LCĐT - Cách đây 4 năm, tôi có chuyến công tác đến thôn Văng Leng, xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương. Những hình ảnh của một nơi chưa có điện, chưa có đường, sóng điện thoại thì chập chờn cứ ám ảnh tôi mãi. Lần này trở lại, sự đổi thay của “ốc đảo” Văng Leng khiến tôi không khỏi ngỡ ngàng.
Rộn niềm vui mới
Nhớ lại chuyến đi trước, để đến được thôn Văng Leng, chúng tôi phải đi hàng chục km từ trụ sở UBND xã Tung Chung Phố vào xã Nấm Lư, rồi theo con đường đất đá lầy lội như ruộng thụt gần 5 km qua thôn Nấm Oọc mới đến được “ốc đảo” Văng Leng. Phải đi vòng vèo như thế, bởi thôn Văng Leng nằm “treo” bên sườn núi, dưới là thung lũng hẹp, ngày đó chỉ có con đường độc đạo vào thôn nhưng quá xa xôi.
![]() |
Các em học sinh đi học trên con đường bê tông mới. |
Hôm nay, đưa tôi đi trên con đường bê tông còn thơm mùi xi măng uốn lượn như dải lụa vào thôn, anh Nghề Thái Chin, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Văng Leng giọng hỉ hả: Cách đây hai tuần, tuyến đường được đổ bê tông hơn 3,5 km vào thôn đã hoàn thành, giúp bà con đi lại thuận tiện. Vậy là niềm mơ ước bao năm qua đã thành hiện thực. Đây không chỉ là tuyến đường bê tông dài nhất, đẹp nhất trong 10 thôn của xã Tung Chung Phố, mà đường còn có 4 điểm được mở rộng tới 7 – 8 m cho xe ô tô con có thể quay đầu. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước theo chương trình xây dựng nông thôn mới và sự ủng hộ của doanh nghiệp, mỗi nhân khẩu trong thôn đã đóng góp 400.000 đồng để xây dựng tuyến đường. Nhiều hộ còn bỏ tiền làm đường liên gia, ngõ xóm kiên cố, xe máy phi một mạch đến sân nhà.
Cùng với con đường bê tông mới, Văng Leng hôm nay còn có thêm nhiều niềm vui. Tháng 9/2017, đồng bào Nùng Dín trong thôn vỡ òa khi thôn có điện lưới quốc gia, chấm dứt cảnh tăm tối đèn dầu. Có điện rồi, đời sống của bà con cũng tiến bộ hơn, người dân không còn “mù” thông tin nữa, bởi nhà nào cũng sắm ti vi để xem, sắm điện thoại để liên lạc cho tiện, còn lũ trẻ sướng rơn vì được học bài trong ánh điện sáng trưng. Từ năm 2016, thôn Văng Leng đã xây được nhà văn hóa khang trang, ngoài số tiền Nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng, mỗi hộ đã tự nguyện góp 700.000 đồng. Mới đây, mỗi hộ lại góp thêm 300.000 đồng để lát gạch hoa, đổ sân bê tông nhà văn hóa. Đến nay, Văng Leng đã có điểm trường tiểu học và điểm trường mầm non khang trang, học sinh có môi trường học tập tốt. Năm 2017, Phân hiệu Tiểu học Văng Leng đoạt giải Nhất trong Cuộc thi “Điểm trường xanh - sạch - đẹp” do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Khương tổ chức.
Mở hướng làm giàu
Tôi trở lại Văng Leng đúng thời điểm bà con đang rộn ràng thu hoạch lúa trên ruộng bậc thang. Khắp các tràn ruộng từ cao xuống thấp óng một màu vàng, khắp đầu thôn cuối xóm rộn vang tiếng nói cười, nhà nào cũng phấn khởi bởi lúa được mùa. Từ vụ lúa mùa năm 2016, cùng với một số thôn của xã Nấm Lư, xã Lùng Khấu Nhin, thì Văng Leng là thôn duy nhất của xã Tung Chung Phố được chọn thực hiện mô hình cánh đồng một giống, trồng lúa Séng cù đặc sản.
Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nghề Thái Chin cho biết thêm: Trước đây, đồng bào Nùng Dín ở Văng Leng cũng cấy lúa Séng cù, nhưng cấy rải rác, khó phòng trừ sâu bệnh, năng suất không cao. Hai năm qua, thực hiện mô hình cánh đồng một giống, bà con được hỗ trợ một phần giống lúa Séng cù, áp dụng phương pháp canh tác lúa cải tiến SRI, cấy lúa một dảnh, tiết kiệm giống, khoảng cách cấy thưa, do đó cây lúa mập mạp, to khỏe, giảm được sâu bệnh. Năng suất lúa Séng cù năm trước đạt 45 - 47 tạ/ha, năm nay còn cao hơn, giá thóc tươi bán tại ruộng được 15 triệu đồng/tạ, cao gấp 3 lần các giống lúa khác.
Thôn Văng Leng có 80 hộ người Nùng Dín, thì hàng chục hộ thu hoạch từ 2 đến 3 tấn thóc Séng cù. Một số hộ thu hoạch từ 4 tấn thóc trở lên, như Nghề Thái Sung, Nùng Văn Minh, Thền Sỉn Hành, Thền Dỉ Kin, Nghề Thái Phong, Nghề Thái Dong, Nghề Thái Long, Hoàng Văn Tuấn… Nhờ nguồn thu từ cây lúa Séng cù, không ít hộ có cuộc sống ấm no hơn. Gia đình anh Nghề Thái Long đã xây được ngôi nhà hai tầng đầu tiên của thôn.
