Trụ trì chùa Ba Vàng vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo

Đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết nhiều hoạt động tại chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) và đại đức Thích Trúc Thái Minh (trụ trì) vi phạm quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Chiều 10/1, thông tin với báo chí, bà Nguyễn Thị Định, Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế, Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ) đã đưa ra những nhận định việc thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra tại chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) thời gian qua.

Theo đó, đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết nhiều hoạt động diễn ra tại chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) và đại đức Thích Trúc Thái Minh (trụ trì) đã vi phạm quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

PV: Việc chùa Ba Vàng tổ chức rước và trưng bày cho phật tử và Nhân dân chiêm bái "xá lợi tóc Đức Phật" đã được thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Định: Theo báo cáo của địa phương thì lễ kính mừng 765 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông đản sinh là hoạt động được chùa Ba Vàng tổ chức thường niên từ năm 2021. Nội dung này đã được chùa Ba Vàng thông qua Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh thông báo ngày 29/11/2021.

Ngày 18/12/2023, chùa Ba Vàng có văn bản số 83/TB-CBV về việc "Thông báo thay đổi địa điểm tổ chức đại lễ kính mừng 765 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông đản sinh và ngày tu bát quan trai tháng 11 Âm lịch năm 2023" do Đại đức Thích Trúc Thái Minh trụ trì chùa Ba Vàng gửi UBND thành phố Uông Bí và các cơ quan chức năng của địa phương. Theo văn bản này thì địa điểm tổ chức tại chùa Ba Vàng và thời gian tổ chức từ ngày 22-24/12/2023. Trong thông báo này của chùa Ba Vàng có bổ sung nội dung "cung rước xá lợi Phật", không nêu rõ là xá lợi gì?

Bà Nguyễn Thị Định. - Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế, Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ).

Đối chiếu với các quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo thì chùa Ba Vàng không phải là chủ thể đứng ra thực hiện thông báo danh mục hoạt động tôn giáo bổ sung và thời gian thông báo chỉ 6 ngày trước khi tổ chức. Trong khi quy định tại khoản 3 Điều 43 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo thì "… Đối với hoạt động tôn giáo không có trong danh mục đã thông báo thì người đại diện tổ chức có trách nhiệm thông báo bổ sung theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này chậm nhất là 20 ngày trước khi diễn ra hoạt động". Bên cạnh đó, chùa Ba Vàng cũng không tuân thủ thời gian tổ chức như đã thông báo là từ ngày 22-24/12/2023 mà tổ chức từ ngày 22-27/12/2023.

PV: Theo như thông tin chúng tôi được biết, các hoạt động tại chùa Ba Vàng từ ngày 23-27/12/2023 có sự tham gia của nhiều nhà sư và phật tử người nước ngoài. Theo quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo thì việc mời tổ chức, cá nhân nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện hoạt động tôn giáo có phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền không? Nếu có thì chùa Ba Vàng đã thực hiện quy định này chưa?

Bà Nguyễn Thị Định: Theo quy định tại Điều 48 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo thì tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc trước khi mời tổ chức, cá nhân nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện hoạt động tôn giáo ở một tỉnh có trách nhiệm gửi hồ sơ đề nghị đến UBND tỉnh. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, UBND tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

Đối với các hoạt động tại chùa Ba Vàng có sự tham gia của nhiều nhà sư và phật tử người nước ngoài thì trụ trì chùa Ba Vàng phải có văn bản báo cáo Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Uông Bí để tổ chức này có trách nhiệm gửi hồ sơ đến UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị được chấp thuận. Tuy nhiên, theo báo cáo của tỉnh Quảng Ninh thì các hoạt động nêu trên tại chùa Ba Vàng, UBND tỉnh Quảng Ninh không nhận được văn bản xin phép của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Uông Bí. Như vậy, căn cứ quy định tại Điều 48 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo thì chùa Ba Vàng đã thực hiện không đúng quy định.

PV: Trên các trang fanpage và website của chùa Ba Vàng có đăng tải thông tin về việc Thượng tọa Sayadaw U Wepulla, trụ trì chùa Parami và Bảo tàng Xá lợi Phật Quốc tế được Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng mời về dự lễ kính mừng 765 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông đản sinh và mang"xá lợi tóc Đức Phật" đến chùa Ba Vàng và phát biểu tại buổi lễ? Theo các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh các nhà sư này nhập cảnh với mục đích tham quan, du lịch nên không xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vậy hoạt động của các nhà sư này có phải hoạt động tôn giáo không? Giáo hội Phật giáo Việt Nam có quy định gì về trách nhiệm của trụ trì cơ sở tôn giáo trong trường hợp nêu trên?

