Phát triển ngành nông nghiệp bền vững và hiện đại

LCĐT - Nhân dịp đầu năm 2022, phóng viên Báo Lào Cai phỏng vấn ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về các giải pháp, định hướng phát triển ngành nông nghiệp Lào Cai trong giai đoạn tới.

Phóng viên: Lào Cai có những tiềm năng, lợi thế nào để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, thưa ông?

Ông Đỗ Văn Duy: Diện tích đất nông nghiệp của Lào Cai là 525.603 ha, chiếm 82,5% tổng diện tích đất tự nhiên, trong đó 73.944 ha đất chưa sử dụng, chiếm 11,6%. Đây là tiềm năng lớn để Lào Cai phát triển, mở rộng sản xuất nông nghiệp.

Khu vực vùng cao có khí hậu á nhiệt đới, mát mẻ về mùa hè, lạnh giá về mùa đông, phù hợp với các loại cây ôn đới như đào, lê, táo, mận, cây hoa (hồng, hoa ly, địa lan...), dược liệu, rau trái vụ vùng cao; phát triển các loại gia súc, gia cầm bản địa, nuôi cá nước lạnh; trồng các loại cây lâm nghiệp bản địa phù hợp sinh thái (hồi, chè cổ thụ...), cây lâm sản ngoài gỗ gắn với du lịch.

Nông dân thành phố Lào Cai mở rộng diện tích trồng rau hàng hóa.
Nông dân thành phố Lào Cai mở rộng diện tích trồng rau hàng hóa.

Khu vực vùng thấp có khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp tổ chức sản xuất quy mô lớn, phát triển các loại cây trồng chủ lực phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu như quế, chè, chuối, dứa, vải, nhãn, xoài; các loại cây ăn quả có múi, đồng thời phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy cầm, thủy sản và các loại vật nuôi đặc sản theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp; phát triển kinh tế đồi rừng, chuyển đổi cơ cấu cây theo hướng trồng cây đa mục đích (quế, bồ đề, trẩu...).

Phóng viên: Xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp tập trung là một trong những giải pháp để phát triển nền nông nghiệp hiện đại, vậy Lào Cai đã triển khai thực hiện thế nào, thưa ông?

Ông Đỗ Văn Duy: Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã ban hành Đề án tái cơ cấu kinh tế nông - lâm nghiệp và một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó có chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai để hình thành các vùng sản xuất tập trung. Tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi phương thức sản xuất, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với nông dân. Trên địa bàn tỉnh hình thành vùng cây dược liệu hằng năm đạt hơn 600 ha tập trung tại Sa Pa, Bắc Hà, Si Ma Cai, Bát Xát; vùng sản xuất chè hơn 6.000 ha tại Mường Khương, Bảo Thắng, Bảo Yên, Bắc Hà; vùng dứa 1.200 ha, vùng chuối hơn 3.500 ha tại Mường Khương, Bảo Thắng, Bát Xát; vùng quế hơn 40.000 ha tại Bắc Hà, Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn...

Hình thành các liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác với người dân; thuê quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Một trong những liên kết phổ biến là hợp tác với người sử dụng đất. Đây là hình thức tập trung đất thông qua việc nông dân tự sản xuất và ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm hoặc tự nguyện góp đất cùng tổ chức sản xuất - kinh doanh, cùng hưởng lợi. Điển hình là mô hình của Hợp tác xã Nông nghiệp Mai Anh (Sa Pa) sản xuất 60 ha rau với 260 hộ tham gia; mô hình góp đất cùng tổ chức sản xuất của Công ty TNHH Một thành viên Hoàng Bằng (Bát Xát) với 150 hộ liên kết trồng 510 ha chuối...

Phóng viên: Vấn đề liên kết vùng trong phát triển nông nghiệp được đặt ra từ lâu, nhưng việc thực hiện ở Lào Cai chưa hiệu quả, ông đánh giá gì về nhận định này?

Ông Đỗ Văn Duy: Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 80 mối liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với tổ hợp tác, hộ nông dân theo chuỗi với các sản phẩm: Chè, dược liệu, rau, lúa gạo, chuối, dứa… quy mô hơn 15.000 ha, khoảng 20.000 hộ nông dân tham gia và tổng giá trị tiêu thụ thông qua liên kết đạt hơn 1.100 tỷ đồng. Thông qua liên kết đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, gắn vùng nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, phát triển sản xuất bền vững.

