Giữ lễ cầu may

LCĐT - Trong tiết trời se lạnh, vệt nắng hiếm hoi sau những ngày mưa rét như góp phần làm cho không khí của buổi lễ cúng cầu may đầu năm của người dân xã Tả Phìn (thị xã Sa Pa) thêm phần linh thiêng, thuận lợi.

Dù không tổ chức được phần hội và phần lễ cũng rút gọn về số lượng người tham gia, nhưng lễ cúng cầu may đầu năm nay (còn gọi là lễ cúng thần miếu làng) tại thôn Sả Xéng, xã Tả Phìn vẫn được cán bộ và người dân địa phương háo hức mong chờ, sắm sửa, chuẩn bị lễ vật đầy đủ, tươm tất.

Thầy cúng làm lễ khấn thần linh, thổ địa trong lễ cúng cầu may đầu năm mới ở xã Tả Phìn.
Thầy cúng làm lễ khấn thần linh, thổ địa trong lễ cúng cầu may đầu năm mới ở xã Tả Phìn.

Nhằm ngày Thìn tháng Giêng, ngay từ sáng sớm, các cán bộ xã và một số người dân địa phương đã tập trung để chuẩn bị lễ vật, sửa soạn mâm cúng thần miếu làng. Ông Lý Láo Lở, Chủ tịch UBND xã Tả Phìn cho biết: Đây là lễ cúng cầu may đầu năm mới truyền thống của địa phương. Vào ngày này, người dân chuẩn bị các mâm lễ, gồm: Xôi, gà, thịt lợn, bánh dày, hoa đào/hoa mận, các loại quả ngon của địa phương… dâng lên thần linh, thổ địa, cầu mong một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu.

Lễ cúng được thực hiện tại một ngôi miếu giữa cánh đồng, dưới vách đá trắng dựng đứng, to cao sừng sững. Thầy cúng 12 đèn Lý Phù Chìu, người dân tộc Dao, Bí thư Chi bộ thôn Tà Chải, xã Tả Phìn lầm rầm đọc bài khấn thần linh, thổ địa. Trong khoảng 3 tiếng đồng hồ, thầy cúng cầm sách và đứng khấn các bài cúng bằng tiếng Dao. Theo ông Lý Phù Chìu, đó là những bài cúng được truyền từ nhiều đời, có nội dung tạ ơn trời đất, thần linh, thổ địa nơi đây đã che chở, bảo vệ dân làng, mùa màng và cầu mong năm mới này, người dân các thôn, bản trong xã gặp nhiều may mắn, thuận lợi, mùa màng tươi tốt, bội thu, ít thiên tai, dịch bệnh; người người, nhà nhà mạnh khỏe, hạnh phúc, no đủ, yên vui.
Trong khi thầy cúng thực hiện các nghi lễ cúng trên mâm cao sát vách núi thì phía dưới, cán bộ và người dân các thôn xã Tả Phìn tất bật chuẩn bị mâm lễ sẽ được cúng trên khoảng sân nhỏ ngay trước cửa miếu sau khi thầy làm xong phần lễ trên.

Theo ông Lý Láo Lở, Chủ tịch UBND xã Tả Phìn, theo tục lệ, lễ cúng thần miếu làng được thực hiện 2 lần trong năm. Một lần vào dịp đầu xuân năm mới và một lần vào tháng 6 âm lịch, khi người dân đã cấy lúa xong. Lễ cúng vào dịp đầu năm mới được coi là lễ cầu may, mong thần linh, thổ địa phù hộ để việc đồng áng, nhà cửa, ruộng vườn được hanh thông, thuận lợi. Còn lễ cúng vào dịp tháng 6 âm lịch được coi là để tạ ơn trời đất, thần linh, thổ địa đã tạo thuận lợi để người dân trồng, cấy xong và mong cây cối lên xanh tốt, bội thu.

Về nghi lễ cúng thì 2 dịp làm lễ có sự khác biệt. Trong khi lễ cúng đầu năm là do người Dao thực hiện và chủ trì thì lễ cúng vào dịp tháng 6 sẽ do cả 2 dân tộc (Mông và Dao) cùng làm. Đây cũng là 2 dân tộc chiếm đa số trong thành phần các dân tộc ở xã Tả Phìn từ nhiều đời nay. Sự khác biệt lớn nhất phải kể đến các mâm lễ cúng. Trong khi mâm cúng vào dịp đầu năm mới chỉ gồm 2 mâm với các lễ vật là gà, xôi, hoa, quả, thì dịp tháng 6, mâm cúng tạ ơn gồm 5 mâm, với 1 mâm trên miếu và 4 mâm cúng đặt phía dưới, với các lễ vật: Thủ lợn, gà, xôi và nhiều sản vật địa phương khác.

Lễ cúng cầu may đầu năm mới được thực hiện tại thôn Sả Xéng, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa.
Lễ cúng cầu may đầu năm mới được thực hiện tại thôn Sả Xéng, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa.

Những năm trước, ngày làm lễ cúng cầu may rất đông vui, nhộn nhịp với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc, như thi hát giao duyên của các dân tộc trên địa bàn, trò chơi dân gian… Với người dân địa phương, đây là dịp để họ gặp mặt đầu xuân, vui chơi và cầu may, cầu phúc. Còn với chính quyền địa phương, đây là dịp quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân trong vùng nhằm thu hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế, giữ gìn văn hóa dân tộc. Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới các hoạt động cộng đồng của xã nói riêng và nhiều địa phương khác nói chung. Tuy nhiên, việc giữ lễ cúng cầu may đầu năm mới là một trong những việc làm rất cần thiết để góp phần duy trì nét văn hóa truyền thống dân tộc, đồng thời tạo sự yên tâm, phấn khởi, đoàn kết trong Nhân dân.

Chị Lý Tả Mẩy, thôn Tà Chải, xã Tả Phìn cho biết: Năm nào tôi cũng tham gia lễ cầu may đầu năm mới của địa phương và cả lễ tạ vào tháng 6 âm lịch. Những năm trước, ngày làm lễ cầu may đầu năm rất vui nhộn. Bây giờ, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc không tổ chức các hoạt động phần hội, tôi thấy hợp lý. Với người dân chúng tôi, lễ cúng mang nhiều ý nghĩa về văn hóa tâm linh nên tôi mong dù thế nào, lễ cúng vẫn luôn được giữ gìn và phát huy.
Xã Tả Phìn đang trên đà phát triển, nhất là về thế mạnh du lịch bản làng. Bên cạnh nhận được sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước thì việc địa phương giữ gìn được bản sắc dân tộc cũng như nhiều nét văn hóa đặc trưng đã góp phần làm nên nhiều kết quả nổi bật về kinh tế - xã hội.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Trải nghiệm nghề chạm khắc bạc của người Dao

Trải nghiệm nghề chạm khắc bạc của người Dao

Người Dao ở xã Dền Sáng, huyện Bát Xát hiện vẫn lưu giữ được nhiều nghề truyền thống, trong đó có nghề chạm khắc bạc. Các sản phẩm bằng bạc được chế tác tinh xảo, tỉ mẩn đã góp phần tạo nên nét văn hóa độc đáo của đồng bào Dao.

Những bản đúc nổi trên cửu đỉnh cố đô Huế được vinh danh di sản tư liệu thế giới

Những bản đúc nổi trên cửu đỉnh cố đô Huế được vinh danh di sản tư liệu thế giới

Cửu đỉnh là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm được giới nghiên cứu trong và ngoài nước rất quan tâm bởi nó mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa – giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp… Những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh cũng đã lưu trữ các giá trị về mối quan hệ giao thoa và tiếp xúc văn hóa xã hội của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Á.

"Điện Biên Phủ: Kể lại một sử thi"

"Điện Biên Phủ: Kể lại một sử thi"

"Điện Biên Phủ: Kể lại một sử thi" là nhan đề một bài viết được hãng thông tấn Prensa Latina đăng tải ngày 7/5 nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" của quân và dân ta.

Lan tỏa nghệ thuật hát xẩm theo cách của người trẻ

Lan tỏa nghệ thuật hát xẩm theo cách của người trẻ

Trước guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại, những tưởng giới trẻ đang dần thờ ơ với các giá trị nghệ thuật truyền thống. Nhưng không, vẫn có những người trẻ âm thầm thắp lên ngọn lửa tình yêu với di sản văn hóa cha ông. Trong đó, nhóm bạn trẻ đến từ Xẩm 48h là ví dụ tiêu biểu.

Quảng bá sân khấu bằng công nghệ

Quảng bá sân khấu bằng công nghệ

Thay vì những cách quảng bá xưa cũ, việc áp dụng công nghệ đang hỗ trợ nhiều đơn vị sân khấu, đặc biệt là các loại hình nghệ thuật truyền thống có nhiều cơ hội tiếp cận với khán giả.

fb yt zl tw