Về Múc - Mùa nắng rám trái bưởi

LCĐT - Không cần phải xao xuyến ngóng trông, rồi mùa thu cũng đến. Nắng vàng đã dịu dàng tan chảy trên từng vòm lá. Thu thấp thoáng ẩn hiện, cảm giác se lạnh làn da mỗi sớm mai thức giấc. Trước sắc thái ấy dễ làm cho tâm hồn trở nên mộng mơ. Và muôn vàn tia nắng vàng đỏng đảnh ấy như đang giỡn đùa với trái bưởi trĩu cành. Tháng Tám huyễn hoặc ơi! Chắc gì ngươi đã là tác nhân chính gây nên vết rám trên vỏ trái bưởi thôn Múc, hay đấy chỉ là “di chứng” của cái nắng cháy oi nồng tháng Sáu...  

Bưởi là cây trồng chủ lực giúp người dân thôn Múc làm giàu. Ảnh: NGỌC DƯƠNG
Bưởi là cây trồng chủ lực giúp người dân thôn Múc làm giàu. Ảnh: NGỌC DƯƠNG

Bưởi của thôn Múc (Thái Niên, Bảo Thắng) ngon nổi tiếng, nhưng chúng tôi chưa có dịp mục sở thị vùng đất đậm đà hoa trái này. Tôi cùng nghệ sĩ nhiếp ảnh Ngọc Dương quyết làm chuyến “thâm nhập” thôn Múc ngay sau khi Lào Cai vừa bị ảnh hưởng bởi hoàn lưu của bão số 3 ít ngày. Thôn cách trung tâm thành phố không xa, khoảng hơn 10 km, nhưng việc đi lại khá khó khăn, bởi “sông ngăn cách trở, đò ngang khó lường”. Đối diện phường Xuân Tăng, thành phố Lào Cai, qua bên kia sông Hồng là đất thôn Múc. Sông Hồng đang cơn lũ lớn, dòng nước đục ngầu cuồn cuộn chảy. Con đò ngang vỏ sắt 16 sức ngựa nổ giòn tan, đưa khách qua lại đôi bờ êm ái, làm an lòng kẻ nhát gan như tôi.
Bước chân lên bến đò, chúng tôi gặp ngay con đường bê tông phẳng phiu như nghênh đón. Cảm giác thư thái dịu dàng xâm chiếm, bởi hai bên đường ngút ngát màu xanh của những vườn bưởi trĩu trịt quả. Những trái bưởi mọng tròn đang chuyển sang màu vàng dịu, đôi vết rám đáng yêu như lúm đồng tiền trên má thiếu nữ. Chúng tôi theo con đường chạy dọc làng, càng đi càng gặp những vườn cây hoa trái sum sê. Quần thể cây ăn trái nhiệt đới của thôn Múc khá đa dạng, từ hồng, nhãn đến mít, chuối, na… song, bưởi vẫn là quả “chủ lực”, còn các loại cây khác chỉ như những nét tô điểm, làm phong phú thêm bức tranh no ấm ở thôn Múc. Nghệ sỹ Ngọc Dương không ngớt lời ca ngợi, thích thú bầu không khí trong lành, phong cảnh thanh bình nơi đây và luôn dừng chân thu vào ống kính những khoảnh khắc đẹp. Trong khung cảnh hiếm hoi này, chúng tôi có cảm giác như được ướp mình giữa màu xanh yêu thương, thả sức hít hà cho căng lồng ngực, bõ những ngày phố xá bụi bặm, ồn ã.
Chúng tôi ghé nhà ông Lê Bá Hội, cũng do một duyên cớ mà thành quen biết  từ mùa bưởi trước... Ông lão đang bước vào tuổi thất thập mà vẫn nhanh nhẹn, cởi mở, thân thiện, dễ gần. Sau lời chào hỏi và ấm trà đã đượm nồng, câu chuyện của chúng tôi xoay quanh cây bưởi. Ông Hội bảo: Muốn biết và hiểu bưởi Múc ra sao thì hãy thưởng thức bưởi đã. Dứt câu, ông đứng dậy bước lên chiếc ghế hái luôn trái bưởi trĩu vít đầu cành. Tôi nhìn thấy trái bưởi bên cạnh nứt toác, liền vội bảo: “Ấy, bác hái trái nứt kia là được!”. “Ừ thì hái cả kẻo để vài hôm nước mưa vào là hỏng ngay”. Cái giống bưởi, cam, quýt cũng lạ, đang nắng gặp mưa là hay nứt lắm, nhưng không phải cây nào cũng như vậy! Ông giải thích “thường là những cây được chăm sóc tốt, giàu chất dinh dưỡng, trái bưởi dư sức, lớn nhanh, trong khi đó màng vỏ lại phát triển không kịp, gặp lúc trời nắng gắt, vỏ mỏng không nứt mới là lạ, nó còn nổ tung ra í”…
