Các đồng chí: Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể; Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì hội thảo.
Tham dự hội thảo tại điểm cầu Lào Cai có lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành; đại diện Hội Nông dân tỉnh; đại diện Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Lào Cai.
Tính đến hết năm 2023, cả nước có 30.698 hợp tác xã, 137 liên hiệp hợp tác xã và 71.500 tổ hợp tác. Trong đó có 20.500 hợp tác xã nông nghiệp và gần 10.200 hợp tác xã phi nông nghiệp.
Nhìn chung, các chỉ tiêu về hiệu quả hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ hợp tác đều tăng so với năm 2022, đặc biệt là quy mô sản xuất. Xu hướng hợp tác cũng đã được mở rộng, đi vào thực chất. Đến nay đã có 1.718 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh; 4.339 hợp tác xã nông nghiệp đảm nhận bao tiêu nông sản, chiếm 24,5%...
Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước còn một số hạn chế, chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Nhằm xác định mục tiêu, định hướng và giải pháp phát triển cho khu vực kinh tế này, những năm qua, khung pháp lý hỗ trợ, phát triển kinh tế nông thôn đã được hoàn thiện, đồng bộ.
Tại tỉnh Lào Cai, đến hết năm 2023 có 504 hợp tác xã, trong đó 405 hợp tác xã đang hoạt động; 99 hợp tác xã ngừng hoạt động, chờ giải thể. Năm 2024, tỉnh Lào Cai phấn đấu thành lập mới từ 40 - 45 hợp tác xã và 1 liên hiệp hợp tác xã. Doanh thu bình quân của hợp tác xã đạt khoảng 1 - 1,2 tỷ đồng/năm; lãi bình quân của đạt khoảng 130 - 150 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của thành viên hợp tác xã đạt khoảng 55 triệu đồng/người/năm. Hầu hết các hợp tác xã đã sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng doanh thu, lợi nhuận, thu nhập của thành viên. Tuy nhiên, kết quả triển khai các chính sách tín dụng đối với lĩnh vực kinh tế này vẫn còn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn; chưa đáp ứng được nhu cầu tiếp cận vốn của các tổ chức kinh tế tập thể; số hợp tác xã tiếp cận được nguồn vốn còn khá thấp...
Tại hội thảo, nhiều giải pháp đã được đề ra nhằm huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế tập thể trong thời gian tới. Đó là sớm xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã năm 2023 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024). Các bộ, ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phối hợp, hỗ trợ các địa phương và các hợp tác xã xây dựng, nâng cao trình độ cán bộ nòng cốt hợp tác xã kinh tế, tài chính, kinh doanh và các kỹ năng quản lý, quản trị hợp tác xã. Xây dựng cơ chế đặc thù trong huy động và sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ hợp tác xã và bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách. Nâng cao vai trò của các tổ chức đại diện, nòng cốt là Liên minh hợp tác xã Việt Nam các cấp, nhất là trong việc tuyên truyền, phản biện chính sách làm cầu nối triển khai và tăng khả năng tiếp cận chính sách; tư vấn, hỗ trợ các hợp tác xã...
Các địa phương tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ phù hợp đã ban hành, nếu không còn phù hợp phải kịp thời sửa đổi, thay thế; chủ động ban hành chính sách và dành nguồn lực để hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế này, không trông chờ, ỷ lại. Đồng thời, nghiên cứu và tham khảo kinh nghiệm những mô hình thành công tại các địa phương trong nước và trên thế giới để áp dụng, phát triển…