Cây dứa gắn bó với người dân xã Bản Lầu gần 30 năm, nhưng từng ấy thời gian, người dân nơi đây chỉ thu hoạch 1 vụ từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau. Từ thời điểm tháng 5 đến tháng 9, thời tiết ở Bản Lầu nắng gay gắt, không thuận lợi cho cây dứa sinh trưởng và phát triển.
Tuy nhiên, nhu cầu của thị trường đối với quả dứa có quanh năm, vào mùa hè, nhu cầu tăng nhưng người dân không có sản phẩm để bán. Trăn trở với bài toán này, người dân Bản Lầu đã học kỹ thuật canh tác khoa học “bắt” cây dứa ra quả theo ý muốn.
Đang thời điểm cuối vụ thu hoạch dứa ở Bản Lầu, hầu hết trên các nương chỉ còn trơ gốc, người dân chuẩn bị làm đất chờ vụ sau. Thế nhưng mảnh nương của gia đình chị Lục Thị Phương ở thôn Na Mạ vẫn xanh tươi mát mắt với nhiều ngòi hoa đang sinh trưởng khỏe mạnh. Đây là vụ thứ 3, gia đình chị canh tác dứa trái vụ, còn gần 2 tháng nữa dứa mới chín, nhưng những ngày này, thương lái đã đặt mua tại chân đồi với giá 12.000 đồng/kg. Chị Phương cho biết: Trừ chi phí, nếu thu hết đồi dứa này sẽ mang lại cho gia đình khoảng 40 triệu đồng. Đồi dứa cũng giúp chị không còn cảnh chạy đôn chạy đáo khắp nơi làm thuê trong những ngày nông nhàn như trước đây.
Bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc Hợp tác xã Thịnh Phong cho biết: Trồng dứa trái vụ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Ví dụ như dứa chính vụ có thể bán được 5.000 - 8.000 đồng/kg, nhưng dứa trái vụ bán được 10.000 - 12.000 đồng/kg. Hợp tác xã hiện có 15 hộ xã viên, diện tích trồng dứa hơn 100 ha, trong đó diện tích dứa trái vụ hơn 20 ha. Ngoài tiêu thụ sản phẩm dứa của các hộ xã viên, hợp tác xã còn tiêu thụ hơn 500 tấn dứa cho nông dân trên địa bàn.
Bà Lương Thị Ánh Hồng, thôn Na Mạ 2 cho biết: Dứa chính vụ thường trùng với mùa thu hoạch nhiều loại quả nên khó bán, giá thấp. Nhưng 2 năm trở lại đây, tôi học tập kỹ thuật, cách xử lý dứa cho quả trái vụ. Hằng năm, gia đình trồng hơn 2 vạn gốc dứa trái vụ, từ tháng 6 đến tháng 8 đã có dứa bán. Giá bán dứa thời điểm này cao hơn từ 4.000 - 5.000 đồng/kg so với chính vụ. Những vụ tới, tôi sẽ tiếp tục cho cây ra quả trái vụ.
Nhận thấy trồng dứa trái vụ có giá bán cao hơn nên xã Bản Lầu chủ trương khuyến khích trồng dứa trái vụ, nhất là khi Nhà máy chế biến rau, quả xuất khẩu Mường Khương hoạt động tại địa phương. Dứa trái vụ được trồng thí điểm trên địa bàn xã Bản Lầu từ năm 2020 với khoảng 5 ha, tăng lên 20 ha năm 2022 và dự kiến năm 2023 mở rộng lên 35 ha.
Theo cán bộ kỹ thuật, dứa trồng trái vụ đòi hỏi đầu tư nhiều hơn, chăm sóc tỉ mỉ hơn so với dứa chính vụ, cần căn chuẩn thời gian bón phân và sử dụng lượng phân hợp lý. Tùy sự sinh trưởng từng thời kỳ của cây dứa mà chọn loại phân bón thích hợp.
Ông Nguyễn Văn Mão, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Lầu cho biết: Trồng dứa trái vụ, nông dân phải chăm sóc nhiều hơn, tuy năng suất và mẫu mã không bằng dứa chính vụ nhưng bù lại giá bán cao và tiêu thụ ổn định. Đối với cây dứa, khi sản xuất trái vụ, hiệu quả kinh tế tăng từ 15% đến 20% so với chính vụ. Tuy nhiên, trồng trái vụ cũng nhiều rủi ro, bởi thời tiết nắng nóng dễ làm quả dứa bị cháy, cuống dứa mềm hơn dễ bị gãy, đổ, thêm vào đó lại xuất hiện nhiều sâu, bệnh.