Lão nông tri điền Lê Bá Hội nói chuyện dí dỏm mà lại triết lý, cứ như một nhà khoa học, cán bộ khuyến nông thực thụ. Tôi thầm nghĩ, nông dân bây giờ tiếp cận kiến thức khoa học - kỹ thuật nhanh lắm, chứ không như thời xa xưa. Hồi ấy, “thất bát thì tại ông giời/được mùa là bởi gặp thời nắng mưa” hoặc “ơn trời mưa nắng phải thì”... Còn bây giờ, nông dân không hoàn toàn thụ động chờ nắng mưa. Với ông Hội, gần 50 năm gắn bó với vườn bưởi, nên ông hiểu kỹ “tính khí” giống bưởi quý này. Ông tâm sự: “Cây bưởi thôn Múc cũng trải nhiều lận đận, lao đao, có lúc đứng bên bờ triệt hạ. Cái thời buổi đói kém, kinh tế khó khăn thì ai nghĩ đến bưởi làm gì, lo cơm áo, gạo tiền đã “vàng mắt” rồi. Bưởi có ăn trừ bữa được đâu! Giá cả thì bấp bênh, có lúc rẻ như bèo. Đã mấy lần tôi định vung dao khai tử để thay thế cây trồng khác, nhưng rồi lại tiếc… Và cái gì cũng có giá của nó. Hết mưa là nắng, thịnh suy theo quy luật mà...” .
Đến nay, hai vợ chồng già chỉ sống nhờ vườn bưởi. Sơ sơ mỗi năm, gia đình ông thu nhập từ quả bưởi khoảng 50 triệu đồng. Ngoài ra ông còn chiết cành, ươm giống bán và chăn nuôi gà, vịt. Được biết, chiếc đò ngang chở khách ngoài kia cũng chính ông là chủ đầu tư… Nhấm nháp chén trà thơm và thưởng thức múi bưởi ngọt tại vườn, tôi có cảm giác thật thú vị…  
Tiếp tục hành trình bưởi Múc, chúng tôi đi dưới bóng mát của hàng bưởi bên đường, hạt nắng lao xao nhảy múa qua kẽ lá khiến lòng hồi tưởng xa xôi, để rồi cứ khấp khởi và hoài niệm một thời gian khó đã qua. Trưởng thôn Vũ Quang Sửu đưa chúng tôi đi thăm quanh vườn nhà và những khu vườn lân cận. Đã có thâm niên 14 năm làm trưởng thôn, nên ông hiểu rõ mọi khía cạnh của thôn mình... Thấp thoáng những căn nhà xây theo phong cách Thái tọa lạc giữa không gian rờn xanh của bưởi. Từ sân nhà trưởng thôn, chúng tôi nhìn rõ dòng sông Hồng cuộn chảy. Gió từ sông thổi lên mát dịu, phía sau nhà, vườn đồi thoai thoải ngát xanh. Tôi thầm khen trưởng thôn có mảnh đất đắc địa. Có điều hơi thắc mắc, sao vườn nhà trưởng thôn lại ít bưởi mà nhiều đào cảnh? Hỏi ra mới vỡ lẽ, ông vừa chuyển từ xóm dưới lên. Ông phải ở lại cùng gia đình trông nom mẹ già, nên mới về mảnh đất này được vài năm. Vườn bưởi của gia đình mới trồng còn đang bị khuất tầm nhìn, khi chúng đủ sức lớn, ông sẽ phá những cây ngắn ngày. Rồi ông Sửu bộc bạch: “Đào hoa, cây cảnh cũng là một chiến lược trong phát triển kinh tế của gia đình. Tôi học các cụ chính sách “bỏ trứng nhiều giỏ”. Một giỏ nhỡ tay đánh rơi là hỏng! Song, cây bưởi trong vườn vẫn là cây chiến lược lâu dài...”. Thì ra ông trưởng thôn cũng đi cờ nước đôi. Thế mới biết làm nông dân thời này không hề dễ, phải bản lĩnh và trí tuệ.  
Thôn Múc hiện có tổng số 230 hộ dân, trong đó 30% là người Dao bản địa, còn lại là đồng bào dưới đồng bằng lên làm kinh tế từ thập niên 60 của thế kỷ XX (đa số người Hưng Yên). Ông cho biết, cả thôn có hơn 40 ha bưởi đang thu hoạch quả và một số diện tích trồng mới. Tôi nhẩm tính, mỗi ha có 300 cây, mỗi cây thu nhập bình quân 1 triệu đồng. Một năm, cái thôn bé xíu ven sông này thu được số tiền từ bưởi không nhỏ chút nào. Đấy là giấc mơ của nhiều làng quê Việt Nam.
Đến thăm một số gia đình có thu nhập cao, giàu lên từ bưởi như gia đình ông Lê Văn Đức, bà Phạm Thị Giang, ông Vũ Đình Nhị… mỗi năm, các gia đình thu khoảng 200 triệu đồng. Có câu nói của người dân nơi đây làm tôi tò mò và thuộc ngay: Muốn xem vườn bưởi rộng thì về nhà ông Đức; xem bưởi to, đẹp thì đến ông Lênh, ông Thủy; muốn xem cây bưởi tổ thì vào vườn cụ Hiện. Đúng là, nguyên chuyện bưởi thôn Múc cũng biết bao điều thú vị rồi.
Về thôn Múc không thể không ghé đến chiêm bái cây bưởi tổ của gia đình cụ Hiện. Cũng như nhiều gia đình khác, từ ngõ vào, bưởi treo lúc lỉu chạm đầu, bưởi vắt vẻo men theo sườn đồi, bưởi lủng lẳng bên bờ suối, bưởi trĩu trịt sà vào mái nhà bên những chú chim bồ câu trắng bay liệng. Cây bưởi tổ được cụ chủ chăm sóc khá tỉ mỉ, bao quanh bằng lưới sắt B40. Cây cao chừng 20 m, xòa mát cả một góc vườn, thân chính đã bị gãy chỉ còn các nhánh, nhưng khá xanh tốt.

