Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam:

Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu

LCĐT - Qua hơn 10 năm thực hiện, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc của người tiêu dùng trong sử dụng hàng Việt Nam, từ đó thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm ổn định kinh tế và an sinh xã hội...

Nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện cuộc vận động này trong thời gian tới, Ban Bí thư đã ban hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới. Trong đó, nội dung quan trọng đầu tiên là “Nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện cuộc vận động, xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước phải ưu tiên sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam phù hợp với các cam kết quốc tế và luật pháp của Việt Nam”.

Người tiêu dùng ưu tiên mua sắm hàng Việt Nam.
Người tiêu dùng ưu tiên mua sắm hàng Việt Nam.

Bà Bàn Thanh Thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho rằng, đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc tiêu dùng hàng Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là yếu tố quyết định trong công tác triển khai, thực hiện hiệu quả cuộc vận động ở địa phương và cơ quan, đơn vị. Cán bộ, đảng viên, người đứng đầu còn giữ vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động, làm gương cho người dân học tập và làm theo.

Thực tế cho thấy, trong triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh, cấp ủy, tổ chức đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Cán bộ, đảng viên, người đứng đầu luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đi đầu trong việc tiêu dùng hàng Việt.

Đơn cử như huyện Bắc Hà đã triển khai hiệu quả cuộc vận động, gắn tuyên truyền với các phong trào thi đua trong huyện. Riêng trong năm 2020, huyện Bắc Hà đã tổ chức 152 buổi tuyên truyền về cuộc vận động, thu hút 7.820 lượt người tham gia. Huyện ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và các cơ quan liên quan đã tập trung quảng bá các loại nông sản đặc hữu của địa phương (mận tam hoa, lê VH6, mận Tả Van…), liên kết đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử, chú trọng phát triển cây dược liệu và các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao.

Một trong những ví dụ khác thể hiện vai trò của các cấp ủy đảng, người đứng đầu trong việc thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt Nam là sự vào cuộc của các ngành trong công tác xúc tiến, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, góp phần giải quyết khó khăn trong khâu tiêu thụ nông sản trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Qua đó, tiêu thụ phần lớn sản lượng mận tam hoa, su su, hoa ly… của các địa phương trong tỉnh, đồng thời tiêu thụ ổi Hải Dương, vải thiều Bắc Giang, xoài Sơn La và các loại nông sản của nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước.

Theo bà Bàn Thanh Thảo, trong thời gian tới, bên cạnh việc nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, tỉnh sẽ tăng cường tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân về mục đích, vai trò, ý nghĩa của cuộc vận động nhằm thay đổi nhận thức của người dân về tiêu dùng hàng Việt Nam trong tình hình mới; vận động người dân tích cực sử dụng hàng hóa trong nước, đặc biệt là các sản phẩm địa phương, ưu tiên tiêu dùng hàng hóa sản xuất nội tỉnh. Khuyến khích các doanh nghiệp ưu tiên sử dụng nguyên liệu của địa phương để kinh doanh, sản xuất, đồng thời tăng cường vai trò kiểm tra, kiểm soát, giám sát việc thực hiện cuộc vận động và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đẩy mạnh công tác đánh giá, khen thưởng, tôn vinh các tập thể, cá nhân, doanh nghiệp, góp phần lan tỏa, thúc đẩy thực hiện hiệu quả cuộc vận động.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Có nên để doanh nghiệp quyết định giá xăng dầu?

Có nên để doanh nghiệp quyết định giá xăng dầu?

Đề xuất để doanh nghiệp đầu mối xăng dầu được tự quyết định giá bán tối đa được Bộ Công thương lý giải nhằm đưa ngành này dần tiếp cập cơ chế thị trường. Tuy nhiên khi thị trường xăng dầu chưa cạnh tranh đúng nghĩa thì liệu việc giao quyết định giá bán cho doanh nghiệp đã hợp lý?

Giá vàng tiếp tục tăng mạnh

Giá vàng tiếp tục tăng mạnh

Sáng nay (2/4), giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn đều tăng mạnh theo đà tăng của thế giới. Theo đó, vàng miếng hơn 81 triệu đồng/lượng và vàng nhẫn hơn 71 triệu đồng/lượng.

fb yt zl tw