Xúc động những học sinh dựng lều học trực tuyến trong mùa dịch

LCĐT - Trong những ngày cả nước cùng chung tay phòng, chống dịch bệnh Covid-19, học sinh toàn quốc nghỉ học ở trường chuyển qua hình thức học trực tuyến ở nhà để cập nhật kiến thức. Việc học trực tuyến ở thành phố đã khó, ở các thôn, bản vùng cao còn khó khăn hơn bội phần vì học sinh thiếu phương tiện học tập, thiếu đường truyền internet. Vậy nhưng, ở nhiều khu vực vùng cao Lào Cai vẫn có những học sinh dựng lều ở nơi có mạng internet để học tập, ôn thi trực tuyến bất chấp mưa dầm, gió lạnh.

Chuyện xúc động ở xã Trịnh Tường

Giữa tháng 4 mà vùng cao Lào Cai vẫn có gió mùa Đông Bắc tràn về cùng những cơn mưa rả rích. Vượt chặng đường xa với những con dốc dài trơn trượt, chúng tôi mới tìm đến được ngôi nhà nhỏ của em Vù A Dũng, dân tộc Mông, lớp 12A, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT huyện  Bát Xát, nhà ở thôn San Hồ, xã Trịnh Tường. Từ ngôi nhà vách đất nhỏ ở cuối thôn, em Dũng chỉ tay lên phía đỉnh đồi cao chìm trong màn mây mờ ảo và bảo: nhà em ở trong thung lũng không có sóng điện thoại, không bắt được mạng internet nên hơn hai tuần nay em ít khi ở nhà mà lên lán trên đỉnh đồi để học bài.

Xúc động những học sinh dựng lều học trực tuyến trong mùa dịch ảnh 1
 Em Vù A Dũng học bài trực tuyến trong lán trên đỉnh đồi.

Theo chân Dũng và bố em, chúng tôi mất hơn 30 phút mới đến được vị trí dựng lán. Thật không thể tin được căn lán nhỏ bằng tre, mái cỏ gianh, xung quanh quây bằng bạt chon von trên đỉnh đồi, xung quanh nhìn đâu cũng chỉ thấy núi non trùng điệp, gió lồng lộng thổi rét tái tê lại là nơi đêm nào em Dũng cũng ngồi dò sóng điện thoại và mạng internet học bài trực tuyến một mình.

Xúc động những học sinh dựng lều học trực tuyến trong mùa dịch ảnh 2
Ông Pao luôn động viên con cố gắng học tập.

Em Dũng chia sẻ: buổi tối hằng ngày thầy cô giáo dạy học trực tuyến nên em đi bộ lên lán và ở lại lán học bài. Khó khăn nhất là ở đây không có điện, em phải dùng đèn pin soi, nghe cô giảng bài qua điện thoại và ghi chép vào vở. Ban ngày em tranh thủ thời gian làm bài tập được giao và gửi cho thầy cô giáo. Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng em sẽ cố gắng hết sức để đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới và thực hiện ước mơ đỗ vào đại học ngành quản trị kinh doanh.

Xúc động những học sinh dựng lều học trực tuyến trong mùa dịch ảnh 3
Em Dũng chuẩn bị chăn, màn để ngủ tại lán.

Câu chuyện về ý chí vượt qua khó khăn học tập trong mùa dịch của em Vù A Dũng khiến chúng tôi vô cùng khâm phục, nhưng còn xúc động hơn khi trò chuyện cùng ông Vù A Pao, bố em Dũng và biết rằng chính ông đã là người luôn sát cánh cùng con trai, động viên con cố gắng ôn thi. Cách đây 2 tuần, thấy con phải học trực tuyến mà không có sóng điện thoại, không có mạng internet, ông Pao đã bỏ việc trồng ngô trên nương, lặn lội đi tìm vị trí có sóng và nhờ mượn đất của bà con trong thôn để dựng lán cho con. Phải mất 3 ngày ròng hai bố con vất vả lấy gỗ, tre nứa, cỏ gianh mới dựng căn lán trên đỉnh đồi này, nhờ đó Dũng có chỗ học bài qua mạng.

Ông Pao tâm sự: Gia đình tôi dù khó khăn đến mấy cũng quan tâm để các cháu học hành đầy đủ. Hiện nay con gái tôi học Trường THPT Chuyên Lào Cai, đang ở nhờ nhà người quen ngoài thành phố nên học tập thuận lợi. Còn con trai ở nhà không có mạng nên tôi dựng lều giúp con, mong con cố gắng học tập, sau này có tương lai tốt đẹp.

Xúc động những học sinh dựng lều học trực tuyến trong mùa dịch ảnh 4
Chiếc lều nhỏ sơ sài là nơi học tập của em Tẩn Thị Dung.

Cũng ở xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, chúng tôi chứng kiến một câu chuyện xúc động không kém về nghị lực vượt khó học tập của em Tẩn Thị Dung, dân tộc Dao, học sinh lớp 12, nhà ở thôn Ná Đoong. Mặc dù mấy hôm trời mưa và gió rét tràn về, nhưng trong căn lều sơ sài quây bằng bạt trên mỏm đồi sau nhà, em Dung vẫn miệt mài học, vừa cập nhật những kiến thức mới, vừa ôn thi THPT quốc gia. Gia đình Dung có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bố em mất cách đây 4 năm, một mình mẹ làm ruộng nuôi hai chị em ăn học. Nhà không có xe máy, ti vi, mẹ Dung phải chắt bóp mới đủ tiền mua cho em chiếc điện thoại để học bài trong mùa dịch. Vượt qua muôn vàn khó khăn, cô học trò Dao đỏ luôn chăm chỉ học tập và là học sinh giỏi môn Địa Lý.

Em Dung chia sẻ: Hằng ngày em giúp mẹ trồng ngô và tranh thủ lên lán học bài qua mạng. Cùng với nghe cô giáo giảng bài trực tuyến, em còn tìm những dạng bài hay để tập làm nhằm củng cố và nâng cao kiến thức. Vì lều không kín nên những lúc mưa gió em ngồi học vẫn bị ướt và lạnh. Ở đây sóng có lúc không ổn định nên việc học trực tuyến cũng bị gián đoạn, em mong nhanh hết dịch bệnh để được đến trường học tập cùng các bạn.   

Trò chuyện cùng Dung, chúng tôi hiểu chính hoàn cảnh khó khăn và sự quan tâm của mẹ, người thân trong gia đình và các thầy cô giáo đã trở thành động lực giúp em vượt lên tất cả. Cô giáo Phạm Minh Huệ, giáo viên chủ nhiệm lớp em Dung chia sẻ: Dung là học sinh chăm ngoan, học giỏi, là tấm gương sáng về ý chí và nghị lực vượt khó để các bạn trong lớp học tập, làm theo.

Thêm những tấm gương về ý chí học tập

Không chỉ ở xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, mà đến nhiều thôn, bản vùng cao khác trên địa bàn tỉnh, chúng tôi cũng ghi nhận những nỗ lực vượt khó của không ít học sinh. Mặc dù phải nghỉ học ở trường, thiếu thốn phương tiện và điều kiện học tập trực tuyến, nhưng các em vẫn tìm cách vượt qua.

Tại Trường THPT số 3 huyện Bảo Yên, trong những ngày dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc học tập trực tuyến của học sinh rất nan giải vì nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tuy nhiên cũng có không ít tấm gương về nghị lực vươn lên.

Xúc động những học sinh dựng lều học trực tuyến trong mùa dịch ảnh 5
Em Đặng Thị Máy chăm chỉ học tập trong mùa dịch.

Thầy giáo Quan Văn Thưởng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 3 huyện Bảo Yên chia sẻ với chúng tôi hình ảnh các học sinh giúp nhau dựng lều lán trên đỉnh đồi chìm trong sương mù hay học sinh ngồi học trong căn lều lá cọ. Thầy Thưởng cho biết: Trường THPT số 3 Bảo Yên có nhiều học sinh người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo ở một số xã như Tân Tiến, Vĩnh Yên, Xuân Hòa… Chính vì thế, việc triển khai học trực tuyến cũng gặp không ít gian nan. Nhưng với tinh thần hiếu học, ý chí học tập cao, nhiều học sinh vẫn cố gắng vươn lên, không đầu hàng trước hoàn cảnh.

Xúc động những học sinh dựng lều học trực tuyến trong mùa dịch ảnh 6
Sùng Seo Sang cùng bạn dựng lán học trên đồi.

Chiếc xe lao trên đường sình lầy đất đỏ đưa chúng tôi vào bản Nà Phung, xã Tân Tiến, huyện Bảo Yên thăm gia đình em Sùng Seo Sang, dân tộc Mông, học sinh lớp 11A3, Trường THPT số 3 huyện Bảo Yên.

Qua trò chuyện với bố em Sang là anh Sùng Seo Giáo, chúng tôi biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình. Hai vợ chồng anh Giáo làm nông nghiệp, vợ thường xuyên đau ốm, thi thoảng anh Giáo đi làm thuê nhưng cố lắm cũng chỉ đủ tiền trang trải nuôi 4 con ăn học. Sùng Seo Sang học lớp 11, còn các em lần lượt học lớp 7, lớp 2 và em út đang học mẫu giáo. Hôm chúng tôi đến, Sang không ở nhà, bố mẹ Sang bảo: Giờ cháu toàn lên đồi để học thôi!

Sợ chúng tôi chưa hiểu, mẹ Sang giải thích tiếp: Từ hôm được nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19, nhà tôi góp tiền mua điện thoại cho con học trực tuyến. Vậy nhưng mạng ở nhà yếu không học được, Sang thấy trên đồi rừng sóng mạng khỏe hơn, nên em đã dựng lán tại đó để học, nghe cô giáo giảng bài cùng 2 người bạn khác.

Ngày nào cũng thế, Sang dậy sớm làm việc nhà giúp mẹ, rồi đi bộ lên lán để học. Lán được dựng tạm ở bìa đồi, cách nhà hơn 3 km. Từ hôm nhà trường triển khai học trực tuyến, Sang cùng các bạn chưa nghỉ buổi học nào, dù nắng hay mưa.