Bà Nguyễn Thị Định: Có thể khẳng định rằng, việc Đại đức Thích Trúc Thái Minh trụ trì chùa Ba Vàng mời Thượng tọa Sayadaw U Wepulla, trụ trì chùa Parami và Bảo tàng Xá lợi Phật Quốc tế vào Việt Nam để tham dự lễ kính mừng 765 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông đản sinh và mang "xá lợi tóc Đức Phật" đến chùa Ba Vàng tổ chức cho phật tử và Nhân dân chiêm bái, đồng thời phát biểu tại buổi lễ là hoạt động tôn giáo nhưng lại sử dụng visa nhập cảnh với mục đích tham quan, du lịch là không đúng quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

Mặt khác, theo Điều 79 Quy chế hoạt động Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ IX (2022-2027) quy định "Tổ chức, cá nhân chức sắc Phật giáo nước ngoài vào Việt Nam bằng visa du lịch không được hoạt động tôn giáo tại Việt Nam. Nếu thực hiện hoạt động tôn giáo tại một tự viện, hoặc nhiều tự viện là vi phạm pháp luật. Trụ trì, Trưởng ban Ban Quản trị tự viện phải chịu trách nhiệm hoàn toàn khi để hoạt động tôn giáo trái pháp luật này được thực hiện tại tự viện".

"Xá lợi tóc Đức Phật" được chùa Ba Vàng thông tin là có từ 2.600 năm trước (ảnh: Chùa Ba Vàng).

Như vậy, theo quy định của pháp luật tín ngưỡng, tôn giáo và Quy chế nêu trên của Giáo hội thì trụ trì chùa Ba Vàng phải chịu trách nhiệm hoàn toàn khi để hoạt động tôn giáo trái pháp luật diễn ra tại cơ sở tôn giáo do mình phụ trách. Giáo hội Phật giáo Việt Nam có trách nhiệm xem xét xử lý theo quy định của Giáo hội.

PV: Trên các phương tiện thông tin đại chúng có nhiều hình ảnh về Đại đức Thích Trúc Thái Minh tham gia các hoạt động tôn giáo tại nước ngoài trong năm 2023 (như đi Pakistan, Cu Ba, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Myanmar), vậy khi tham gia các hoạt động tôn giáo tại nước ngoài Đại đức Thích Trúc Thái Minh có phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo không?

Bà Nguyễn Thị Định: Điều 50 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định "Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc trước khi cử chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tham gia hoạt động tôn giáo, đào tạo tôn giáo ở nước ngoài có trách nhiệm gửi hồ sơ đề nghị đến cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở Trung ương". Theo báo cáo của địa phương, trong năm 2023, Đại đức Thích Trúc Thái Minh đã nhiều lần xuất cảnh, nhưng chỉ có một lần tham gia Đoàn của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam dự Hội thảo quốc tế về di sản Phật giáo Gandhara ở Pakistan là xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền; các chuyến xuất cảnh còn lại có hoạt động tôn giáo ở nước ngoài như tham dự Đại lễ Phật đản tại Nhật Bản, giảng pháp cho các phật tử xa xứ tại Hàn Quốc, hành hương về miền đất Phật tại Ấn Độ, đi Cu Ba, Đài Loan và Myanmar theo lời mời của phật tử xa xứ, Ban Tôn giáo Chính phủ đều không nhận được báo cáo của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam về các hoạt động này.

Trước đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có văn bản yêu cầu trụ trì chùa Ba Vàng gỡ bỏ tất cả thông tin giới thiệu về "xá lợi tóc Đức Phật tự chuyển động" gây xôn xao dư luận (Ảnh: Chùa Ba Vàng).

Như vậy, việc Đại đức Thích Trúc Thái Minh xuất cảnh và có các hoạt động tôn giáo ở nước ngoài nhưng không được Giáo hội đề nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật là vi phạm Điều 50 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

PV: Hiện nay, trên một số phương tiện thông tin đại chúng cũng như một số cơ quan chức năng cho rằng, việc tổ chức rước, chiêm bái và trưng bày vật thể được gọi là "xá lợi tóc Đức Phật" của chùa Ba Vàng là vi phạm Nghị định số 23/2019/NĐ-CP ngày 26/02/2019 của Chính phủ quy định về hoạt động triển lãm. Theo bà việc áp dụng Nghị định này đối với hoạt động nêu trên của chùa Ba Vàng có đúng không?

Bà Nguyễn Thị Định: Hiện nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như một số chuyên gia pháp luật có bàn luận về việc áp dụng Nghị định số 23/2019/NĐ-CP ngày 26/02/2019 của Chính phủ quy định về hoạt động triển lãm đối với sự việc tổ chức rước, chiêm bái và trưng bày "xá lợi tóc Đức Phật" tại chùa Ba Vàng. Tôi cho rằng, để có đầy đủ cơ sở pháp lý khẳng định, kết luận việc tổ chức rước, chiêm bái và trưng bày "xá lợi tóc Đức Phật" của chùa Ba Vàng là vi phạm Nghị định số 23/2019/NĐ-CP nêu trên và các quy định pháp luật có liên quan (nếu có), thì các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục xem xét, làm rõ các vi phạm của chùa Ba Vàng, trên cơ sở đó, có quyết định cụ thể về việc áp dụng các quy định của pháp luật đối với các hoạt động đã diễn ra tại chùa Ba Vàng.