Chủ nhà là cụ bà Đặng Thị Thiết mời chúng tôi vào nhà uống nước và câu chuyện về cây bưởi tổ được cụ rỉ rả kể: Chồng cụ là Giang Văn Hiện (đã qua đời) lên đây khai cơ lập địa trong cuộc “thiên di” tìm cơm áo từ vùng đất Dạ Trạch - Hưng Yên. Ngày ấy, lên đến đây là xa xôi khủng khiếp lắm, có đi mà không biết khi nào trở về, bởi tàu xe cách trở. Ông ấy “khăn gói quả mướp” theo gia đình đi, gia tài chả có gì ngoài vài thứ cần thiết và mấy cành bưởi giống cắt từ cây bưởi quê. Lúc ấy cũng chỉ nghĩ giản đơn là đem theo để trồng trên đất mới, sau này lấy quả cho con cháu ăn để nhớ hương vị quê nhà, chứ nào nghĩ cây bưởi ấy đã được nhân giống cho cả thôn trồng và tạo nên thương hiệu bưởi Múc ngày nay. Câu chuyện rất bình thường, thực tế, không huyền bí nhưng sáng đẹp lung linh và đầy thi vị.
 Bưởi Múc năm 2015 đã được Sở Khoa học và Công nghệ Lào Cai đăng ký bản quyền thương hiệu sản phẩm. Cũng từ đó, người ta biết đến loại bưởi có hương vị thơm ngon nhiều hơn và cây bưởi ở thôn Múc mới thật sự được quan tâm đầu tư. Hiện nay, quả bưởi sau khi thu hoạch được dán tem chất lượng sản phẩm. Xét về giá trị kinh tế thì khỏi phải bàn, vì đất bãi dọc sông Hồng của xã Thái Niên này chưa cây trồng nào có giá trị qua mặt được. Chăm sóc không cầu kỳ, ít sâu bệnh, đây là cây lưu niên phù hợp với đất bồi màu mỡ ven sông. Nhờ những lợi thế đó mà vài năm nay, người dân thôn Múc đã ồ ạt phát triển trồng mới. Đây cũng là một thách thức đặt ra cho các nhà quản lý về quy hoạch và bảo tồn thuần chủng nguồn gen. Làm thế nào để bưởi Múc phát triển bền vững cả về sản lượng và chất lượng? Làm sao sản phẩm tiêu thụ ổn định? Lời giải vẫn còn bỏ ngỏ.
Được biết, Viện Nghiên cứu phát triển cây trồng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang trợ giúp kỹ năng chăm sóc và bảo đảm nguồn giống thuần. Hiện, vườn ươm cây giống được đặt trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân yên tâm sản xuất. Năm 2016, vườn giống đã ươm ghép được 30.000 cây và chuyển giao công nghệ, kỹ thuật chăm sóc cho nông dân theo tiêu chuẩn VietGAP. Tiêu chuẩn này giúp vườn cây phát triển bền vững và đảm bảo sản phẩm an toàn.
Rời thôn Múc, chúng tôi sang đò, dòng sông rờ rỡ sắc hồng. Trong tôi cứ dội lên bao điều thắc thỏm mừng lo. Những vị khách sang sông vội vã kia có nhiều người là thương nhân đến đây đặt hàng trước để đợi mùa thu hoạch. Sự tấp nập ấy đến với thôn Múc vẫn thấy có điều gì mong manh, chấp chới. Cho dù đã có những công ty lớn về thôn Múc đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm, nhưng câu chuyện ấy vẫn chỉ đang trên bước tìm hiểu.
Tôi thầm mong ngày nào đấy trái bưởi Múc sẽ góp mặt trên kệ hàng các siêu thị sang trọng lớn, như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh… và còn “xuất ngoại” nữa. Sao lại không?  
Làng Múc - Lào Cai 8/2016   