Để xây dựng vùng liên kết hiệu quả, bền vững, cần có sự tổng hòa của nhiều yếu tố, của “4 nhà”. Tuy nhiên, trong liên kết, mỗi “nhà” đều bộc lộ những mặt hạn chế, như: Do đặc thù của sản xuất và thị trường tiêu thụ nên nông dân và doanh nghiệp thường không muốn phụ thuộc vào nhau sau khi ký hợp đồng. Đối với nhà nông, đa số vẫn còn quen với phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa hoàn toàn gạt bỏ được lợi ích trước mắt; nhiều hộ dù ký hợp đồng nhận đầu tư ứng trước của doanh nghiệp, nhưng khi giá nông sản trên thị trường tăng thì lại sẵn sàng bán cho tư thương hoặc doanh nghiệp khác để hưởng giá cao hơn. Doanh nghiệp ngần ngại đầu tư sản xuất nông nghiệp do vốn đầu tư lớn, rủi ro cao, thu hồi vốn chậm; một số doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm và chia sẻ lợi ích với nông dân nên thiếu bền vững. Việc liên kết với các nhà khoa học còn lúng túng, hiệu quả chưa cao, nhất là liên kết với các doanh nghiệp, nông dân để ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Trong nhiều trường hợp đã xảy ra tranh chấp giữa nông dân và doanh nghiệp, chính quyền chưa có giải pháp kịp thời...

Nông dân Bảo Thắng thu nhập cao từ trồng cây ăn quả.
Nông dân Bảo Thắng thu nhập cao từ trồng cây ăn quả.

Phóng viên: Vậy, những giải pháp, định hướng phát triển ngành nông nghiệp của Lào Cai giai đoạn tới là gì, thưa ông?

Ông Đỗ Văn Duy: Ngành nông nghiệp đã xây dựng Đề án phát triển nông - lâm nghiệp và thủy sản tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sở đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 10 ngày 26/8/2021 về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, giá trị sản xuất hàng hóa các ngành hàng chủ lực chiếm khoảng 65% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp; hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, như vùng sản xuất chè tập trung trên 10.000 ha, cây dược liệu 5.000 ha, cây chuối 5.000 ha, cây dứa 3.000 ha, cây quế 66.000 ha, tổng đàn lợn đạt khoảng 1 triệu con, duy trì ổn định vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng tập trung 112.000 ha…

Để đạt được mục tiêu trên, Lào Cai cần khai thác tiềm năng, lợi thế, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật. Trong đó, tập trung phát triển 6 ngành hàng chủ lực (cây chè, dược liệu, cây chuối, cây dứa, cây quế và chăn nuôi lợn), phát triển kinh tế đồi rừng và ngành hàng tiềm năng địa phương có giá trị cao gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ; gắn vùng nguyên liệu với chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm; thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các doanh nghiệp xây dựng nhà máy, cơ sở chế biến sâu nông - lâm sản để nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

Tỉnh cũng cần tập trung thực hiện hiệu quả 5 nội dung đột phá: Chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; chuyển đổi đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị; đẩy mạnh các loại hình tổ chức, dịch vụ sản xuất gắn với chế biến, liên kết sản xuất; thực hiện giao đất, giao rừng, quy chủ rừng để phát triển kinh tế lâm nghiệp; đổi mới phương thức quản lý, chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp trong tình hình mới.

Phóng viên: Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!

Viết Vinh (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Livestream bán hàng: Thêm "lối ra" cho nông sản

Livestream bán hàng: Thêm "lối ra" cho nông sản

Thời điểm này, một số địa phương đã lên kế hoạch tiêu thụ nông sản trước khi vụ thu hoạch chính thức bắt đầu. Tìm đầu ra ổn định cho nông sản luôn là bài toán khó với không ít địa phương và bán hàng theo phương thức livetream là một trong những “lối ra” đầy tiềm năng cho việc tiêu thụ nông sản Việt.

Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, kiềm chế lạm phát

Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, kiềm chế lạm phát

Diễn biến bất lợi, khó lường của tình hình địa chính trị thế giới cùng với áp lực gia tăng tỷ giá, lạm phát trong nước và thực trạng khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp là những yếu tố đang gây sức ép lớn cho công tác điều hành kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế-xã hội những quý còn lại của năm 2024.

