Phát biểu khai mạc Hội nghị-hội thảo, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương khẳng định tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản văn hóa và đặt ra yêu cầu cao về kiến thức và kỹ năng đối với những người làm công tác này; sự cần thiết của việc tiếp cận di sản trên nền tảng văn hóa để bảo đảm tính bền vững trong công tác bảo tồn.
“Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi nhận, biểu dương những thành tích mà ngành di sản văn hóa đã đạt được trong những năm qua, đặc biệt trong năm 2024 - năm kỷ niệm 65 năm sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa”, đồng chí Hoàng Đạo Cương khẳng định.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cũng đưa ra 6 nhiệm vụ mà ngành di sản văn hóa cần phải tập trung trong thời gian tới, như triển khai các nghị quyết, đề án, chương trình hành động về tăng cường quản lý nhà nước đối với một số hoạt động văn hóa-nghệ thuật; hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về di sản văn hóa; tháo gỡ các rào cản chính sách, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển...; tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2025; Chương trình số hóa di sản văn hóa giai đoạn 2021-2030; Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035; tích cực, chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đổi mới tư duy của đội ngũ...
Phát biểu tại Hội nghị-hội thảo, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền nhấn mạnh, 65 năm qua, kể từ khi Sắc lệnh số 65/SL được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, cùng với tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ngày càng được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta quan tâm, coi trọng, để lại nhiều dấu ấn và thành quả. Hiện nay, trên cả nước có hơn 40.000 di tích và khoảng gần 70.000 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê.
Trên phương diện quốc tế, Việt Nam đã khẳng định là một trong những nước thành viên tích cực tham gia các Công ước của tổ chức UNESCO (phê chuẩn 4 trong số 6 Công ước của UNESCO), đóng góp kinh nghiệm cũng như thể hiện nỗ lực cho việc bảo tồn di sản văn hóa của nhân loại.
“Di sản văn hóa đã và đang đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương và vào sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu nổi bật, trên con đường phát triển, chúng ta cần phải nhận diện được một số khó khăn, thách thức để cùng vượt qua”, Cục trưởng Lê Thị Thu Hiền khẳng định.
Tại Hội nghị-hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích và đánh giá các chính sách quản lý di sản hiện tại, từ đó đề xuất các ý tưởng đổi mới; các bài học hữu ích từ thực tiễn trong bảo vệ di tích và di sản phi vật thể cũng đã được chia sẻ nhằm tăng cường ý thức cộng đồng và hiệu quả của công tác bảo tồn. Hơn 30 ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học đã được gửi tới hội thảo, nhấn mạnh những thành quả trong 65 năm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của Việt Nam.
Hội nghị-hội thảo “65 năm sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa” là diễn đàn để tiếp tục khẳng định những thành tựu của sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời tổng kết kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.