PV: Từ sự việc xảy ra tại chùa Ba Vàng vừa qua, theo bà trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trách nhiệm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các tổ chức của Giáo hội thế nào?

Bà Nguyễn Thị Định: Việc Đại đức Thích Trúc Thái Minh mời người nước ngoài vào Việt Nam thực hiện hoạt động tôn giáo không xin phép; việc tổ chức rước, trưng bày "xá lợi tóc Đức Phật" tại chùa Ba Vàng, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh thông báo danh mục hoạt động tôn giáo bổ sung không theo quy định; việc Đại đức Thích Trúc Thái Minh xuất cảnh nhiều lần với mục đích hoạt động tôn giáo ở nước ngoài nhưng không thông qua Giáo hội để đề nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền là vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

Sự việc này đã làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; ảnh hưởng tới uy tín của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Vì vậy, để ổn định tình hình, về phía các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã kịp thời chấn chỉnh và tiếp tục xem xét, xử lý nghiêm, dứt điểm các vi phạm khi có đầy đủ căn cứ pháp luật, đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, bảo đảm các hoạt động của tổ chức, cá nhân tôn giáo tuân thủ pháp luật. Đối với UBND thành phố Uông Bí cần rút kinh nghiệm trong việc tiếp nhận các thủ tục hành chính về tín ngưỡng, tôn giáo, nếu không đúng quy định của pháp luật phải trả lại, yêu cầu tổ chức, cá nhân liên quan bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Phật giáo Quốc tế, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Uông Bí cần chấn chỉnh, yêu cầu Đại đức Thích Trúc Thái Minh rút kinh nghiệm về việc mời tổ chức, cá nhân nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện hoạt động tôn giáo, hoạt động quan hệ quốc tế về tôn giáo, bảo đảm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; tăng cường quản lý chức sắc, chức việc, nhà tu hành; kịp thời có biện pháp chấn chỉnh trong toàn Giáo hội để tạo sự đồng thuận, ổn định, đoàn kết trong nội bộ Giáo hội. Bên cạnh đó, Giáo hội cần xem xét, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của Hiến chương, Quy chế của Giáo hội để đảm bảo kỷ luật, kỷ cương; không để tái diễn các hành vi vi phạm pháp luật tại chùa Ba Vàng cũng như tại các cơ sở tôn giáo thuộc Giáo hội quản lý.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!

Chiều 4/1, Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam họp tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) để xem xét kỷ luật đối với Đại đức Thích Trúc Thái Minh liên quan đến sự việc trên.

Căn cứ báo cáo của chùa Ba Vàng, dư luận xã hội và tác hại của vụ việc, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thống nhất biện pháp kỷ luật đối với Đại đức Thích Trúc Thái Minh.

vtv.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Cách phòng chống bệnh dịch sau bão

Cách phòng chống bệnh dịch sau bão

Trong và sau mưa bão, lũ lụt, vô số các vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ nhiều dịch bệnh, như: sốt xuất huyết, sốt rét, các bệnh đường tiêu hóa, cảm cúm, đau mắt đỏ…

Độ ẩm đất đạt ngưỡng bão hòa, nhiều địa phương nguy cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất

Độ ẩm đất đạt ngưỡng bão hòa, nhiều địa phương nguy cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất

Theo thông tin từ Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh, tối 7/9, do chịu ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 nên các địa phương trong tỉnh nhiều mây, có mưa, mưa rào và dông rải rác. Độ ẩm đất tại nhiều khu vực hiện đã đạt trạng thái gần bão hòa hoặc bão hòa, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, các địa phương trong tỉnh có mưa lớn

Dự báo thời tiết đêm nay và ngày mai (8/9): Ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, các địa phương trong tỉnh có mưa lớn

Theo dự báo của Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh Lào Cai, đêm nay và ngày mai (8/9), do chịu ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 di chuyển về phía Tây nên thời tiết các địa phương trong tỉnh nhiều mây, có mưa, mưa vừa, mưa to và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa rất to. Gió Đông Nam cấp 2 - 3. Vùng cao đêm về sáng trời lạnh, vùng núi cao trời rét.

AI thâm nhập ảnh báo chí: Những gì có thể tin cậy được đã bị thách thức

AI thâm nhập ảnh báo chí: Những gì có thể tin cậy được đã bị thách thức

Mặc dù hình ảnh AI có thể được coi là một thể loại nghệ thuật nhưng nó lại là mối đe dọa thực sự đối với tính toàn vẹn của phóng sự. Đặc biệt, các chuyên gia cũng đặt ra những cảnh báo về đạo đức AI, khi sử dụng AI trong tác nghiệp ảnh báo chí phải phù hợp để nâng cao hiệu quả trong công việc nhưng luôn phải đề cao tính trung thực, tôn trọng sự thật.

fbytzltw