Việt Nam được đánh giá có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử nhanh, mạnh nhất khu vực Đông Nam Á. Theo các chuyên gia, lĩnh vực thương mại điện tử một mặt tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nội, song cũng cạnh tranh hết sức khốc liệt khi ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài đẩy mạnh sự hiện diện tại lĩnh vực này.
Bên cạnh rất nhiều lợi thế do tiện ích này mang lại như bán hàng nhanh, tiết kiệm thời gian, thì người tiêu dùng cũng cần tỉnh táo trước các chiêu trò đẩy giá cao rồi khuyến mại hấp dẫn nhằm thu hút khách hàng, cũng như vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng trên môi trường mua sắm trực tuyến...
Lo ngại cạnh tranh không công bằng
Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều quảng cáo bán hàng trực tuyến (online) về bán hàng xuyên biên giới được tung ra nhằm thu hút người tiêu dùng Việt Nam, trong đó nhiều mặt hàng có mức khuyến mại được quảng cáo lên tới trên 50%.
Đáng chú ý, trong tháng 10/2024, sàn thương mại điện tử như Temu đã thu hút mạnh mẽ người tiêu dùng khi hàng hóa được cho là rất rẻ, miễn phí vận chuyển với hy vọng tăng sự hiện diện trong cuộc đua về mua sắm online tại Việt Nam.
Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, cần có những chế tài quản lý chặt chẽ thực tếc nhiều sản phẩm bán trên mạng với mức khuyến mại lên tới 80%.
Trong khi đó, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Quốc hội Hà Nội) lo ngại việc một số sàn thương mại điện tử quảng cáo rất rầm rộ, trong đó hàng hóa rẻ hơn 70% so với mặt bằng chung có thể khiến người tiêu dùng tập trung vào đó mua, song điều này dẫn đến nguy cơ các hàng hóa giá rẻ có thể triệt tiêu nền sản xuất trong nước, khiến các hãng kinh doanh, cửa hàng nội địa phải đóng cửa.
“Cần xem lại chính sách miễn thuế nhập khẩu cho hàng hoá dưới 1 triệu đồng còn phù hợp không trong bối cảnh hàng hóa qua thương mại điện tử xuyên biên giới đang tràn vào chiếm lĩnh thị trường nội địa,” đại biểu Hoàng Văn Cường nêu ý kiến.
Cũng nội dung này, ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho hay Hội thường xuyên khuyến cáo cho người tiêu dùng cần có một sự lựa chọn thông minh khi mua sắm trực tuyến.
“Đầu tiên là lựa chọn sàn thương mại cho chuẩn, sàn được phép vào Việt Nam. Hơn nữa, việc hàng hóa dịch vụ rất đa dạng, cho nên người dùng cũng phải cân nhắc lựa chọn, thấy là phù hợp và tin tưởng thì lựa chọn. Còn nếu không tin tưởng, sự lựa chọn chứa đựng rủi ro, chúng tôi cho rằng hãy dừng lại,” ông Vũ Văn Trung nói.
Tăng cường giám sát hoạt động khuyến mại
Theo các chuyên gia, sự hiện diện của các sàn thương mại điện tử nước ngoài tại Việt Nam ngày càng rõ nét, các doanh nghiệp này không chỉ có lợi thế về giá rẻ mà còn sở hữu hạ tầng logistics mạnh mẽ, khả năng tiếp cận người tiêu dùng trực tiếp thông qua công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) và mô hình bán hàng trực tuyến.
Ông Nguyễn Bình Minh, chuyên gia thuộc Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đánh giá bất cứ doanh nghiệp thương mại điện tử nào cũng phải có chiến lược marketing chu đáo khi vào một thị trường mới, đi kèm với đó là một loạt khuyến mại để thâm nhập thị trường. Sau đó mới có thể mở rộng thị phần của mình và điều đó sẽ gây sức ép đáng kể đối với các đối thủ đang có trên thị trường.
“Nhìn chung trên thế giới và Việt Nam, các doanh nghiệp mới xuất hiện đều có ưu đãi đối với người dùng mới và phải bỏ ra một khoản chi phí nhất định để thu thập người tiêu dùng mới, vì vậy sẽ ảnh hưởng tới thị phần nhất định hiện tại của một số doanh nghiệp,” ông Minh cho hay.
Mặc dù hoạt động này không thể kéo dài, song theo ông Minh điều này sẽ gây sức ép lên thị trường để làm cho mọi người nhận ra việc xuất hiện một thương hiệu mới trên thị trường, đồng thời cũng cảnh tỉnh các doanh nghiệp khác về việc nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm phục vụ người tiêu dùng tốt nhất.
“Các doanh nghiệp mới thường linh hoạt về cơ chế và quy trình nhưng lại hạn chế chưa có thị phần còn các doanh nghiệp đang ở trên thị trường thì có thị phần nhưng nếu cứ duy trì tính trì trệ trong thị phần đó thì dần dần sẽ mất đi tính cạnh tranh và năng lực cạnh tranh ở tốc độ cao, do vậy các doanh nghiệp trong nước cần hoàn thiện dịch vụ để tăng tốc các trải nghiệm của khách hàng, hoàn thiện và đáp ứng khách hàng tốt hơn,” ông Nguyễn Bình Minh nói.
