Đến ngày 16/4, thị trường tiếp tục chứng kiến diễn biến tăng nóng của cả giá vàng nhẫn và vàng miếng SJC, theo đó, giá bán vàng miếng SJC phổ biến neo quanh mốc 84 triệu đồng/lượng. Tỷ giá USD ngân hàng cũng liên tục phá kỷ lục.
Trong khi đó, thông tin Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng miếng trở lại thu hút được sự chú ý của dư luận và được kỳ vọng sẽ dần kéo giảm chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới.
Nhìn nhận về việc Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng trở lại, Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết, câu chuyện đấu thầu vàng đã triển khai cách đây 11 năm.
Theo đó, năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 76 phiên đấu thầu vàng.
“Lần này, Ngân hàng Nhà nước cho vận hành hoạt động nghiệp vụ này trở lại để cơ bản tăng tính công khai minh bạch, tăng nguồn cung vàng qua đó góp phần giảm chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới, giá vàng thương hiệu SJC với giá vàng trên thế giới cũng như giá vàng SJC với các thương hiệu vàng khác”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực nhận định.
Trong khi đó, ở một góc độ khác, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - Ủy viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia lại nhận định, đấu thầu vàng có thể tạo ra tâm lý yên tâm ngắn hạn cho nhà đầu tư, song giải pháp căn cơ nhất, dài hạn nhất và đúng thông lệ quốc tế nhất là cho phép xuất nhập khẩu vàng tự do, cho phép sản xuất kinh doanh vàng tự do và áp dụng chính sách thuế phù hợp.
“Trên thế giới, còn mỗi Việt Nam là ngân hàng trung ương độc quyền xuất nhập khẩu vàng miếng. Hiện nay, vàng miếng SJC không chênh lệch các thương hiệu vàng miếng khác về chất lượng, nhưng giá cả lại chênh lệch rất lớn là phi lý. Chúng ta nên trả lại thương hiệu SJC cho doanh nghiệp để họ kinh doanh bình đẳng như các doanh nghiệp khác”, Tiến sĩ Nghĩa lưu ý.
Cũng theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, đối với câu chuyện vàng, có hai vấn đề lớn là chống vàng hóa và chống chênh lệch giá cao bất hợp lý giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới. Đến nay, công tác chống vàng hóa đã được thực hiện thành công vì Ngân hàng Nhà nước đã tách vàng ra khỏi hệ thống ngân hàng (cấm vàng trở thành tiền gửi và cho vay trong hệ thống ngân hàng).
“Chúng ta đã cấm sử dụng vàng như phương tiện huy động và cho vay, nên câu chuyện chống vàng hóa đã kết thúc”, ông Nghĩa khẳng định.
Vấn đề còn lại là chênh lệch giá vàng trong nước với giá vàng thế giới, có lúc lên tới 30% là rất phi lý.
Lý giải căn nguyên của tình trạng này, theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa là từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP ra đời đến nay, nguồn cung vàng bị cắt đứt, doanh nghiệp không được phép nhập khẩu vàng, trong khi nhu cầu trong nước vẫn lên tới khoảng 55 tấn mỗi năm (theo số liệu của Hội đồng Vàng thế giới).
“Như vậy, muốn xóa bỏ chênh lệch phi lý giữa giá vàng trong nước với thế giới, chúng ta cần các biện pháp thương mại chứ không phải biện pháp tiền tệ như là đấu giá vàng miếng. Đơn giản nhất là cho phép các công ty kinh doanh vàng đủ điều kiện xuất nhập khẩu để họ tự xuất nhập khẩu, kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức. Còn về phía cơ quan quản lý, có thể dùng công cụ mạnh nhất của Chính phủ để xử lý vấn đề này là thuế. Hải quan hiện nay đã áp dụng hải quan điện tử, có thể quản lý chặt chẽ chuyện xuất nhập khẩu vàng. Với thị trường trong nước, cần áp dụng hóa đơn điện tử cho hoạt động mua bán vàng. Chỉ cần như vậy là đủ”, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa đề xuất.
Mặt khác, khối lượng ngoại tệ để xuất nhập khẩu vàng ước không lớn, chỉ khoảng 3 tỷ USD, thấp hơn rất nhiều so với nhập khẩu hàng chục tỷ USD xăng dầu hay các loại nguyên liệu khác. Do đó, không đáng ngại về vấn đề tỷ giá khi cho nhập khẩu vàng.
Còn theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, đâu đó Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một lượng vàng nhất định vì về cơ bản nguồn vàng sản xuất trong nước không nhiều. Tuy nhiên, cơ quan quản lý sẽ phải tính toán xem cần nhập bao nhiêu vàng và nhập ở thời điểm nào cho phù hợp để vừa cân đối cung - cầu vừa kiểm soát tỷ giá, ổn định vĩ mô.
“Theo tôi, Ngân hàng Nhà nước đã có giải pháp để xử lý vấn đề này”, ông Lực khẳng định.
Đồng thời, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cũng lưu ý, thời gian qua, giá vàng trong nước tăng mạnh phần lớn do giá vàng thế giới. Từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới tăng khoảng 20% (giá vàng trong nước tăng khoảng 13%), do biến động địa chính trị, xung đột vũ trang ở một số nước trên thế giới.
“Nguyên nhân giá vàng thế giới tăng phi mã thời gian qua chủ yếu là các ngân hàng trung ương dồn dập mua vào để tăng dự trữ. Trong bối cảnh này, Việt Nam lẽ ra cũng nên mua để dự trữ hơn là đưa vàng dự trữ ra để bán đấu thầu”, ông Lê Xuân Nghĩa cho biết thêm.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề vàng, Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam Nguyễn Bá Hùng cũng đưa ra nhận định, vừa qua thị trường vàng thế giới có nhiều biến động. Với thị trường vàng thế giới, thông thường vàng được dùng là công cụ quản lý rủi ro khi có những biến động về chính trị.
Trong bối cảnh địa chính trị thuận lợi, nhu cầu vàng sẽ thấp. Ngược lại, khi địa chính trị căng thẳng, nhu cầu vàng sẽ cao. Vì vậy, động thái mua ròng vàng thể hiện phản ứng của các ngân hàng trung ương đối với những biến động chính trị thời gian qua.
“Với thị trường vàng trong nước, chủ yếu là biến động của cung - cầu. Tâm lý thị trường vàng Việt Nam rất đặc thù. Nguồn cung vàng trong nước rất hạn chế và khi có biến động, tác động về tâm lý hoặc do các xu hướng, kể cả chính sách tiền tệ với lãi suất thấp, các công cụ đầu tư khác không quá hấp dẫn,… nhu cầu về vàng tăng lên. Cầu tăng mà cung không tăng thì giá tăng”, ông Nguyễn Bá Hùng cho biết.