Việc phân tích mẫu đất để đánh giá tình trạng ô nhiễm kim loại nặng được thực hiện bởi Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp (NIAPP); hàm lượng chì (Pb), đồng (Cu), kẽm (Zn), cadimi (Cd) được đối chiếu theo tiêu chuẩn ISO 8246:2009; hàm lượng asen (thạch tín) được đối chiếu theo tiêu chuẩn ISO 8467:2010; hàm lượng thủy ngân (Hg) được đối chiếu theo tiêu chuẩn ISO 8882:2011.
Mẫu vỏ quế được Viện Công nghiệp Thực phẩm (FIRI) phân tích, đánh giá tình trạng ô nhiễm kim loại nặng; hàm lượng Zn, Cu, Pb và Cd được đối chiếu theo AOAC 999.11; hàm lượng Asen được đối chiếu theo AOAC 986.15; hàm lượng thủy ngân được đối chiếu theo AOAC 971.21.
Kết quả phân tích cho thấy các tồn dư kim loại nặng như thạch tín, chì, thủy ngân không tồn tại trong mẫu vỏ quế; đối với đất lâm nghiệp thì ở dưới mức cho phép rất nhiều (Pb 28,81/400; As 5,88/50; Hg <0,1/30).
Điều này góp phần khẳng định chất lượng quế của Lào Cai, là cơ sở quan trọng để xây dựng vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn hữu cơ và tương đương phục vụ xuất khẩu sang các thị trường cao cấp, nâng cao giá trị ngành hàng quế của tỉnh.
Hiện toàn tỉnh có hơn 60.000 ha quế, trong đó diện tích quế hữu cơ chiếm khoảng 7%. Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặt mục tiêu đến năm 2030, có ít nhất 35% diện tích quế đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Việc xây dựng vùng nguyên liệu quế đạt tiêu chuẩn hữu cơ phục vụ xuất khẩu nhằm nâng cao giá trị gia tăng ngành hàng quế, giúp nâng cao thu nhập cho người dân.