Vàng A Giang với tình yêu thơ ca

Với hàng chục bài thơ được đăng trên các báo và tạp chí văn nghệ các tỉnh trong cả nước, tác giả trẻ người Mông Vàng A Giang ở vùng núi đá Si Ma Cai đang được nhiều bạn đọc yêu thơ biết tới.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
a1.jpg

Hai năm qua, trên một số tờ báo và tạp chí văn nghệ của nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đăng những bài thơ với phong cách mộc mạc nhưng lạ của tác giả trẻ người Mông, sinh sống tại vùng núi đá Si Ma Cai. Song, khi anh đoạt một số giải thưởng trong các cuộc thi thơ thì cái tên Vàng A Giang bắt đầu được công chúng yêu thơ để ý tới.

Trên tờ Báo Lào Cai cuối tuần số 921, ra ngày 18/2/2023 đăng bài thơ của tác giả Vàng A Giang với nhan đề “Giấc mơ hình hạt thóc”. Vàng A Giang viết:

“Những phận người cong như lúa

Những hạt thóc đè nặng phận người

Họ khom lưng đi giữa sao trời vằng vặc

Đời họ đè thân họ

Thân họ đè bóng họ

Những thân phận như hạt thóc

Sà vào lòng mẹ tấm thân gầy…

Những khi mất mùa họ khóc

Giọt nước mắt hình thóc, đâm vào họ lặng im…”.

a5.jpg
Tác giả trẻ Vàng A Giang chụp ảnh lưu niệm cùng các văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh trong các đợt giao lưu, sáng tác.

Những ai đã từng đọc nhiều bài thơ của Vàng A Giang đều có thể nhận ra đây không phải là bài thơ duy nhất của anh viết về cuộc sống của nông dân nói chung, đời sống của đồng bào Mông vùng Tây Bắc nói riêng. Trong những bài thơ Vàng A Giang sáng tác, có nhiều bài thơ viết về đề tài này. Đó là những trăn trở, suy tư chân thật của anh về sự vất vả, nỗi khổ của đồng bào vùng cao nơi mình sinh sống. Những hình ảnh trong thơ anh cũng không có gì quá bóng bẩy, cao sang, đó đơn giản là hạt thóc, hạt ngô, cây sa mộc, núi đá, chợ phiên… Đó cũng là những gì gần gũi, thân quen, gắn bó với anh, người vùng cao ai cũng biết.

“Người đồng mình ý chí như cây sa mộc

Núi đá tai mèo đục đẽo thành hốc

Gùi đất dưới thung lên trồng “ngày mai”

Người đồng mình ăn ở tốt

Mưa thuận, gió hòa, nhà nhà đầy ngô

Có mặn nồng tha thiết thì đến chợ phiên

Có yêu nhau thương nhau cho nhau cái bánh ngô”

(Người quê)

Sinh ra và lớn lên ở vùng núi đá Si Ma Cai, tuổi thơ chăn trâu, lấy củi, trèo đá tai mèo trồng ngô, tắm trên dòng suối quê hương, uống dòng nước từ khe đá núi, đắm mình trong dòng dân ca và văn hóa người Mông, Vàng A Giang dành trọn tình yêu cho quê hương.

a3.jpg

Có lẽ chính vì thế, sau khi tốt nghiệp Khoa Viết văn - Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, bôn ba ở Hà Nội vài năm, làm đủ công việc để kiếm sống, Vàng A Giang thấy không hợp với nơi ồn ào, anh trở về với núi rừng Si Ma Cai. Những ngày ở phố, tâm hồn chàng trai người Mông không nguôi nhớ về Tây Bắc, không ngừng trăn trở về sự ra đi và trở về:

“Nay Hà Nội gió bấc

Tôi thu lòng xơ xác ngổn ngang

Nghĩ về bình yên chốn cũ

Nghĩ về hình hài mẹ cha

Ở đó có tất cả

Người làng vẫn đêm ngày ra đi

Thành phố này rộng như ký ức

Người làng tôi ở đâu trong thành phố này?”

(Những ngày trong phố)

Và sự thực, chỉ khi trở về với núi rừng, thảo nguyên, với núi đá tai mèo nơi vùng biên cương Si Ma Cai, Vàng A Giang mới được là mình. Hằng ngày, sinh sống trong ngôi nhà nhỏ giữa xã Sín Chéng, Vàng A Giang vừa gắn bó với đồng ruộng, núi rừng, vừa làm thơ về cuộc sống quanh mình. Thơ anh mộc mạc, giản dị như chính con người anh. Chỉ cần đọc tên những bài thơ anh viết, người đọc đã cảm nhận phần nào về điều đó: “Nhớ”,“Trập trùng tình Khâu Vai”,“Say Tây Bắc”, “Chum rượu”, “Nỗi lòng mẹ”, “Tết quê em”, “Ngôi nhà cũ”, “Say ở Nàn Sín”…

a4.jpg

Đọc những bài thơ của Vàng A Giang, người đọc thấy lối thơ mới lạ, ngôn từ mộc mạc như lời ăn, tiếng nói của đồng bào vùng cao. Thơ anh cũng ít sử dụng vần điệu theo lối truyền thống mà chủ yếu là thể tự do, các câu thơ dài, ngắn khác nhau.

Tác giả dường như không quá chau chuốt về kỹ thuật và ngôn từ. Có người nói thơ Giang buồn như giọt nước mắt của người Mông nhỏ xuống đá tai mèo để trồi lên những vạt hoa tam giác mạch. Quả thực, thơ Vàng A Giang luôn chất chứa một nỗi buồn, những trăn trở, suy tư:

“Tôi nhớ mảnh nương nhà tôi

Nằm vắt vẻo trên triền núi

Nghiêng mình dốc, dốc cả những buồn, vui.