Không chỉ trông vào cây lúa Séng cù đặc sản, thời gian gần đây, nhiều hộ ở Văng Leng đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao thu nhập. Anh Nùng Chính Vinh dẫn tôi đi thăm vườn cây ăn quả xanh mướt của gia đình. Anh Vinh cho hay: Cuối năm 2017, gia đình đầu tư trồng thử nghiệm một số loại cây ăn quả mới. Hiện nay có hơn 100 cây bưởi Diễn và hơn 200 cây ổi, xoài, táo, cam, chanh. Thật vui vì những cây táo, cây ổi đã ra lứa quả đầu tiên, quả nào cũng to và ngọt, gia đình đang chăm sóc thật tốt để một năm nữa cây cho thu hoạch.
Việc phát triển các loại cây ăn quả hiện nay đang trở thành hướng đi mới của người dân thôn Văng Leng. Ngoài gia đình anh Vinh, ở Văng Leng hiện nay có khoảng 20 hộ tự mua giống bưởi Diễn về trồng với khoảng 800 cây. Sau một năm chăm sóc, cây bưởi Diễn đang phát triển tốt trên đất Văng Leng, hứa hẹn những mùa quả ngọt.
![]() |
Người dân đầu tư trồng bưởi Diễn để nâng cao thu nhập. |
Giữ sắc màu văn hóa Văng Leng
Thôn Văng Leng chia làm hai khu dân cư, trong đó khu Tả Ván có 20 hộ, còn khu Văng Leng có 60 hộ, đều là đồng bào Nùng Dín. Từ xa nhìn lại, Văng Leng mang một sắc màu thâm trầm, hoài cổ với những mái nhà cổ lợp ngói âm dương, phía trên là rừng cây cổ thụ, dưới là sườn núi và thung lũng ruộng bậc thang vàng óng ả. Từ lâu, đồng bào Nùng Dín ở đây đã chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.
Dịp này đến Văng Leng, tôi gặp lại nghệ nhân Lù Phìn Hòa, người có tài làm ngựa giấy và múa ngựa đẹp nổi tiếng khắp vùng núi cao Mường Khương, Si Ma Cai. Hôm nay, công việc thu hoạch lúa trên ruộng bậc thang đã xong, nghệ nhân Lù Phìn Hòa tranh thủ dạy và ôn lại cho học sinh tiểu học ở điểm trường Văng Leng các điệu múa ngựa truyền thống. Nhiều lần được xem nghệ nhân biểu diễn bài múa ngựa hấp dẫn và được chỉ dạy từng động tác, đến nay, một số em tuy học lớp 3 như Lù Văn Thẻ, Vàng Dìn Đô đã có thể múa ngựa khá nhuần nhuyễn. Trên khoảng sân rộng, cùng những bước chân uyển chuyển, tiếng nhạc ngựa rinh reng rộn ràng.
Thầy giáo Vương Quốc Toàn, Phân hiệu Văng Leng, Trường Tiểu học và THCS Tung Chung Phố tươi cười: Điểm trường Văng Leng nằm giữa một vùng văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc Nùng Dín. Bên cạnh dạy kiến thức cho học sinh, thì các thầy cô giáo cũng luôn dạy các em những kỹ năng sống, đặc biệt là ý thức giữ gìn trang phục, tiếng nói, giá trị văn hóa riêng của dân tộc. Nhờ có nghệ nhân Lù Phìn Hòa nhiệt tình truyền dạy mà các em được học các điệu múa, làn điệu dân ca Nùng Dín, từ đó thêm yêu bản sắc dân tộc mình.
Nghệ nhân Lù Phìn Hòa bảo, dù xã hội thay đổi như thế nào, đời sống người dân giàu sang hay còn nghèo khó, thì người Nùng Dín ở Văng Leng vẫn phải giữ lấy bản sắc dân tộc mình. Sau Tết Nguyên đán, đến ngày 30 tháng Giêng năm nào cả thôn cũng mổ lợn, sắm lễ vật để cúng rừng, ngày 2/2 âm lịch thì cúng Thứ tỷ ở miếu đá cổ, cầu mong thần rừng, thổ địa và các vị thần linh phù hộ bà con sức khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm. Qua bao thế hệ, người Nùng Dín ở đây vẫn giữ nghề cắt giấy Chàng Slaw làm cây tiền, nhà táng mỗi khi thôn có đám hiếu, giữ tục hát đối đáp giao duyên trong đám cưới. Rằm tháng 7, nhà nhà đều mổ gà, làm xôi bảy màu dâng cúng tổ tiên và mời khách. Ngày Dậu tháng 8 hoặc ngày Tuất tháng 9 âm lịch, các gia đình đều giữ phong tục làm cơm mới, dâng cúng tổ tiên bát cơm Séng cù dẻo thơm đầu tiên… Những nét văn hóa đó đã in đậm trong đời sống, trở thành sợi dây cố kết cộng đồng.
Buổi chiều ở Văng Leng đến thật êm ả. Mặt trời dần lặn sau dãy núi xa, hắt những tia nắng cuối ngày xuống thung lũng vàng tít tắp. Trên mái ngói âm dương đều như vảy cá chép của những ngôi nhà cổ khói lam chiều quyện bay, nồi cơm Séng cù gạo mới nhà ai đang nấu sao mà thơm quá. Từ bao đời nay, trong những đổi thay, thăng trầm của cuộc sống, Văng Leng vẫn giữ một vẻ bình yên như vậy.