Đợt mưa lũ lịch sử vừa qua khiến gia đình bà Nguyễn Thị Lý ở thôn Mai Hạ, xã Xuân Hòa bị thiệt hại nặng nề. Toàn bộ diện tích ngô của gia đình gieo trồng trên cánh đồng đã bị vùi lấp. Sau khi nước rút, ngày ngày hai vợ chồng bà miệt mài ngoài ruộng để đào rãnh thoát nước, thu dọn cây khô, cỏ rác ngổn ngang để “cứu” tư liệu sản xuất của gia đình.
Ngơi tay cuốc đất, bà Lý chia sẻ: Vụ này thiếu nước, thửa ruộng này gia đình phải chuyển sang trồng ngô. Diện tích ngô sau mấy tháng chăm bón đang phát triển tốt, chỉ hơn tuần nữa là được thu hoạch, vậy mà chỉ sau một đêm tất cả đã bị vùi lấp dưới đất bùn. Mặc dù xót công, tiếc của, nhưng chúng tôi không thể ngồi yên than trách, ngay sau mưa lũ, gia đình đã thu dọn đồng ruộng, làm đất và chuẩn bị xuống giống cho vụ mới. Tôi tin rằng đất không phụ công người, trồng ngô vụ đông ngoài cho thu bắp sẽ cho thu thân, lá làm thức ăn cho gia súc.
Với tinh thần nước rút tới đâu, khắc phục hậu quả tới đó, sau khi hoàn lưu cơn bão số 3 qua đi, xã Xuân Hòa đã bắt tay ngay vào công việc khắc phục hậu quả để sớm ổn định sản xuất. Trên khắp các cánh đồng, cấp ủy, chính quyền địa phương đang cử cán bộ, công chức, viên chức cùng nông dân làm đất, gieo trồng cây vụ đông.
Xuân Hòa có hơn 207 ha đất sản xuất nông - lâm nghiệp bị thiệt hại do mưa lũ, trong đó hơn 50% diện tích cây trồng bị thiệt hại hoàn toàn không có khả năng khôi phục, ước thiệt hại hơn 130 tỷ đồng. "Nhằm giúp nông dân khắc phục hậu quả sau mưa lũ, khôi phục sản xuất, chính quyền xã đã thành lập các tổ công tác đến từng thôn, cánh đồng để tuyên truyền, hướng dẫn, cùng Nhân dân tập trung cải tạo đất, gieo trồng cây vụ đông. Đến nay, nông dân trên địa bàn đã cải tạo đất và gieo trồng được hơn 70 ha cây ngô và rau màu vụ đông", ông Cổ Văn Chuông, Bí thư Đảng ủy xã cho biết.
Cùng với các địa phương trong huyện, xã Nghĩa Đô đã tổ chức phát động, ra quân cải tạo ruộng đồng, khôi phục sản xuất. Tại đây, các lực lượng gồm cán bộ, công chức và Nhân dân đã cùng xuống đồng khắc phục các ruộng, bãi bị ngập sâu, vùi lấp. Hiện xã đã làm đất được gần 90% diện tích ruộng bị thiệt hại để trồng cây vụ đông. Ông Đỗ Văn Lưu, Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Đô chia sẻ: Với sự hỗ trợ của Nhà nước, các cơ quan, doanh nghiệp về giống, phân bón, thiết bị nông nghiệp đã tạo điều kiện, động lực giúp nông dân Nghĩa Đô sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống sau bão lũ.
Huyện Bảo Yên có hơn 2.550 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại do mưa lũ, trong đó nhiều diện tích không thể khôi phục được. Dù chịu tổn thất nặng nề do cơn bão số 3 nhưng người dân Bảo Yên không khuất phục trước thiên tai. Ngay sau mưa lũ, nước rút, chính quyền và Nhân dân đã bắt tay vào việc dọn dẹp, thu gom rác, cải tạo đất để chuẩn bị cho mùa vụ mới.
Huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn, chính quyền các địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người dân vệ sinh đồng ruộng, làm đất để chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, với phương châm không để đất trống.
Bà Nhữ Thị Tâm, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thông tin: Theo phương án phục hồi sản xuất nông nghiệp sau ảnh hưởng của cơn bão số 3, huyện Bảo Yên ưu tiên cấp phát giống các loại cây trồng cho Nhân dân sản xuất vụ đông bù vào thiệt hại của vụ mùa với tổng diện tích 755,2 ha (trong đó cây vụ đông 714,2 ha, cây dâu tằm 41 ha).
Ngành nông nghiệp cử cán bộ xuống các cánh đồng hướng dẫn biện pháp làm đất tối thiểu, kỹ thuật gieo trồng cây vụ đông đảm bảo khung thời vụ và rút ngắn thời gian sinh trưởng trên đồng ruộng đối với từng loại cây.
Tính đến ngày 12/10, toàn huyện đã làm đất được trên 228 ha (đạt 51% so với kế hoạch), đã thực hiện gieo trồng được hơn gần 140 ha cây vụ đông các loại (đạt 30% kế hoạch); phấn đấu đến 20/10 sẽ hoàn thành làm đất và gieo trồng cây vụ đông đảm bảo kế hoạch và khung thời vụ.
Cùng với đó là tập trung sửa chữa, cải tạo 84 công trình thủy lợi, hồ chứa bị hư hỏng do cơn bão số 3 gây ra để đảm bảo đủ nước tưới tiêu cho diện tích sản xuất nông nghiệp, trước mắt để khắc phục tạm thời các điểm hư hỏng bằng cách tuyên truyền, vận động các hộ hưởng lợi và tổ vận hành nạo vét, khơi thông dòng chảy, gia cố tạm thời bằng vật liệu địa phương tre, nứa, gỗ…
Huyện đã kêu gọi, giới thiệu các đơn vị thực hiện một số mô hình liên kết sản xuất vụ đông trên địa bàn huyện như liên kết trồng và tiêu thụ bí đỏ với diện tích 35 ha tại các xã: Tân Dương, Xuân Thượng, Bảo Hà, Xuân Hòa, Lương Sơn; liên kết trồng khoai tây với diện tích 16,3 ha tại các xã: Thượng Hà, Minh Tân, Điện Quan, Kim Sơn, Bảo Hà, Cam Cọn, Yên Sơn, Lương Sơn, Việt Tiến, Phúc Khánh.
Với tinh thần chủ động, quyết tâm và những giải pháp kịp thời, quyết liệt, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Bảo Yên đang dần hồi phục. Những hạt giống ngô, giống rau, khoai và phân bón đã được vận chuyển về tận thôn, bản, hộ dân; những cánh đồng được cải tạo, những hạt giống đã được gieo xuống đất trong vụ sản xuất mới mang theo niềm tin, hy vọng về một vụ đông thắng lợi cho nông dân vùng lũ Bảo Yên.