LCĐT - 23 năm qua, ông Vũ Kim Trọng, Trưởng thôn kiêm Tổ trưởng Tổ hòa giải thôn Hốc Đá, xã Xuân Quang đã cùng các hòa giải viên và đại diện hội, đoàn thể ở địa phương hòa giải thành công nhiều vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp giữa người dân trong thôn. Trung bình mỗi năm, ông Trọng và các hòa giải viên trong tổ giải quyết 4 - 6 vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn, trong đó có những vụ việc khó xử lý, phải đi lại, gặp gỡ, tổ chức hòa giải nhiều lần, thậm chí kiên trì 3 đến 4 năm mới thành công. Đa số những vụ tranh chấp kéo dài thường liên quan đến quyền lợi, quyền sử dụng trong lĩnh vực đất đai và quyền sở hữu tài sản.
Ông Vũ Kim Trọng tìm hiểu kiến thức pháp luật để hòa giải các vụ việc mâu thuẫn. |
Ông Trọng kể, vụ việc kéo dài nhất mà ông từng tham gia hòa giải liên quan đến tranh chấp về đất đai giữa 2 hộ trong thôn. Để giải quyết được vụ việc này, ông đã phải nghiên cứu kỹ các quy định của Luật Đất đai và các văn bản dưới luật, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của từng hộ, tìm hiểu về nguồn gốc đất, sau đó gặp người uy tín của 2 bên gia đình nói chuyện. Do nguồn gốc thửa đất phức tạp nên mất rất nhiều thời gian, ông Trọng mới có thể làm rõ ngọn ngành, sau đó mời 2 hộ và đại diện xã hòa giải, thống nhất phương án giải quyết. Sau hơn 4 năm, vụ việc này đã được giải quyết dứt điểm, 2 hộ dân thống nhất hòa giải, từ đó sống đoàn kết.
Ông Vũ Kim Trọng chia sẻ: Trong công tác hòa giải, điều quan trọng nhất là phải thấu tình, đạt lý, công tâm để giữ được tình làng, nghĩa xóm mà vẫn phù hợp với quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, chọn thời điểm thích hợp để hòa giải cũng là yếu tố quyết định thành công. Ngoài ra, hòa giải viên phải là người uy tín trong thôn, bản, đồng thời có kiến thức pháp luật để có thể phân tích, giảng giải cho người dân. Ngoài 5 hòa giải viên chính thức, chúng tôi còn vận động những người có uy tín trong thôn tham gia từng vụ việc.
Thôn Cốc Sâm 2, xã Phong Niên có 120 hộ thuộc 5 dân tộc chung sống. Những năm qua, đa số những vụ việc mâu thuẫn nhỏ như tranh chấp đất đai, tranh chấp nguồn nước, tình cảm gia đình… được Tổ hòa giải thôn giải quyết thành công. Mang theo điện thoại 24/24, sẵn sàng bỏ dở công việc để tham gia hòa giải là thói quen từ 14 năm nay của ông Trần Hữu Hằng, Trưởng Ban công tác Mặt trận, hòa giải viên Tổ hòa giải cơ sở thôn Cốc Sâm 2. Không ít vụ việc, ông Hằng và các thành viên tổ hòa giải phải giải quyết giữa đêm khuya. “Tôi thấy vinh dự khi được thực hiện nhiệm vụ của hòa giải viên”, ông Hằng nói.
Trong cuốn sổ tay, ông Hằng ghi lại hàng chục vụ việc mình đã tham gia hòa giải thành công. Đối với ông, hòa giải chính là công việc gắn kết tình làng, nghĩa xóm, gắn kết tình cảm những cặp vợ chồng “cơm không lành, canh không ngọt”. Mỗi vụ việc thành công lại tiếp thêm động lực cho những hòa giải viên như ông tiếp tục tham gia công việc này. Vụ việc hòa giải thành công, hàn gắn tình cảm một cặp vợ chồng từ 2 năm trước khiến ông thấy công việc này càng thêm ý nghĩa.
“Hôm đó, khoảng 10 giờ đêm, tôi chuẩn bị đi ngủ thì nhận được điện thoại của Trưởng thôn trao đổi về vụ việc của gia đình anh T. và chị N. Khi đến nơi, vợ chồng họ đang cãi nhau to, chị N. muốn đệ đơn ly hôn lên tòa án để chấm dứt quan hệ vợ chồng. Căn nguyên sâu xa là họ lấy nhau 5 năm vẫn không có con. Thêm nữa, anh T. ham rượu chè, cờ bạc, sau đó về mắng chửi vợ. Sau khi tôi giải thích về điều thiệt hơn, phân tích cái đúng, sai của từng người, đến 2 giờ sáng hôm sau, anh T. và chị N. đã làm hòa, sau đó chung sống hạnh phúc. Đáng vui hơn là suốt 2 năm qua, anh T. đã tu tỉnh, chí thú làm ăn, vươn lên thoát nghèo, tích cực tham gia các hoạt động của thôn. Mới đây, anh được chi bộ thôn giới thiệu đi học lớp bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng, ông Hằng tâm sự.
Ông Phạm Viết Hưng, Chủ tịch UBND xã Phong Niên cho biết: Công tác hòa giải ở cơ sở đã góp phần ngăn chặn, giải quyết nhanh mâu thuẫn tại các thôn, bản, nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật và giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn.
Theo thống kê của Phòng Tư pháp huyện Bảo Thắng, toàn huyện hiện có 193 tổ hòa giải cơ sở, mỗi tổ có từ 3 đến 5 hòa giải viên. Trong 5 năm qua, các tổ hòa giải đã thụ lý 876 vụ việc, trong đó hòa giải thành 839 vụ việc. Để đạt được kết quả đó, hằng năm, Phòng Tư pháp huyện đã triển khai các kế hoạch tập huấn, phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt là công tác hòa giải ở cơ sở, củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác hòa giải, góp phần giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, hạn chế khiếu kiện vượt cấp, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Ông Hoàng Văn Thái, Phó Trưởng Phòng Tư pháp huyện Bảo Thắng cho biết: Công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng hiệu quả hơn nhờ có quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở. Song song với công tác hòa giải, các hòa giải viên còn tăng cường lồng ghép hoạt động này với đẩy mạnh công tác trợ giúp pháp lý, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao sự hiểu biết pháp luật, tạo thói quen chấp hành tốt pháp luật cho người dân. Tuy nhiên, nếu có thêm nguồn kinh phí hoặc phụ cấp chi trả cho các hòa giải viên thì công tác này chắc chắn sẽ đạt nhiều kết quả hơn.