Kim ngạch xuất - nhập khẩu qua Lào Cai đạt hơn 468 triệu USD

Kim ngạch xuất - nhập khẩu qua Lào Cai đạt hơn 468 triệu USD

Theo thông tin từ Cục Hải Quan Lào Cai, từ đầu năm đến 15/4, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu qua Lào Cai đạt hơn 468 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt 308,5 triệu USD (tăng 40,4% so với cùng kỳ năm 2023), nhập khẩu đạt 159,6 triệu USD (tăng 39,6% so với cùng kỳ năm 2023).

Bộ Công Thương điều chỉnh kế hoạch cung cấp điện mùa khô

Bộ Công Thương điều chỉnh kế hoạch cung cấp điện mùa khô

Quan điểm chỉ đạo của Bộ Công Thương xuyên suốt trong công tác bảo đảm cung ứng điện giai đoạn cao điểm mùa khô năm 2024 là yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch cung cấp điện, cung cấp nhiên liệu (than, khí, dầu) chủ động, có dự phòng ứng phó với các tình huống cực đoan có thể xảy ra, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng đứt gãy nguồn cung năng lượng do nguyên nhân chủ quan.

Đánh giá hoạt động ủy thác giữa Ngân hàng chính sách xã hội và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn thành phố Lào Cai

Đánh giá hoạt động ủy thác giữa Ngân hàng chính sách xã hội và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn thành phố Lào Cai

Chiều 23/4, Ngân hàng chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Lào Cai tổ chức giao ban với các tổ chức - chính trị xã hội trên địa bàn thành phố Lào Cai để đánh giá hoạt động ủy thác nguồn vốn tín dụng chính sách quý I, triển khai nhiệm vụ quý II/2024.

Nhộn nhịp "sàn giao dịch" dứa Nậm Sưu

Nhộn nhịp "sàn giao dịch" dứa Nậm Sưu

Bản Phiệt (Bảo Thắng) là vùng trồng dứa lớn của Lào Cai nhưng ít ai biết đến điểm chuyên bán buôn mà người dân thường gọi vui là “sàn giao dịch” dứa tại thôn Nậm Sưu, đã hoạt động được hơn 10 năm. “Sàn giao dịch” họp từ 5 giờ thu hút nhiều tư thương đến trao đổi, mua bán. Mỗi ngày “sàn giao dịch” giúp nông dân địa phương tiêu thụ hàng chục, thậm chí hàng trăm tấn dứa.

Bưu điện tỉnh khai trương gian hàng sản phẩm OCOP

Bưu điện tỉnh khai trương gian hàng sản phẩm OCOP

Sáng 23/4, Bưu điện tỉnh khai trương gian hàng giới thiệu và phân phối sản phẩm OCOP tại Bưu cục Cửa khẩu (Bưu điện thành phố Lào Cai). Đây là gian hàng đầu tiên trong chuỗi gian hàng sẽ được Bưu điện tỉnh triển khai nhằm thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa Bưu điện tỉnh và Hội Nông dân tỉnh.

Tập huấn kỹ năng tổ chức sản xuất kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch cộng đồng

Bảo Yên: Tập huấn kỹ năng tổ chức sản xuất kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch cộng đồng

Ngày 22/4, Hội Nông dân tỉnh Lào Cai tổ chức lớp tập huấn kỹ năng sản xuất kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch cộng đồng cho gần 140 đại biểu là cán bộ, hội viên nông dân tiên tiến; chủ trang trại, tổ kinh tế hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn huyện Bảo Yên.

Điều chỉnh một số đoạn tuyến trên các Quốc lộ 37, 37B, 39 thành đường địa phương

Điều chỉnh một số đoạn tuyến trên các Quốc lộ 37, 37B, 39 thành đường địa phương

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành Quyết định số 442/QĐ-BGTVT, điều chỉnh một số đoạn tuyến cũ trên các Quốc lộ (QL)37, QL37B, QL39 qua tỉnh Thái Bình thành đường địa phương và bàn giao để UBND tỉnh quản lý, khai thác, bảo trì theo quy định pháp luật, do đã có các đoạn tuyến QL mới thay thế.

fb yt zl tw