"So với các nước phát triển, đề án nhà vệ sinh tiền tỷ chưa là gì. Ở các nước Anh, Pháp nhà vệ sinh đầu tư hàng mấy chục ngàn euro, số tiền đó không hề lớn, các thiết bị rất cao cấp, mà phải dùng nó chứ không thể dùng nhà vệ sinh thông thường thế kỉ 20 được”, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó cục trưởng Tổng cục Du lịch nói.
Đề án xây dựng 14 nhà vệ sinh công cộng với tổng mức đầu tư là 15 tỷ đồng do Hà Nội đưa ra đã gây rất nhiều tranh cãi trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó cục trưởng Tổng cục du lịch chia sẻ: “Hà Nội là 1 đô thị, 1 thủ đô, người ta phải tính toán đến có những khu vệ sinh đảm bảo văn minh bộ mặt của đất nước. Nhà vệ sinh hiện đại là nhà vệ sinh đạt chuẩn. Hiện đại là ở không gian chật hẹp mà đảm bảo mỹ quan, thiết bị hiện đại cần đầu tư rất lớn”.
Theo ông Cường, so với các nước phát triển, đề án nhà vệ sinh tiền tỷ chưa là gì. Ở các nước Anh, Pháp nhà vệ sinh đầu tư hàng mấy chục ngàn euro, số tiền đó không hề lớn, các thiết bị rất cao cấp, mà phải dùng nó chứ không thể dùng nhà vệ sinh thông thường thế kỉ 20 được.
Ông Cường còn cho rằng việc xây dựng nhà vệ sinh tiền tỷ đáp ứng bộ mặt của thủ đô, không chỉ phục vụ khách du lịch mà cả người dân. Khi mọi người đi qua có nhu cầu vừa đảm bảo nhu cầu thẩm mỹ, yêu cầu kỹ thuật, về yêu cầu của đô thị, về bộ mặt đất nước. Làm ở nhiều nơi chứ không phải ở mỗi trung tâm thành phố.
“Hà Nội đã có trách nhiệm đóng góp cho bộ mặt đất nước, với dân. Nhà vệ sinh tiền tỷ không phải theo tiêu chuẩn thông thường mà theo chuẩn hệ thống hiện đại có yêu cầu rất cao về trang thiết bị và đầu tư”, ông Cường nói.
Không ai lui tới
Sẵn sàng bỏ ra tới 15 tỷ đồng để đầu tư cho 14 nhà vệ sinh bằng thép, mỗi nhà diện tích có vài mét vuông để khắc phục tình trạng "đái đường" đồng thời cũng vì mục đích làm Hà Nội đẹp hơn trong mắt người nước ngoài. Nhưng Hà Nội sẽ khắc phục thế nào, khi có nhà vệ sinh, thậm chí Bộ Công an còn đưa ra cả dự thảo quy định xử phạt 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối hành vi tiểu tiện, đại tiện ở đường phố, trên các lối đi chung ở khu công cộng và khu dân cư mà vẫn bất lực?
“Chán lắm, ít người đi thì chớ, thậm chí có lần mình ngồi đây khách còn tè ngay trước nhà vệ sinh. Có nói thì còn bị chửi lại, không thích, không thèm trả tiền thì làm gì được họ”, một nhân viên quản lý nói.
Chưa nói tới chủ trương kêu gọi thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chủ trương hướng tới hiệu quả, đáp ứng nhu cầu mà Hà Nội, và lãnh đạo các đơn vị tham gia nhiều lần nhấn tới.
"Tôi khóa cửa suốt, có mấy người vào đâu? Khi nào có người hỏi thì tôi mới mở cửa không thì cũng chẳng mở", nam nhân viên quản lý vệ sinh tại điểm Hồ Ngọc Khánh cho biết.
Tại điểm vườn hoa Trần Phú - Nguyễn Tri Phương, nhân viên có tuổi trông coi nhà vệ sinh này than thở: "Từ sáng tới khoảng 11h30 mới có được 2 người hỏi. Ngày nhiều thì được vài chục lượt, ít thì 1-2, thậm chí cả ngày không có người".
Theo đánh giá, hầu hết chỉ có những điểm nhà vệ sinh tại bờ Hồ được cho là sử dụng hiệu quả nhất, có ngày nhân viên phải làm tới 3 ca, còn hầu hết các điểm khác đều bị người dân bỏ quên.
Theo đánh giá của ông Lê Bá Dục – Phó Giám đốc Sở xây dựng đơn vị quản lý 72 nhà vệ sinh giá thấp nhất khoảng gần 700 triệu, cao là gần 1 tỷ, nhà nước đã phải bỏ ra khoản ngân sách hơn 50 tỷ đồng để đầu tư xây dựng rồi giao Sở Xây dựng khai thác.
Với mức phí 2.000 đồng/lượt +70 lượt/ngày, số tiền thu được khoảng 140.000 đồng/ngày. Sở Xây dựng trả lương thế nào cho nhân viên trông coi, nguồn tiền nào đề duy tu, sửa chữa?.
Cái tự thu tự chi, tự nuôi sống như các lãnh đạo thành phố giải thích có phải là: Nhà nước đầu tư cho đơn vị thu?