Ông Hoàng Văn Tuyển, thành viên của đội thi bắn nỏ bản Hón, xã Nghĩa Đô cho biết: Bắn nỏ là trò chơi dân gian, trước đây, nỏ còn là dụng cụ để sinh tồn. Người Tày vẫn thường xuyên tập luyện bắn nỏ, vừa để rèn luyện sức khỏe, vừa giữ gìn truyền thống, phong tục, tập quán ở địa phương. Tôi tham gia thi đấu với tinh thần học hỏi và tạo phong trào thi đua chung của xã.

Trong khi bắn nỏ quy tụ gần 50 vận động viên tham gia, tới từ 14 đội thi trên địa bàn xã Nghĩa Đô, thì kéo co là cuộc so tài của 5 đội thi đến từ các xã Tân Tiến, Nghĩa Đô, Vĩnh Yên, Tân Dương và Xuân Thượng.
Còn đánh yến lại là những màn biểu diễn kỹ năng của 13 đội thi với gần 80 vận động viên đến từ các thôn, bản trong xã Nghĩa Đô.
Đặc biệt, cuộc đua của những “đôi chân dài” với sự tham gia của gần 300 người ở 15 đội thi là điểm nhấn của ngày hội.

Cùng 30 thành viên của đội thi diễu hành cà kheo bản Nặm Cằm, xã Nghĩa Đô giành giải Nhất của cuộc thi, Lương Việt Kiều tự hào nói: Tham gia thi lần này, ngay từ đầu đội em quyết tâm giành giải Nhất. Bản có truyền thống đi cà kheo, từ nhỏ, chúng em đã được ông, bà dạy đi cà kheo. Hầu như thanh thiếu niên trong bản đều biết đi cà kheo.

Còn ông Bàn Văn Tuần, Đội trưởng Đội thi kéo co xã Xuân Thượng, huyện Bảo Yên rất vui mừng vì dù lần đầu tiên tham gia Ngày hội Văn hóa dân gian ở Nghĩa Đô nhưng đội thi đã giành giải Nhất.

Ông Tuần hào hứng: Chúng tôi đến đây trên tinh thần giao lưu, học hỏi là chính. Trước khi tham gia thi đấu, chúng tôi đã dành thời gian để tập luyện và thống nhất phương án. Đội chúng tôi rất phấn khởi vì đã giành giải Nhất.


Kéo co, bắn nỏ, đánh yến, ném còn, diễu hành cà kheo hay thi gánh nước là những trò chơi dân gian, gắn với phong tục, tập quán và văn hóa truyền thống của người Tày. Đây cũng là sản phẩm du lịch mà địa phương tập trung phát triển.

Các trò chơi dân gian trong các lễ hội không chỉ đòi hỏi người chơi rèn luyện kỹ năng, sự khéo léo mà còn mang giá trị sâu sắc về văn hóa, tinh thần dân tộc, góp phần phát triển du lịch tại Nghĩa Đô nói riêng và Bảo Yên nói chung.