Đông về, cây ngô chết cóng

Bố mẹ nhìn các con

Như nhìn những hạt mầm”.

(Nhớ)

Khi được hỏi quan niệm của anh về thơ, Vàng A Giang chia sẻ: Theo tôi, thơ là tiếng lòng của tâm hồn, là nỗi lòng của chính tác giả nên không thể gò ép theo vần điệu, niêm luật khô cứng, hãy cứ để nó tuôn chảy tự do như chính dòng suy tưởng của mình. Tôi ít khi ngồi một chỗ sáng tác thơ mà viết thơ ngay trong khi lên nương, xuống ruộng, đi chợ phiên… Bất kỳ khi nào trong tâm hồn bật ra một ý thơ, tôi sẽ ghi lại một cách chân thật nhất.

a2.jpg

Miệt mài sáng tác thơ với niềm đam mê và tình yêu thơ văn tha thiết, mấy năm qua, chàng trai trẻ người Mông sinh năm 1993 đã viết hơn 40 bài thơ, đăng trên nhiều tờ báo, tạp chí văn học - nghệ thuật các tỉnh trong cả nước, như Lào Cai, Lai Châu, Hòa Bình, Hà Giang, Thái Nguyên, Yên Bái, Huế, Cà Mau… Một số bài thơ của Vàng A Giang còn được đăng trên báo Văn nghệ, Văn nghệ quân đội.

Năm 2019, bài thơ “Nhớ” của Vàng A Giang đoạt giải Nhì cuộc thi thơ và truyện ngắn “Những làn gió Tây Bắc”. Đặc biệt, năm 2022, Vàng A Giang là đại diện duy nhất của tỉnh Lào Cai được mời tham gia Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng và tham gia trại sáng tác tại tỉnh Hà Giang.

a6.jpg

Vàng A Giang lặng lẽ, âm thầm đến với văn chương, ở Vàng A Giang có một điều gì đó rất nhạy cảm với thơ ca.

Mừng như nhặt được vàng khi phát hiện ở vùng đất Si Ma Cai có tác giả trẻ người Mông đam mê thơ ca và đã có những bài thơ được đăng trên các báo, tạp chí văn học - nghệ thuật của cả nước, nhà thơ Pờ Sảo Mìn chia sẻ: Tôi mong Vàng A Giang tiếp tục phát huy năng khiếu và niềm đam mê thơ văn, có thêm nhiều sáng tác mới, trở thành nhà thơ người Mông, tiếp nối các nhà thơ, nhà văn tiền bối người dân tộc thiểu số, góp phần cống hiến nhiều hơn cho kho tàng văn học - nghệ thuật của tỉnh và cả nước.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Múa bút vẽ thư pháp xuân và rồng nước Việt

Múa bút vẽ thư pháp xuân và rồng nước Việt

Nghệ nhân thư pháp Võ Dương, người Việt đầu tiên xác lập kỷ lục thế giới về thư pháp, gửi tặng bạn đọc Thanh Niên những tác phẩm thư pháp lấy cảm hứng mùa xuân trong năm Giáp Thìn, năm "cầm tinh" con rồng.

Nhớ mùa tết xưa!

Nhớ mùa tết xưa!

... đã sống gần hết cuộc đời, đôi chân đã đi khắp đất nước, mà cứ mỗi độ giữa đông trở đi, lòng lại náo nức, rưng rưng nhớ về những mùa tết đẫm đặc tuổi thơ tôi...

Tranh của nghệ sĩ trẻ Tia-Thủy Nguyễn "lấp lánh" tại Paris

Tranh của nghệ sĩ trẻ Tia-Thủy Nguyễn "lấp lánh" tại Paris

"Lấp lánh giữa bao la" là chủ đề của bộ sưu tập gần 20 tác phẩm nghệ thuật của Tia-Thuỷ Nguyễn được triển lãm từ 11/1 đến 24/2 tại phòng tranh Almine Rech Gallery, một trong những phòng triển lãm nghệ thuật nổi tiếng trên thế giới. Đây là đợt triển lãm cá nhân đầu tiên của cô tại thủ đô Paris.

Tiếng hát Mường Hoa

Tiếng hát Mường Hoa

Tiếng hát Mường Hoa là tập thơ song ngữ Việt - Mông, tập hợp những bài thơ mới sáng tác của nhà thơ Pờ Sảo Mìn do tác giả Vàng A Giang biên dịch, hiệu đính tiếng Mông.

Hối hả cùng sự kiện

Hối hả cùng sự kiện

Cũng như các kỳ nghỉ lễ, tết khác, để những cánh sóng vươn xa, tin tức được cập nhật kịp thời, những chương trình nghệ thuật được nối dài, dịp tết Dương lịch 2024, đội ngũ phóng viên, nhà báo, biên tập viên, diễn viên, nghệ sĩ của tỉnh đã có một mùa làm việc không nghỉ, hối hả cùng các sự kiện. Ở mỗi công đoạn, việc làm là sự nghiêm túc, say mê để đưa đến độc giả, khán giả khí thế đầu năm rực rỡ, hân hoan.

Viết cho lòng bình yên nhất

Viết cho lòng bình yên nhất

Tác giả Bùi Quang Vinh đến với văn chương khi đã có đủ những cung bậc cảm xúc sau mấy chục năm trải nghiệm hai chữ "cuộc đời" và điều đó thể hiện khá rõ trong tập tản văn và truyện ngắn “Ban mai trong miền ký ức” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2023).

fb yt zl tw