Câu chuyện về Sùng Seo Sang chỉ là một trong số nhiều học sinh hiếu học giữa mùa Covid-19, đồng thời cũng cho thấy sự đổi thay trong nếp nghĩ của những gia đình vùng cao, dù cuộc sống còn khó khăn, vất vả, nhưng họ vẫn tạo điều kiện để con em được học tập đầy đủ.

Ở xã Vĩnh Yên có em Hoàng Thị Hằng, dân tộc Tày, lớp 11A1, nhà ở thôn Nặm Núa, hoàn cảnh khó khăn, gia đình có 4 anh chị em. Từ ngày 20 - 31/3, em Hằng không học trực tuyến được do nhà em ở nơi không có sóng điện thoại. Nhưng trong thời gian nghỉ học phòng, chống dịch bệnh kéo dài, em đã tìm cách dựng chòi lá cọ trên đồi cách nhà 1 km để học bài trực tuyến. Ngoài ra, thôn Nặm Núa còn có các em Lương Thị Xuân, Hoành Văn Sỹ, Hoàng Thị Minh Vui cũng không quản khó khăn, tự làm lán cọ học trực tuyến trong mùa dịch.

Xúc động những học sinh dựng lều học trực tuyến trong mùa dịch ảnh 7
Xúc động những học sinh dựng lều học trực tuyến trong mùa dịch ảnh 8
Ý chí học tập của học sinh xã Vĩnh Yên (Bảo Yên).

Chia tay các học sinh ở xã Trịnh Tường (Bát Xát) và xã Tân Tiến, Vĩnh Yên (Bảo Yên), câu chuyện đầy xúc động về nghị lực, ý chí học tập của các em trong mùa dịch khiến chúng tôi không thể nào quên. Có lẽ chính hoàn cảnh khó khăn lại là nơi ý chí và niềm tin luôn tỏa sáng. Mong rằng dịch bệnh sớm qua để các em được tới trường, để nụ cười lấp lánh trên môi và những ước mơ của các em sớm thành hiện thực.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Hơn 100 đại biểu được tập huấn nâng cao năng lực thông tin về ứng phó sự cố, thiên tai

Hơn 100 đại biểu được tập huấn nâng cao năng lực thông tin về ứng phó sự cố, thiên tai

Ngày 22/11, tại thành phố Lào Cai, Cục Thông tin cơ sở - Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lào Cai tổ chức Hội nghị tập huấn công tác tuyên truyền đề án Phát triển, nâng cao năng lực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 trên hệ thống thông tin cơ sở.

Hàng không Việt Nam tăng thêm hơn 650.000 chỗ Tết Ất Tỵ 2025

Hàng không Việt Nam tăng thêm hơn 650.000 chỗ Tết Ất Tỵ 2025

Nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại dịp Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025, các hãng hàng không Vietnam Airlines, Pacific Airlines, VASCO sẽ cung ứng thêm hơn 650.000 ghế, tương đương hơn 3.000 chuyến bay trên các chặng bay nội địa Việt Nam trong giai đoạn từ 13/1/2025 đến 12/2/2025 (tức 15 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến 15 tháng Giêng năm Ất Tỵ).

Nâng cao năng lực số cho tuyến y tế cơ sở

Nâng cao năng lực số cho tuyến y tế cơ sở

Sáng nay (21/11), Bộ Y tế phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức lễ khởi động dự án: ''Ứng dụng y tế từ xa nhằm tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế cho các nhóm yếu thế tại Việt Nam''.

Sáng tạo vì học sinh thân yêu

Sáng tạo vì học sinh thân yêu

Quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đang đòi hỏi mỗi giáo viên phải tự nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ để đáp ứng tốt nhất yêu cầu giảng dạy. Trong đó, giáo viên không chỉ là người truyền thụ kiến thức đơn thuần, mà phải sáng tạo trong tổ chức, điều hành các hoạt động dạy học.

Những cán bộ gác việc nhà lo việc dân

Những cán bộ gác việc nhà lo việc dân

Trong trận lũ vừa qua, Bảo Yên là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất. Nhiều cán bộ cơ sở mặc dù nhà ở bị ngập lụt, tài sản bị cuốn trôi nhưng vẫn ưu tiên lo cho dân. Họ tạm gác việc nhà, tập trung hỗ trợ đồng bào ổn định cuộc sống. Chỉ khi mọi người được an toàn, họ mới trở về lo cho gia đình mình.

Hành trình trở thành chuyên gia giáo dục sáng tạo toàn cầu

Hành trình trở thành chuyên gia giáo dục sáng tạo toàn cầu

Gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, những nhà giáo trên địa bàn tỉnh luôn dành trọn tâm huyết, tình yêu học trò qua từng trang giáo án. “Người đưa đò” thầm lặng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, tích cực ứng dụng khoa học - công nghệ, trở thành những “Chuyên gia giáo dục sáng tạo toàn cầu của Microsoft”, là tấm gương sáng cho học sinh về rèn đức, luyện tài.

fbytzltw