
Qua khảo sát tại 503 địa điểm trên khắp "xứ sở sương mù", các nhà khoa học ghi nhận khí nitrit (NO₂) giảm trung bình 35% và nồng độ bụi mịn PM 2.5 giảm 30%.
NO₂ là khí thải từ động cơ ô tô và lò hơi đốt gas, thường có nồng độ cao xung quanh khu vực phía Nam thủ đô London. Loại khí thải này làm tăng nguy cơ các cơn hen suyễn. Tuy nhiên, mức NO₂ đang giảm nhờ việc sử dụng xe điện và động cơ xăng hiệu quả hơn, cũng như các vùng không khí sạch tại London, Birmingham, Glasgow và các khu vực khác.
Các điểm giám sát vẫn ghi nhận trung bình trong năm ngoái có 40 ngày nồng độ chất gây ô nhiễm vượt quá khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), song con số này đã giảm đáng kể so với 136 ngày vào năm 2015.
Mức NO₂ có khả năng tiếp tục giảm khi việc chuyển đổi sang xe điện ngày càng tăng tốc, trong bối cảnh hơn 20% số xe mới lưu thông hiện nay là xe điện. Tuy nhiên, tiến độ trong việc cắt giảm ô nhiễm từ lò hơi đốt gas lại chậm hơn khi số lượng lắp đặt nhiều hơn 20 lần so với bơm nhiệt.
Các hạt bụi mịn PM 2.5, xuất phát từ các nguồn như lốp xe, ống khói nhà máy và lò sưởi đốt củi, cũng đang giảm. Năm ngoái, các điểm giám sát ghi nhận trung bình chỉ 22 ngày có mức PM 2.5 vượt khuyến nghị của WHO, so với 60 ngày vào năm 2015.
Tuy nhiên, tác giả chính của nghiên cứu James Weber khuyến nghị Anh sẽ phải hợp tác với các quốc gia láng giềng để giảm thêm PM 2.5, vì gió mạnh có thể mang các hạt bụi nhỏ này qua biên giới.
Giám đốc tổ chức từ thiện Mums for Lungs, bà Jemima Hartshorn kêu gọi chính phủ cấm lò sưởi đốt củi để giảm nồng độ PM 2.5. Bà nhấn mạnh WHO đã chỉ rõ rằng ô nhiễm không khí ở mức thấp hơn nhiều so với hiểu biết trước đây vẫn gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe con người và trẻ em là nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất với bệnh hen suyễn. Ô nhiễm không khí cũng gây ung thư ở người lớn không hút thuốc.
Nhà nghiên cứu Weber cho biết Anh đã đạt được tiến bộ, tình trạng ô nhiễm do các phương tiện giao thông đã được cải thiện, nhưng vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Do đó, cần có cả những hành động trong nước và tăng cường hợp tác quốc tế để giảm thiểu tất cả các yếu tố gây ô nhiễm không khí.