Cùng dự Hội nghị có Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng các bộ, ngành, Hiệp hội Du lịch Việt Nam; các chuyên gia kinh tế, du lịch; lãnh đạo các doanh nghiệp lớn ngành du lịch, hàng không.
Tham dự tại điểm cầu Lào Cai có đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, Hiệp hội Du lịch tỉnh, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn.
10 tháng năm 2023 du lịch vượt kế hoạch năm
Hoạt động du lịch đã dần khôi phục trở lại, đặc biệt là du lịch nội địa. Trong 10 tháng năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 9,97 triệu lượt, vượt kế hoạch năm 2023; khách nội địa đạt 98,7 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt 582,6 nghìn tỷ đồng.
Các hoạt động, sự kiện du lịch diễn ra sôi động tại các địa phương, nhận thức của toàn xã hội về tác động lan tỏa của ngành du lịch có chuyển biến tích cực. Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, quyết tâm chính trị của nhiều địa phương, sự nỗ lực của các doanh nghiệp du lịch đã tạo ra nội lực tăng trưởng và phục hồi. Các vấn đề tạo thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đã được nhận diện từ nhiều năm trước như quản lý xuất nhập cảnh, thị thực điện tử, thời hạn của thị thực miễn đơn phương... đã có chuyển biến mạnh mẽ. Sản phẩm du lịch được làm mới, tăng sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh. Nhiều điểm đến mới được đầu tư, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch được cải thiện.
Tuy nhiên, bên cạnh đó du lịch Việt Nam còn một số hạn chế: Tỷ lệ phục hồi lượng khách du lịch quốc tế còn thấp so với năm 2019 và so với năng lực cung của ngành. Hạn chế trên do: Nhiều doanh nghiệp du lịch Việt Nam vẫn còn phụ thuộc vào các thị trường truyền thống, trong khi đó các thị trường này phục hồi chậm; xu hướng lựa chọn các điểm đến gần sau dịch thay vì lựa chọn điểm đến có khoảng cách xa của một số thị trường trọng điểm của Việt Nam; thông tin, quảng bá còn hạn chế, thiếu kịp thời tại các thị trường nguồn quốc tế.
10 tháng năm 2023, tỉnh Lào Cai đón gần 6.5 triệu lượt khách (trong đó: khách quốc tế 415.365 lượt, khách nội địa trên 6 triệu lượt) bằng 108% so với kế hoạch năm, tăng 66% so với lũy kế cùng kỳ năm 2022 (3.907.626 lượt), tổng thu đạt khoảng 19.842 tỷ đồng, bằng 96,7% so với kế hoạch năm, tăng 44,7% so với lũy kế cùng kỳ năm 2022 (13.706 tỷ đồng). Dự kiến năm 2023, tổng lượt khách đạt 7 triệu lượt, tổng thu 22.500 tỷ đồng.
Du lịch cần đổi mới tư duy
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Thời gian qua, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó lường, phức tạp hơn so với cơ hội, thuận lợi và so với dự báo. Ngành du lịch phải đối mặt với nhiều thách thức, vướng mắc, nhiều vấn đề kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ chưa giải quyết được.
Du lịch Việt Nam đưa ra mục tiêu đến năm 2025 đón ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa; đến năm 2030 đón 50 triệu lượt khách quốc tế, 160 triệu lượt khách nội địa. Để đạt mục tiêu, du lịch Việt Nam cần thực sự đổi mới tư duy, cách làm với các biện pháp sáng tạo, đột phá, đồng bộ, hiệu quả.
Thủ tướng đề nghị Hội nghị trao đổi, thảo luận để tìm được lời giải cho các bài toán phát triển du lịch ngắn hạn, dài hạn; tìm ra những câu trả lời cho một số vấn đề trọng tâm để ngành du lịch Việt Nam phát triển nhanh và bền vững: Nhận diện thời cơ và thách thức của Du lịch Việt Nam; chia sẻ kinh nghiệm thành công của Việt Nam, của các nước trên thế giới, cách làm hay, bài học quý; các hiệp hội, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, chuyên gia và từng bộ, ngành, địa phương cùng nhau trao đổi, đề xuất giải pháp đột phá, cụ thể, khả thi để tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, tận dụng thời cơ, tạo điều kiện thuận lợi phát triển du lịch Việt Nam nhanh và bền vững...
Giải pháp phát triển du lịch nhanh, bền vững
Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương đã tham luận nhiều nội dung như: Tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế qua cửa khẩu đường bộ, đường biển; nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam thông qua kết nối hàng không thuận lợi tại các thị trường trọng điểm; nâng cao chất lượng vận tải đường sắt, đường bộ nhằm thu hút khách du lịch; tăng cường liên kết vùng, hợp tác công - tư nhằm xây dựng sản phẩm và xúc tiến quảng bá du lịch; tranh thủ thời cơ, khắc phục yếu tố thời vụ, đẩy mạnh thu hút khách du lịch quốc tế qua cửa khẩu đường không, đường bộ, đường biển...
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng: Kết quả đạt được của ngành du lịch khá tích cực cả về phát triển nguồn lực, sản phẩm và đóng góp với nền kinh tế - xã hội. Điều đó giúp ngành du lịch tự tin để phát triển, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước. Theo Thủ tướng, du lịch Việt Nam còn nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh, cơ hội nổi trội để tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém.
Thủ tướng nhấn mạnh một số quan điểm phát triển du lịch. Theo đó, thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương và các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch cần nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 82 của Chính phủ với phương châm "liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, hợp tác toàn diện".
Thực hiện liên kết toàn diện, hiệu quả, phân công trách nhiệm rõ ràng, phát huy vai trò định hướng của cơ quan du lịch quốc gia, vai trò đầu tàu, dẫn dắt của các trung tâm du lịch lớn; đầu tư, phát triển đồng bộ hạ tầng du lịch; tăng cường quan hệ hợp tác công - tư theo cơ chế thị trường; các hộ kinh doanh du lịch ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số và tiếp cận vốn; chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch; xây dựng các mô hình, sản phẩm du lịch mới, độc đáo trên cơ sở tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh; nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; quản lý môi trường du lịch, bảo tồn và phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa; đẩy nhanh chuyển đổi số; hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam.