Trong năm 2023, diễn biến thời tiết phức tạp, cực đoan với 25 đợt thiên tai gây thiệt hại về người, tài sản của Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Thiên tai đã khiến 10 người chết, 1 người mất tích và 8 người bị thương. Ước tổng giá trị thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra là trên 1.000 tỷ đồng, trong đó thiệt hại do nắng nóng, thiếu nước là hơn 750 tỷ đồng, thiệt hại do các loại hình thiên tai khác (chủ yếu do mưa, lũ) là hơn 367 tỷ đồng...
4 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 11 đợt thiên tai chủ yếu là rét hại và dông lốc. Ước tổng giá trị thiệt hại về kinh tế là hơn 60 tỷ đồng.
Có thể thấy, thiệt hại do thiên tai gây ra hằng năm rất lớn, việc khắc phục thiệt hại và tái thiết sau thiên tai gặp rất nhiều khó khăn.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng - Thủy văn quốc gia, Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh Lào Cai, dự báo thời tiết năm 2024 có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Các loại hình thiên tai như mưa đá kèm lốc xoáy, nắng nóng... có thể sẽ tăng so với trung bình nhiều năm.
Theo ông Quảng Văn Việt, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh (PCTT và TKCN) thì những năm qua, tỉnh Lào Cai đã quan tâm chỉ đạo, triển khai các biện pháp phòng ngừa, ứng phó thiên tai, nhất là công tác xây dựng kế hoạch, phương án PCTT; rà soát, phát hiện những vị trí có nguy cơ cao về thiên tai, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng; chủ động sơ tán, di chuyển dân tại các khu vực có nguy cơ cao đến nơi an toàn khi có thiên tai như mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất...
Các địa phương đã chủ động điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, phương án PCTT, thực hiện di chuyển, sơ tán người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm; tập trung triển khai biện pháp bảo đảm an toàn cho người, nhà cửa, công sở, bệnh viện, trường học, kho tàng, công trình hạ tầng và cơ sở kinh tế, an ninh, quốc phòng. Các ngành chuyên môn đã chỉ đạo, kiểm tra, phát hiện và xử lý sự cố công trình phòng, chống thiên tai, công trình trọng điểm về kinh tế - xã hội; bảo đảm giao thông, thông tin liên lạc đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai; thực hiện tốt hoạt động tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Đồng thời điều chỉnh cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, mùa vụ thích ứng với thời tiết, khí hậu; triển khai các biện pháp phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi. Huy động khẩn cấp về nhân lực, vật tư, phương tiện, trang - thiết bị, nhu yếu phẩm để kịp thời ứng phó với thiên tai.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt công tác phòng ngừa thiên tai. Theo đó, chỉ đạo rà soát, di dời dân cư kịp thời ra khỏi các khu vực thiên tai nguy hiểm; tăng cường kiểm tra, đánh giá, rà soát, quản lý việc xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là các công trình thủy lợi, hệ thống tiêu thoát nước, khu hầm lò, khai thác mỏ, khu dân cư, khu vực ven sông, suối; kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập trọng điểm, xung yếu; chuẩn bị tốt các điều kiện phòng ngừa thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.
Tỉnh Lào Cai cũng đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai; nâng cao chất lượng hoạt động đội xung kích PCTT cấp xã, chủ động bố trí nguồn ngân sách và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để khắc phục thiệt hại thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Vì vậy, công tác phòng ngừa thiên tai trong những năm qua đã đạt được kết quả tốt.
Ông Quảng Văn Việt cho biết: Diễn biến thời tiết, thiên tai ngày càng phức tạp, cực đoan do tác động của biến đổi khí hậu. Tỉnh Lào Cai đã chủ động lồng ghép các nguồn lực trong phát triển kinh tế - xã hội để đầu tư, khắc phục hậu quả và tái thiết sau thiên tai.
Nhằm góp phần giảm nhẹ rủi ro, thiệt hại về người và tài sản do thiên tai nguy hiểm gây ra nên tỉnh Lào Cai đặc biệt quan tâm đầu tư, nâng cấp hệ thống dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai để có thể chủ động các phương án phòng ngừa, ứng phó.
Năm 2024, với chủ đề “Hành động sớm - chủ động trước thiên tai”, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN đã chỉ huy, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời và phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các địa phương trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động đội xung kích PCTT cấp xã để phòng ngừa, ứng phó với sự cố, thiên tai ngay từ giờ đầu.
Ngoài ra, các địa phương cần phối hợp với các cơ quan chuyên môn tăng cường hoạt động thông tin, truyền thông, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai phổ biến, nhất là mưa, lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất… bằng nhiều hình thức, bảo đảm thông tin về thiên tai đến được người dân. Trong mùa mưa, lũ cần triển khai, thực hiện tốt phương án, kế hoạch PCTT đã được phê duyệt; chủ động thực hiện tốt theo phương châm “4 tại chỗ”; nâng cao năng lực hoạt động của cán bộ cấp xã, thôn thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai...