Chiều 17/10, Hội tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam công bố kết quả kiểm nghiệm mẫu mắm lấy trên thị trường. Theo đó có 125/150 mẫu khảo sát có ít nhất 1 chỉ tiêu không đạt chất lượng. Đáng lưu ý có 95,65% số mẫu khảo sát có độ đạm từ 40 trở lên bị nhiễm thạch tín hữu cơ vượt ngưỡng.
Ông Vương Ngọc Tuấn công bố kết quả. |
Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, khảo sát này được thực hiện tại 10 tỉnh, thành phố trong cả nước với 150 mẫu nước mắm đóng chai được lấy trên thị trường.
Ông Tuấn công bố kết quả khảo sát cho thấy có 125/150 mẫu khảo sát có ít nhất 1 trong 5 chỉ tiêu kiểm tra không đạt so với tiêu chuẩn hoặc so với công bố trên nhãn hàng hóa.
Cụ thể, có 51% mẫu có kết quả chỉ tiêu Nitơ toàn phần thấp hơn công bố của doanh nghiệp. Cá biệt có tới gần 15% số mẫu có độ đạm thực tế thấp hơn 40% so với trên nhãn.
Thạch tín là hóa chất tự nhiên hiện hữu trong nước, không khí, đất và thực phẩm ở cả hai dạng hữu cơ và vô cơ. Theo FDA, thạch tín hữu cơ đi vào cơ thể nhanh và hầu như vô hại trong khi thạch tín vô cơ (dạng thường thấy ở thuốc trừ sâu và bệnh cho thực vật) có thể là chất độc gây ung thư nếu tiêu thụ hàm lượng cao và lâu dài. |
20% mẫu không đạt chỉ tiêu Nitơ axit amin; 2% mẫu không đạt chỉ tiêu Nitơ ammoniac. Đặc biệt có khoảng 67% mẫu không đạt chỉ tiêu arsen (thạch tín) tổng theo quy định của Bộ Y tế. Tuy nhiên khi thử nghiệm 20 mẫu trong số các mẫu khảo sát có Arsen tổng vượt ngưỡng quy định thì đều không phát hiện Arsen vô cơ, với giới hạn phát hiện là 0,01mg/L.
Theo ông Tuấn, quy định của Bộ Y tế về hàm lượng thạch tín cho phép có trong sản phẩm nước mắm tối đa là 1,0mg/L. Tuy nhiên kết quả thử nghiệm chất này trên các mẫu lấy được cho thấy có đến 101/150 mẫu không đạt quy định.
Cụ thể, hàm lượng Arsen tổng của các mẫu không đạt dao động từ trên 1,0mg/L đến 5mg/L.
Đặc biệt đáng lưu ý, mẫu nước mắm có độ đạm càng cao, tỷ lệ mẫu có hàm lượng Arsen tổng vượt ngưỡng quy định càng tăng. Theo đó có 95,65% số mẫu khảo sát có độ đạm từ 40 trở lên được đánh giá vượt ngưỡng quy định.
Ông Tuấn cho biết thêm 150 mẫu lấy khảo sát này được sản xuất tại cơ sở có địa chỉ tại 19 tỉnh thành gồm: Hà Nội, Thái Bình, Hải Phòng... Trong khi đó, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ trên 200 triệu lít nước mắm.
Từ kết quả này, Hội kiến nghị đến cơ quan chức năng cần nghiên cứu để sớm có quy định về bản chất các loại nước mắm đang được sản xuất, lưu thông trên thị trường.
Đồng thời cần tăng cường kiểm tra về chất lượng, quy trình sản xuất, nội dung ghi nhãn... công bố công khai các kết quả kiểm tra, xử lý để bảo vwej quyền lợi người tiêu dùng.
Hội cũng yêu cầu các công ty phải minh bạch thông tin cho người tiêu dùng về bản chất của sản phẩm nước mắm, từ phương pháp chế biến, nguồn gốc, xuất xứ, thành phần...
Ông Tuấn cũng khuyến cáo người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm nước mắm uy tín, có nguồn gốc rõ ràng để bảo vệ sức khỏe.
Liên quan đến những ồn ào quanh chất lượng nước mắm thời gian qua, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết cơ quan chức năng đang thanh tra chất lượng nước mắm. Ông Phong cho biết sau khi có kết quả thanh tra sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và sẽ thông tin tới các cơ quan truyền thông.