khó khăn cho việc đi lại, giao thương của người dân địa phương.
Để phục vụ Nhân dân hai thôn Tòng Già và Quy Ke đi lại, từ cuối năm 2022, đơn vị thi công đã thường xuyên đưa máy móc, nhân lực san gạt để mở lối đi tạm thời. Tuy nhiên, người dân chỉ có thể đi lại trên tuyến đường vào những ngày trời nắng, còn khi có mưa, bùn đất tiếp tục tràn ra mặt đường từ các điểm sạt, khiến giao thông liên tục bị chia cắt.
Theo phản ánh của người dân, tuyến đường nối Quốc lộ 70 đến Tỉnh lộ 157 là tuyến đường huyết mạch của thôn Quy Ke và thôn Tòng Già. Việc sạt lở kéo dài, không được khắc phục kịp thời, đã ảnh hưởng lớn đến việc đi lại và đời sống Nhân dân. Ngày mưa, nền đường ngập sâu trong bùn đất, người dân đi xe máy phải cố lách qua những đoạn sình lầy lớn, ô tô thì hoàn toàn không thể di chuyển qua khu vực này.
Chị Đặng Thị Quý, thôn Quy Ke, cho biết: Tuyến đường trục của thôn giờ xuất hiện nhiều điểm sạt lở, nên việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Cách đây vài ngày, tôi chở bao thóc chỉ khoảng 30 kg, khi đi qua một điểm sạt thì xe bị mắc kẹt giữa bùn lầy không đi được, khiến tôi bị ngã trẹo chân. Việc người dân bị ngã xe khi lưu thông trên tuyến đường này diễn ra như “cơm bữa”, xe của người dân lúc nào cũng trong tình trạng lấm lem bùn đất, đến nỗi, bất kỳ ai đi xe ra trung tâm thị trấn, chỉ cần nhìn xe, người ta nhận ra ngay người dân thôn Quy Ke.
Không chỉ gây khó khăn trong việc di chuyển, các điểm sạt lở khiến việc giao thương của người dân Quy Ke, Tòng Già cũng đóng băng, bởi người dân 2 thôn chủ yếu phát triển kinh tế từ sản xuất nông nghiệp như trồng lúa, trồng rừng và nuôi cá. Đến thời điểm thu hoạch, xe của các tiểu thương không thể vào thôn để mua trực tiếp, người dân phải dùng xe máy “trung chuyển” nông sản ra thị trấn mới có thể bán được.
Ông Đặng Văn Sơn, thôn Quy Ke nói: “Đường hỏng, ô tô không vào được, chúng tôi muốn bán cá cũng phải đóng thành từng bao, chia thành nhiều chuyến, chở qua các điểm sạt lở, đến nơi ô tô đứng đợi để bán. Bất tiện vô cùng”.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Xuân Cương, Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Phong Hải cho biết: Công trình đường nối từ Quốc lộ 70 đi Tỉnh lộ 157 với chiều dài hơn 3 km được phê duyệt vào tháng 10/2020 do UBND huyện Bảo Thắng làm chủ đầu tư. Tổng dự toán công trình là hơn 4 tỷ đồng.
Đây là tuyến đường do người dân hai thôn Quy Ke và Tòng Già tự nguyện hiến đất, không có kinh phí giải phóng mặt bằng. Vì vậy, việc triển khai khắc phục các điểm sạt lở chậm trễ đã gây rất nhiều bức xúc trong Nhân dân. HĐND và UBND xã đã có văn bản gửi chủ đầu tư để đề nghị có giải pháp đẩy nhanh việc hoàn thiện những đoạn bị hỏng và khắc phục các điểm sạt lở để người dân đi lại thuận lợi, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, không hiểu vì nguyên nhân gì, gần một năm nay việc khắc phục vẫn chưa hoàn thành.
"Quy Ke và Tòng Già là hai thôn khó khăn của địa phương, các hộ dân chủ yếu phát triển kinh tế nông nghiệp và chăn nuôi. Đường vào thôn bị chia cắt khiến người dân không thể tiêu thụ nông sản và việc xây dựng nông thôn mới cũng vướng rất nhiều. Chúng tôi đề nghị UBND huyện sớm chỉ đạo đơn vị chức năng có giải pháp khắc phục"- ông Cương nói.
Lý giải về sự chậm trễ trong khắc phục sạt lở ở tuyến đường nối từ Quốc lộ 70 đi Tỉnh lộ 157 gây ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân, ông Vũ Hồng Hà, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện Bảo Thắng cho biết: Các điểm sạt này đã xuất hiện từ năm 2022. Khi xảy ra sạt lở, phát sinh nhiều vấn đề cần giải quyết liên quan đến đền bù cho phần diện tích phía ta luy dương (là đất rừng, đất sản xuất của người dân). Cùng với đó, phải thay đổi một số nội dung liên quan đến kinh phí đầu tư xây dựng.
Đầu năm 2023, UBND huyện Bảo Thắng đã đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh bổ sung nguồn vốn cho công trình tăng 2 tỷ đồng so với dự toán ban đầu. Đến tháng 4/2023, UBND tỉnh đã có quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Theo đó, điều chỉnh bổ sung hạng mục khắc phục các điểm sạt lở, kết hợp kè gia cố chân ta luy dương bằng rọ thép. Thời gian thực hiện dự án điều chỉnh đến cuối 2023.
Ngay trong ngày phóng viên có mặt ghi nhận về tình trạng sạt lở của tuyến đường, đơn vị thi công đã triển khai máy xúc và phương tiện vận tải đến để dọn hót đất đá ở điểm sạt lở lớn nhất tại thôn Quy Ke.
Hy vọng, với những giải pháp được chủ đầu tư và nhà thầu thi công đưa ra và khẩn trương thực hiện thì việc giải quyết các điểm sạt sẽ được hoàn thành trong tháng 10.
Cũng cần nói thêm rằng, để đẩy nhanh tiến độ thi công khắc phục sạt lở, sớm đưa tuyến đường nối từ Quốc lộ 70 đi Tỉnh lộ 157 hoạt động trở lại, các hộ dân thôn Quy Ke và Tòng Già ở ven hai bên đường cần phối hợp và hỗ trợ nhà thầu thu dọn những vật liệu, cây cối gây cản trở giao thông. Bởi theo thông tin từ chủ đầu tư, thời gian gần đây, một số hộ đã cố tình dùng cây, củi rào đường ngăn cản thi công.
Cùng với đó, UBND thị trấn Nông trường Phong Hải cũng cần làm tốt công tác tuyên truyền để người dân không có hành động gây mất an ninh trật tự.