LCĐT - Đến Chí Linh (Hải Dương), mọi người đều muốn một lần ngược sơn về với chốn Tổ Thanh Mai.
Từ Quốc lộ 18, qua hơn chục km, đến xã Hoàng Hoa Thám, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương, đứng dưới chân núi Tam Ban nhìn lên, ai cũng ngỡ ngàng bởi sự kỳ vĩ của núi non và màu xanh ngắt của rừng phong - loài cây vốn chỉ có ở châu Âu. Con đường đổ bê tông phẳng lỳ như dải lụa, uốn lượn đưa chúng tôi lên núi Tam Ban, trên đó có chùa Thanh Mai tọa lạc - một trong những cơ sở quan trọng của Thiền phái Trúc Lâm Tam Tổ, có quan hệ mật thiết với cuộc đời và sự nghiệp của Pháp Loa thiền sư. Chính vì vậy, đến chùa Thanh Mai, người ta như về với chốn Tổ. Điều làm chúng tôi ấn tượng chính là vẻ đẹp quyến rũ của thiên nhiên nơi đây. Theo một số người dân địa phương, bao quanh chùa Thanh Mai là những cánh rừng tự nhiên với sự xuất hiện của cây phong - loại cây chỉ có ở châu Âu. Cây phong tập trung chủ yếu ở sườn

Theo sử cũ ghi lại, chùa Thanh Mai được xây dựng vào thời Trần và phát triển thành đại danh lam dưới thời Thiền sư Pháp Loa và người kế nhiệm là Thiền sư Huyền Quang. Chùa được dựng trên núi cao, nên từ xa đã thấy thấp thoáng chốn thiền môn thiêng liêng, mỗi lần tiếng chuông ngân lên, vang xa muôn dặm như nhắc nhở lòng từ bi của đức Phật trong tiềm thức mỗi người. Chùa có quy mô 16 ha và nhiều công trình. Theo bia ký, đây là cơ sở thờ tự lớn bao gồm: Phật điện, nhà tổ, nhà mẫu, tăng đường, nhà khách, gác chuông...
Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, chùa Thanh Mai được phục dựng lại theo nguyên mẫu. Chùa chính có kiến trúc kiểu chữ Đinh với 7 gian tiền đường, 3 gian hậu cung. Từ chùa chính qua một khoảng sân rộng phía sau là nhà Tổ. Nhà Tổ được dựng theo kiểu kiến trúc chữ Nhị, gồm 10 gian. Nhà mẫu được khởi dựng năm 2007 và hoàn thành năm 2008 với kiến trúc kiểu chữ Đinh, gồm 3 gian tiền đường, 1 gian hậu cung. Bên phải chùa là nhà khách gồm 7 gian theo kiểu kiến trúc “chồng rường bát đấu”. Cùng với các công trình kiến trúc bề thế, chùa còn giữ được nhiều hiện vật có giá trị, như Viên Thông Bảo Tháp xây năm 1334, tháp Phổ Quang xây năm 1702, tháp Linh Quang xây năm 1703 cùng 5 ngôi tháp khác. Trong chùa còn giữ được 6 tấm bia thời Trần và Lê, đặc biệt Thanh Mai Viên Thông tháp bi là tấm bia được coi như bảo vật quốc gia được dựng khắc năm 1362, ghi lại thân thế, sự nghiệp của Đệ Nhị Tổ Thiền phái Trúc Lâm.
Chùa Thanh Mai thu hút rất nhiều sự quan tâm của chư tôn đức, tăng ni, các nhà nghiên cứu và nhân dân thập phương hướng về chốn Tổ. Ngày mất của Thiền sư Pháp Loa trở thành ngày hội chùa. Hội bắt đầu từ mùng 1 - 3/3 âm lịch. Lễ hội hằng năm được tổ chức trọng thể với nhiều nghi lễ, như giảng kinh, chay đàn... Cùng với di tích Côn Sơn, Yên Tử thì chùa Thanh Mai góp phần làm giàu thêm văn hoá xứ Đông.
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu