Tả Phìn: Nhiều cách làm hiệu quả noi gương Bác

LCĐT - Gần 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 05 ngày 15/6/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trên địa bàn xã Tả Phìn (thị xã Sa Pa) đã xuất hiện nhiều cách làm hay, cụ thể, thiết thực, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.

Từ xây dựng nông thôn mới…

Xã Tả Phìn đã “về đích” nông thôn mới từ năm 2018, tuy nhiên, xã chưa có hệ thống chiếu sáng vào ban đêm, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông và nạn trộm cắp tài sản khiến người dân thấy bất an. Nhằm cụ thể hóa Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Chi bộ 1 thôn Sả Séng đã đăng ký làm theo Bác là lãnh đạo người dân xây dựng mô hình hệ thống chiếu sáng công cộng khu dân cư trung tâm thôn, tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Dẫn chúng tôi đi trên tuyến đường bê tông, hai bên rực rỡ các loài hoa đang khoe sắc, ông Tạ Duy Hưng, Bí thư Chi bộ 1 thôn Sả Séng cho biết: Tuyến đường dài hơn 2 km. Khi đưa ra chủ trương làm hệ thống điện chiếu sáng, chi bộ đã thực hiện phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, đồng thời, ban công tác mặt trận thôn cùng các chi đoàn, chi hội xây dựng kế hoạch triển khai mô hình. Nhưng do nhiều hộ chưa nhìn thấy hiệu quả của công trình nên việc vận động gặp không ít khó khăn, nhất là việc huy động nguồn lực tài chính.

Mô hình “Trồng cây hoa địa lan” của Chi bộ 2 mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình “Trồng cây hoa địa lan” của Chi bộ 2 mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trước tình hình đó, Bí thư Chi bộ Tạ Duy Hưng đã tổ chức một cuộc họp mở rộng, mời người dân trong thôn tham gia. Khi được nghe phân tích về những lợi ích thiết thực từ hệ thống chiếu sáng, nhiều hộ đã đồng tình ủng hộ việc lắp bóng đèn, dựng cột điện, kéo dây điện. Nhiều người còn tham gia tích cực phương án đóng góp, phân chia đối tượng miễn, giảm, cách quản lý, vận hành công trình...

Đến nay, có 60 hộ trong thôn đóng góp 36 triệu đồng, kết hợp với nguồn vốn khác lắp đặt được hơn 1 km đường điện chiếu sáng. Để quản lý và vận hành hệ thống điện hiệu quả, bà con trong thôn thống nhất tự chi trả tiền điện, kinh phí sửa chữa, bảo trì hệ thống. Mỗi hộ đóng góp từ 4.000 đến 5.000 đồng/tháng, những hộ nghèo, cận nghèo được miễn khoản đóng góp này. Có điện chiếu sáng, việc kiểm tra, quản lý, đảm bảo an ninh, trật tự cũng dễ hơn trước và nhờ đó, bà con trong thôn thường xuyên qua lại nhà nhau thăm hỏi, giao lưu, thắt chặt tình làng, nghĩa xóm. Bí thư Chi bộ Tạ Duy Hưng bộc bạch: Muốn người dân tham gia thì phải cho mọi người thấy được lợi ích từ mô hình và quan trọng hơn, đảng viên phải luôn gương mẫu, đi đầu.

… đến giúp nhau phát triển kinh tế

Vừa qua, Chi bộ 2 thôn Tả Chải, xã Tả Phìn được UBND thị xã Sa Pa tặng Giấy khen trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Chi bộ 2 hiện có 30 đảng viên, đa phần làm công việc thuần nông và mong muốn phát triển kinh tế bằng thế mạnh sẵn có ở địa phương. Để có quỹ hoạt động, Chi bộ 2 thôn Tả Chải đã thống nhất huy động mỗi đảng viên đóng góp tiền xây dựng mô hình trồng hoa địa lan. Sau 4 năm thực hiện, từ 25 chậu hoa địa lan ban đầu, đến nay mô hình đã có hơn 100 chậu lan, nguồn quỹ cũng đã vượt qua con số 50 triệu đồng sau 2 đợt bán lan.

Anh Lý Láo Tả, đảng viên Chi bộ 2 thôn Tả Chải cho biết: Trước đây, điều kiện kinh tế của gia đình rất khó khăn, chi bộ đã cho vay 20 triệu đồng từ nguồn quỹ để phát triển kinh tế. Năm 2020, gia đình anh bán được hơn 40 chậu lan, giá bình quân mỗi chậu 2 triệu đồng.

Không chỉ duy trì nguồn quỹ cho đảng viên vay những lúc khó khăn, chi bộ còn tạo điều kiện cho các đảng viên có nhu cầu phát triển mô hình trồng địa lan tại gia đình theo hình thức bán giống lan tốt với giá rẻ hơn so với thị trường. “Địa lan mà chi bộ bán ra đều có giá trung bình từ 2 triệu đến 3 triệu đồng/chậu. Tuy nhiên, đối với các đảng viên có nhu cầu mua lan thì chỉ cần 700 nghìn đến 1 triệu đồng đã có được một chậu lan chất lượng tốt”, ông Lý Phù Chìu, Bí thư Chi bộ 2 thôn Tả Chải cho biết.

Thấy được hiệu quả từ việc xây dựng mô hình trồng địa lan của Chi bộ 2 thôn Tả Chải, đến nay đã có thêm Chi bộ 3 và Chi bộ 4 học tập trồng địa lan để gây quỹ.

2 mô hình trên chỉ là một phần nhỏ trong những cách làm hay, tiêu biểu trong học và làm theo Bác trên địa bàn xã Tả Phìn. Ông Giàng A Sà, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tả Phìn cho rằng, trong thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, xã Tả Phìn đã căn cứ tình hình thực tế để triển khai. Mỗi chi bộ có một cách làm sáng tạo, phù hợp với địa phương, nhờ đó, các chi bộ đều xuất hiện những điển hình trong học tập và làm theo Bác. Khi cán bộ, đảng viên gương mẫu, đi đầu sẽ làm thay đổi nhận thức của người dân. Ai cũng có thể học Bác từ những việc làm nhỏ nhất, giản dị nhất trong công việc cũng như cuộc sống hằng ngày.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định 28

Hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định 28

Ngày 26/4/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 28 về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, trong đó giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025.

Bộ Công Thương kiến nghị chưa cho lưu hành thuốc lá điện tử

Bộ Công Thương kiến nghị chưa cho lưu hành thuốc lá điện tử

Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Ủy ban Xã hội của Quốc hội về việc thực hiện công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Trong thời gian chưa ban hành chính sách, Bộ Công Thương kiến nghị chưa cho phép lưu hành sản phẩm thuốc lá điện tử tại Việt Nam. 

Những tiết học “không biên giới”

Những tiết học “không biên giới”

Với chiếc laptop có kết nối internet, giáo viên tiếng Anh - Trần Thị Thu Nga đã đưa học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn (thành phố Lào Cai) “phá vỡ 4 bức tường” của lớp học truyền thống, vượt qua rào cản về khoảng cách địa lý để kết nối, giao lưu học hỏi và trao đổi văn hóa với bạn bè quốc tế.

fb yt zl tw