Theo đó, tại mỗi huyện, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh và đơn vị sản xuất giống sẽ lựa chọn một mô hình để trồng thí điểm, với 300 cây giống/mô hình.
Điều kiện tham gia mô hình là hộ có kinh nghiệm trồng chuối và có diện tích trồng chuối đã từng bị nhiễm bệnh vàng lá panama.
Theo đánh giá, giống chuối kháng bệnh vàng lá panama do Viện Nghiên cứu rau quả nghiên cứu, sản xuất có thời gian sinh trưởng ngắn (từ trồng đến thu hoạch khoảng 11 tháng), tỷ lệ cây sống cao, cây sinh trưởng khỏe mạnh, khối lượng buồng trung bình là 20 kg, mẫu mã quả đẹp, phù hợp thị trường nội địa và xuất khẩu.
Đặc biệt là khả năng chống chịu bệnh vàng lá panama cao, với tỷ lệ mắc bệnh chỉ từ 1 - 3% số cây trên một diện tích, trong khi giống khác là 30 – 40% diện tích.
Nhờ tính chống chịu bệnh vàng lá panama cao nên năng suất khảo nghiệm của giống chuối này đạt trên 45 – 50 tấn/ha, trong khi các giống đối chứng chỉ đạt khoảng 20 tấn/ha.
Giống chuối này đã được đánh giá phù hợp cho sản xuất tại các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc.
Chuối là cây trồng chủ lực trong chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa của tỉnh. Tuy nhiên, trong những năm qua, diện tích cây chuối trên địa bàn tỉnh liên tục giảm, trong đó nhiều diện tích chuối bị nhiễm bệnh vàng lá panama buộc phải phá bỏ.
Việc đưa giống chuối kháng bệnh vàng lá panama vào trồng có ý nghĩa quan trọng, giúp khôi phục diện tích chuối trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.