Vùng dâu Trấn Yên hồi sinh sau bão lũ

Được sự quan tâm của tỉnh, các bộ, ngành, đặc biệt là sự nỗ lực của người dân trong áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật để khắc phục, nhiều diện tích dâu tằm trên địa bàn huyện Trấn Yên đã hồi sinh sau bão lũ. Chỉ nửa tháng nữa, những lứa tằm mới sẽ được đưa vào nuôi, cuộc sống của người trồng dâu nuôi tằm sẽ ổn định trở lại sau mưa bão.
Gia đình ông Nguyễn Văn Thi, thôn Linh Đức, xã Minh Quân có 6 mẫu dâu, mỗi năm thu trên 1 tấn kén tằm, đem về nguồn thu trên 400 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Nay, cơn bão số 3 đã nhấn chìm mọi thứ, gồm 1 tạ tằm sắp vào kén, 1 nhà ươm tằm, 1 nhà lạnh và cả 6 mẫu dâu đều ngâm trong nước 6 ngày đêm, tổn thất kinh tế nặng nề. 
Bão số 3 đã làm cả 23,5ha dâu tằm của xã Minh Quân, huyện Trấn Yên chìm trong biển nước. Sau bão, chính quyền địa phương đã phối hợp cùng các bộ, ngành kịp thời phổ biến kỹ thuật cho người dân và thành viên các tổ hợp tác, hợp tác xã chăm sóc phục hồi diện tích bằng các biện pháp: đào rãnh tiêu úng, bứt lá, tỉa cành. Nhờ vậy, đến nay, đã có trên 50% diện tích dâu của xã hồi phục, dần xanh tốt trở lại. 
Nhà nuôi tằm lạnh của gia đình ông Nguyễn Văn Thi, thôn Linh Đức, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên tan hoang sau bão số 3.
Trấn Yên là địa phương có diện tích dâu lớn nhất tỉnh Yên Bái với suýt soát 1.000 ha, 1.500 hộ nuôi tằm, giá trị sản phẩm bình quân đạt 300 triệu đồng/ha/năm. Sau bão số 3, toàn bộ vùng dâu của huyện đã bị úng ngập trong gần 1 tuần, trong đó gần 700 ha bị ảnh hưởng nặng, tập trung tại các xã có diện tích lớn nằm ven sông Hồng như: Việt Thành, Y Can, Đào Thịnh, Báo Đáp, Minh Quân… 
Ngay sau bão, huyện đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương triển khai tập huấn đầu bờ cho cán bộ nông nghiệp huyện và bà con nhân dân để kịp thời khắc phục diện tích dâu, giảm chi phí trồng mới và ổn định năng suất lá nuôi tằm vụ xuân.
Hợp tác xã Hạnh Lê, xã Việt Thành, huyện Trấn Yên ươm tằm con cung cấp cho các hộ vào lứa nuôi mới, sau bão.
Trong đợt tập huấn, Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương đã hướng dẫn người dân rà soát, chia diện tích thành các mức độ ảnh hưởng khác nhau, triển khai nhanh việc đào rãnh tiêu úng, tuốt lá và cắt tỉa cành, bổ sung phân bón để kích thích cây ra chồi mới. Bằng mọi nỗ lực cứu chữa, khoảng 600 ha dâu đã bắt đầu nảy lại mầm xanh, sau nửa tháng nữa, người dân có thể nuôi lứa tằm mới, khắc phục một phần khó khăn  do thiên tai. Đối với diện tích dâu bị chết, ngành nông nghiệp huyện sẽ tiếp tục đồng hành cùng người dân phục hồi trong vụ thu và vụ xuân. 
Cơn bão số 3 đã biến vùng dâu tằm Trấn Yên đang xanh tốt thành tan hoang, xơ xác. Được sự quan tâm đặc biệt của tỉnh, các bộ, ngành, nhất là sự nỗ lực của người dân, chỉ sau 1 tháng, nhiều diện tích dâu tằm đã phục hồi. Sau tất cả những gì thiên nhiên cuồng nộ cướp đi, một sự sống đã hồi sinh trên đất lũ. 
Minh Huyền - Mạnh Cường 

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Khẩn trương khống chế dịch tả lợn châu Phi

Khẩn trương khống chế dịch tả lợn châu Phi

Theo báo cáo của các cơ quan quản lý chuyên ngành chăn nuôi và thú y địa phương, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 514 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 28 tỉnh, thành phố (sau sáp nhập).

Sử dụng xăng E10 - Bước chuyển đổi năng lượng bền vững

Sử dụng xăng E10 - Bước chuyển đổi năng lượng bền vững

Từ ngày 1/1/2026, toàn bộ xăng lưu thông trên thị trường Việt Nam sẽ bắt buộc pha 10% ethanol, chính thức chuyển sang sử dụng xăng E10. Đây là bước đi quan trọng trong thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam và thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững.

fb yt zl tw