Hiện pháp luật quy định hạn mức khuyến mại, giảm giá không được vượt quá 50% giá của đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại trước thời gian khuyến mại.
Với nội dung này, theo đại diện Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, doanh nghiệp không thể tự đưa ra các chương trình khuyến mại cao (trên 50%), mà vào các giai đoạn thực hiện giảm giá, khuyến mại hoặc các Chương trình khuyến mại tập trung quốc gia, phải đăng ký với cơ quan chức năng để có thể áp dụng mức giảm giá trên 50%.
Từ thực tế tại Việt Nam, chuyên gia này cũng khuyến nghị, người tiêu dùng cần tỉnh táo trong việc mặt bằng giá của thị trường cũng như mức giá “neo” của người bán, bởi theo ông, “đôi khi doanh nghiệp đặt mức giá cao hơn mặt bằng chung thị trường sau đó thực hiện chiết khấu để tạo ấn tượng đó là mức chiết khấu cao."
Vì vậy, cần phân biệt liệu mức giá sau khi chiết khấu và so với mặt bằng của thị trường có phù hợp hay rẻ hơn được nhiều hơn không? thậm chí có việc sau khi giảm giá rồi vẫn xấp xỉ hoặc bằng với mặt bằng giá trên thị trường.
Còn theo ông Hoàng Ninh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số (Bộ Công Thương), theo quy định hiện nay, các chương trình khuyến mại tập trung do cơ quan chức năng thực hiện vào dịp lễ, Tết, mức khuyến mại đối với hàng hóa, dịch vụ tham gia chương trình có thể từ 50% và tối đa là 100%.
Ngoài chương trình trên, việc xử lý vi phạm khuyến mại trên 50% cũng được cơ quan chức năng của Bộ Công Thương (như Cục Xúc tiến thương mại, Tổng Cục Quản lý thị trường và Sở Công Thương) thường xuyên kiểm tra các sàn thương mại điện tử.
"Tương tự, đối với lĩnh vực thuế, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất sửa quyết định 78/TTg năm 2010 của Thủ tướng về miễn giảm thuế đối với các mặt hàng chuyển phát nhanh dưới 1 triệu đồng, bởi việc này cũng tạo ra sự cạnh tranh chưa thực sự công bằng với hàng trong nước," ông Ninh cho hay.
Đại diện Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số cũng khuyến nghị các doanh nghiệp trong nước không ngừng đổi mới cả về chất lượng, bao bì sản phẩm, kết nối với nhau để tạo thành hệ sinh thái nhằm phát huy điểm mạnh của các doanh nghiệp trong nước, để hiểu thị hiếu hơn, gần với người sử dụng hơn, từ đó các doanh nghiệp trong nước sẽ có những lợi thế trước các doanh nghiệp cung cấp trên thương mại điện tử xuyên biên giới.
Về quản lý các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, ông Ninh cũng nêu thực tế do các sàn chưa có trụ sở ở Việt Nam và hàng hóa cung cấp từ bên ngoài vào nên việc theo dõi, giám sát cũng gặp nhiều khó khăn,
“Hiện các cơ quan quản lý Nhà nước đã phối hợp cùng Hiệp hội thương mại điện tử nhằm đảm bảo có đầy đủ thông tin để đưa ra các quyết sách phù hợp, đảm bảo hoạt động của các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam đúng pháp luật, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước cạnh tranh công bằng,” ông Hoàng Ninh nói.
Trong lĩnh vực này, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường truyền thông, hướng dẫn người tiêu dùng tuyệt đối không thực hiện giao dịch với các nền tảng khi chưa được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký tại Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử.
Bộ Công Thương cũng giao Tổng cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, phối hợp với Tổng cục Hải quan tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kho hàng, điểm tập kết hàng hóa (nếu có) của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa được cấp đăng ký.
Đối với Ủy ban Cạnh tranh quốc gia chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng, có những biện pháp tuyên truyền kịp thời đến người tiêu dùng, nâng cao nhận thức về những rủi ro khi mua hàng trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.
Theo quy định về hình thức khuyến mãi tại Việt Nam trong Nghị định 128/2024/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành, sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 81/2018/NĐ-CP, giá trị vật chất dùng để khuyến mại cho một đơn vị hàng hóa, dịch vụ không được vượt quá 50% giá bán ngay trước thời gian khuyến mại của hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại đó.
Cũng theo quy định này, tổng giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại không được vượt quá 50% tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại. Trường hợp tổ chức chương trình khuyến mại tập trung, áp dụng hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại là 100%. Hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại 100% cũng được áp dụng đối với các hoạt động khuyến mại trong khuôn khổ các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng Chính phủ quyết định.