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Tập huấn áp dụng giảm nhẹ rủi ro do thiên tai vào chương trình giáo dục

Tập huấn áp dụng giảm nhẹ rủi ro do thiên tai vào chương trình giáo dục

Sáng 12/5, tại thành phố Lào Cai, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phối hợp với Vụ Cơ sở vật chất (Bộ giáo dục và Đào tạo) tổ chức tập huấn cho 60 cán bộ quản lý, giáo viên của tỉnh về giảm nhẹ rủi ro do thiên tai vào chương trình giáo dục cho học sinh cấp trung học cơ sở.

Phát huy vai trò của điều dưỡng trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân

Nhân ngày Quốc tế Điều dưỡng (12/5): Phát huy vai trò của điều dưỡng trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân

Ngày Quốc tế Điều dưỡng (12/5) năm nay, Hội đồng Điều dưỡng quốc tế (ICN) đưa ra thông điệp: “Điều dưỡng của chúng ta, tương lai của chúng ta. Chăm sóc sức khỏe cho người điều dưỡng cũng là tăng cường hiệu quả về kinh tế”. Thông điệp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường sức khỏe và hạnh phúc của các điều dưỡng, đồng thời kêu gọi coi trọng, bảo vệ, đầu tư cho điều dưỡng vì một tương lai bền vững cho ngành điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Vẫn còn nhiều trẻ mắc sởi do cha mẹ chủ quan không tiêm vaccine

Vẫn còn nhiều trẻ mắc sởi do cha mẹ chủ quan không tiêm vaccine

Mặc dù các phương tiện truyền thông đại chúng đã dành nhiều thời lượng tuyên truyền về phòng tránh bệnh sởi, về chiến dịch tiêm vaccine sởi, nhưng vẫn có nhiều phụ huynh “quên” tiêm phòng cho con. Điều đó khó tránh khỏi nhiều bệnh nhi nhập viện với biến chứng nguy hiểm.

Lào Cai có 1 bác sỹ được tuyên dương Thầy thuốc trẻ Việt Nam triển vọng

Lào Cai có 1 bác sỹ được tuyên dương Thầy thuốc trẻ Việt Nam triển vọng

Bác sỹ Vàng Seo Sào làm việc tại Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà đã vinh dự được Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tuyên dương là 1 trong 10 "Thầy thuốc trẻ Việt Nam triển vọng". Đây là phần thưởng cao quý dành cho cá nhân có thành tích xuất sắc, đặc biệt trong chuyển đổi số y tế và tiên phong trong khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2023 - 2024.

Chủ trương nhân văn, thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục

Chủ trương nhân văn, thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục

Chủ trương sẽ hướng tới triển khai dạy 2 buổi/ngày tại các trường phổ thông hoàn toàn miễn phí, hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh tại các xã biên giới trong thông báo kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm về giáo dục và đào tạo đang nhận được sự đồng thuận cao từ dư luận xã hội.

Gia tăng ca bệnh sởi nặng

Gia tăng ca bệnh sởi nặng

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, từ tháng 7/2024 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 4.500 ca mắc sởi tại 9/9 huyện, thị xã, thành phố. Đặc biệt, trong những tháng gần đây, số ca mắc sởi gia tăng và nhiều ca diễn biến nặng.

fb yt zl tw