Báo cáo số 303 do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung ký theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), các nội dung được bổ sung, chỉnh lý tập trung bảo đảm quyền lợi của người lao động, người tham gia bảo hiểm xã hội, đảm bảo an sinh xã hội bền vững.
Đáng chú ý, về tỷ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nam nghỉ hưu có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm: Chính phủ cơ bản thống nhất về nguyên tắc việc tiếp thu, chỉnh lý quy định về tỷ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nam nghỉ hưu có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm nhằm cải thiện hơn tỷ lệ hưởng lương hưu và góp phần giảm bớt chênh lệch về tỷ lệ hưởng lương hưu so với lao động nữ có thời gian đóng tương ứng.
Chính phủ giao cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu, thiết kế phương án chỉ áp dụng với các đối tượng đang được hưởng theo quy định tại Luật BHXH năm 2014 để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trước đó, tại các buổi lấy ý kiến góp ý của công đoàn về Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), đại diện công đoàn cơ sở có góp ý về việc đảm bảo công bằng tỷ lệ hưởng lương hưu giữa nam và nữ khi đề xuất giảm số năm đóng BHXH xuống 15 năm.
Về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để tính mức lương hưu hàng tháng, theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 64 dự thảo thì tuổi nghỉ hưu đối với nam cao hơn nữ 2 tuổi (nam là 62 tuổi và nữ là 60 tuổi). Trong khi đó, tại Khoản 1 Điều 66 dự thảo quy định thời gian đóng bảo hiểm xã hội để tính mức lương hưu hàng tháng của nam lại cao hơn của nữ 5 năm (20 năm đối với lao động nam, 15 năm đối với lao động nữ) là chưa hợp lý, chưa đảm bảo công bằng cho lao động nam. Vì vậy, đề nghị xem xét sửa theo hướng điều chỉnh mức hưởng lao động nam đóng 17 năm, nữ đóng 15 năm thì được hưởng 45% lương; nam đóng 32 năm thì hưởng đủ 75% lương. Điều này hướng tới công bằng và bình đẳng giới giữa nam và nữ.