Ngược dòng lịch sử, ngay sau khi đánh chiếm Bắc Kỳ, năm 1886 quân Pháp ngược sông Hồng lên đánh chiếm Laokay. Từ đó, ý tưởng xây dựng tuyến đường sắt Điền - Việt sẽ hỗ trợ đắc lực cho việc khai thác tài nguyên vùng Tây Bắc Việt Nam và vùng Tây Nam Trung Quốc - nơi được coi là vựa khoáng sản, lâm sản giàu có, đồng thời thúc đẩy quá trình hình thành các đô thị đường sắt đi qua như: Hải Phòng, Hà Nội, Phú Thọ, LaoKay (Việt Nam) và Hà Khẩu, Tân Cai, Kiến Thủy (Trung Quốc).
Năm 1893, chính phủ Pháp đã ký kết thỏa thuận với triều đình nhà Thanh về “Chương trình hội đính đường sắt Điền - Việt”, theo đó cho phép nước Pháp hay các công ty của Pháp có quyền xây dựng một tuyến đường sắt từ Laokay (Việt Nam) đến Côn Minh (Trung Quốc). Ngay sau thỏa thuận, tháng 9 năm 1899, Ngân hàng Hội Lý Đông phương đã thành lập Công ty Đường sắt Điền - Việt để bao thầu và thu hút vốn xây dựng, đoạn cảng biển Hải Phòng - Laokay gọi là “Việt đoạn”, đoạn Hà Khẩu - Côn Minh gọi là “Điền đoạn”.
Tuyến đường sắt theo tiêu chuẩn đường sắt Pháp, có khổ rộng đường ray 1 m, chiều dài toàn tuyến là 855 km, trong đó đoạn trên lãnh thổ Việt Nam dài 389 km, trên lãnh thổ Trung Quốc dài 466 km, kinh phí xây dựng tuyến đường gần 159 triệu franc (theo thời giá khi đó). Đầu năm 1901, tuyến đường được khởi công, sau 10 năm thi công, ngày 1/4/1910, đường sắt từ cảng Hải Phòng (Việt Nam) đi thủ phủ Côn Minh (Trung Quốc) được khánh thành. Đường sắt Điền - Việt xưa được coi là “con đường tơ lụa” mà người Pháp kỳ vọng đã thành hiện thực.
Sau cách mạng thành công, Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo tập trung khai thác tuyến đường sắt này để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc. Tuy nhiên, sau hơn một thế kỷ hoạt động mặc dù được đầu tư, nâng cấp nhưng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội đã lạc hậu, không đảm nhận được vai trò vận tải hàng hóa và hành khách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh. Chính vì vậy, khi đất nước tiếp tục công cuộc đổi mới, bước vào kỷ nguyên vươn mình, Chính phủ đã quyết tâm đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng để gắn kết với mạng lưới đường sắt quốc tế trong thực hiện Chiến lược hợp tác với Trung Quốc trong khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” đáp ứng nhu cầu vận tải với chất lượng cao, nhanh chóng, an toàn.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt mới Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng là dự án quan trọng quốc gia, đã được xác định trong Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, theo nghiên cứu của các đơn vị tư vấn và thiết kế, dự án có điểm đầu tại vị trí nối ray với đường sắt Trung Quốc, thuộc địa phận thành phố Lào Cai và điểm cuối tại cảng Lạch Huyện (thành phố Hải Phòng). Chiều dài tuyến là 417 km, trong đó tuyến chính dài 396,6 km, 2 nhánh kết nối cảng Nam Đồ Sơn và cảng Đình Vũ dài 20,3 km; vận tốc thiết kế tối đa là 160 km/h; đi qua 9 tỉnh, thành phố (Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng). Ga Lào Cai là điểm đầu, qua Hà Nội, ga Nam Hải Phòng (ga lập tàu). Kinh phí đầu tư khoảng 11,6 tỷ USD.
Thực tế, đã có rất nhiều nghiên cứu về tầm quan trọng và vai trò của tuyến đường sắt mới Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh của đất nước.
Theo tính toán của các nhà khoa học, nhu cầu vận tải mạng đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh vào năm 2030 dự kiến là 12,77 triệu tấn hàng hóa và 4,65 triệu hành khách; vào năm 2040 dự kiến là 14,94 triệu tấn hàng hóa và 6,22 triệu hành khách; vào năm 2050 dự kiến là 17,48 triệu tấn hàng hóa và 8,31 triệu hành khách. Vì thế, khi đưa vào vận hành tuyến đường sắt này sẽ kết nối Việt Nam với khu vực Tây Nam Trung Quốc, khu vực Tây Á và sang châu Âu, là động lực rất lớn cho Việt Nam phát triển.
Theo đó, tuyến đường sắt mới sẽ giúp giảm chi phí logistics, rút ngắn thời gian thông quan cho hàng hóa, đặc biệt là nông sản của Việt Nam mà Trung Quốc là thị trường rất lớn. Việc có một tuyến đường sắt kết nối từ tỉnh Vân Nam của Trung Quốc đến cảng biển Hải Phòng của Việt Nam nằm trong sáng kiến “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” mà hai nước đã thống nhất sẽ giúp kim ngạch xuất - nhập khẩu qua Lào Cai tăng vượt bậc và để Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc.
Sau hơn một thế kỷ xây dựng, khai thác, tuyến đường sắt Hải Phòng - Lào Cai - Côn Minh đã cho thấy vai trò rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc Việt Nam và Tây Nam Trung Quốc.
Rồi đây, khi tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Cảng Hàng không Sa Pa được đưa vào vận hành cùng với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai sẽ đưa Lào Cai trở thành “cây cầu lớn”, một cực tăng trưởng, hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế vùng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 11 ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trình bày: Hoàng Thu