LCĐT - Dưới tiết trời oi ả của mùa hạ, Thượng tá biên phòng Nguyễn Văn Suất, Phó Bí thư Đảng ủy xã Bản Lầu, huyện Mường Khương dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng lúa ở thôn Na Mạ.
Vừa tới chân ruộng, thấy lúa có biểu hiện bị nhiễm sâu bệnh, anh xắn quần phăng phăng lội xuống kiểm tra rồi trò chuyện, hướng dẫn người dân chăm sóc, trừ bệnh cho lúa. Thấy chúng tôi ngỡ ngàng, Chủ tịch xã Bản Lầu - Dương Hồng Trung cười bảo: Đó là việc làm thường tình của cán bộ Suất! Chính vì sâu sát cơ sở, gần gũi với nhân dân nên đồng chí Suất luôn được bà con tin yêu. Anh luôn là tấm gương sáng về tác phong và trách nhiệm trong thực hiện công việc được giao.
Những năm tháng công tác trong lực lượng bộ đội biên phòng, trải qua nhiều cương vị và địa bàn khác nhau, anh Suất đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Khi cấp trên có chủ trương tăng cường cán bộ biên phòng về các xã biên giới công tác, anh đã đề đạt nguyện vọng và được chấp thuận. Đảm nhiệm chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy xã Bản Lầu, anh được Đảng ủy xã phân công theo dõi, phụ trách công tác phát triển đảng viên ở các chi bộ thôn biên giới và tham mưu giữ gìn chủ quyền, an ninh biên giới, nhất là công tác đối ngoại biên phòng, ngoại giao nhân dân.
Thượng tá Suất thường xuyên xuống các thôn, bản tìm hiểu thực tế địa phương, xây dựng tình cảm quân - dân. |
Do địa bàn mới nên thời gian đầu, anh Suất phải bỏ nhiều công sức tìm hiểu thực tế địa phương. Xã Bản Lầu có thôn Na Lốc 4 và thôn Cốc Phương kết nghĩa với 2 thôn biên giới của nước bạn. Để duy trì hiệu quả hoạt động kết nghĩa, hằng năm, các thôn luân phiên tổ chức gặp mặt, trao đổi công tác và giao lưu văn hóa, văn nghệ với sự tham gia của đại diện chính quyền địa phương và các hộ. Anh được giao nhiệm vụ chính là chuẩn bị các điều kiện và phối hợp tổ chức các hoạt động. Trước khi diễn ra giao lưu, anh tham mưu cho xã cách thức tổ chức, đồng thời trực tiếp đứng lớp hướng dẫn các quy định về lễ tân, nghi thức ngoại giao. Những chi tiết nhỏ như cử chỉ, lời nói, trang phục… đều được anh chỉ dẫn tận tình, cụ thể, dễ nhớ, dễ hiểu để các đại biểu nắm được, thực hiện đúng. Qua mỗi lần tổ chức hoạt động này, các tiết mục văn nghệ của 2 thôn trong xã đều nhận được sự cổ vũ, đón nhận nồng nhiệt từ nhân dân nước bạn.
Thành công đó có sự đóng góp không nhỏ của Thượng tá Suất sau nhiều lần xuống các thôn, bản để lựa chọn và vận động các nhân tố có năng khiếu tham gia tập luyện, trình diễn. Nhiều buổi tối không nghỉ, anh xuống thôn nắm tình hình và động viên bà con tập luyện, rồi cả những lần vượt mưa, gió ngược dốc lên phố huyện, nhờ cán bộ văn hóa sửa bài, dàn dựng tiết mục. Vì nể, vì mến sự nhiệt tình của Thượng tá Suất mà bà con và cán bộ địa phương đã không quản khó khăn, nỗ lực để tổ chức thành công buổi giao lưu, đối ngoại giữa các thôn kết nghĩa ở hai bên biên giới.
Không chỉ góp phần tổ chức tốt các hoạt động giao lưu, đối ngoại định kỳ, Thượng tá Suất đã và đang gấp rút chuẩn bị các điều kiện để sắp tới tổ chức kết nghĩa thêm thôn Na Lốc 3 (xã Bản Lầu, Mường Khương, Lào Cai, Việt Nam) với Đội 5 (thị trấn Nam Khê, Hà Khẩu, Vân Nam, Trung Quốc). Được cấp trên ủng hộ, anh đã tham mưu cho xã cử cán bộ có kinh nghiệm tìm hiểu nguyện vọng của nhân dân 2 bên. Khi biết nhân dân ủng hộ, mong muốn được kết nghĩa để tăng cường tình đoàn kết, hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế, anh tiếp tục tham mưu cho xã, cho Đồn Biên phòng Bản Lầu mời người uy tín phía bạn sang họp, giao lưu, đề đạt nguyện vọng và thống nhất nội dung tổ chức kết nghĩa… Hơn ai hết, những người làm công tác đối ngoại biên phòng như anh hiểu rõ khi tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này cần thận trọng, tỉ mỉ nhưng phải khéo léo, tế nhị thì mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thượng tá Suất cũng là người trực tiếp tham mưu cho địa phương thực hiện Quy chế phối hợp giữa Đảng ủy xã với Đồn Biên phòng Bản Lầu trong công tác phòng, chống tội phạm, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Ngoài việc phối hợp phát hiện, xử lý kịp thời, hiệu quả các vụ, việc liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm khu vực biên giới, khi địa bàn xảy ra những vấn đề phát sinh liên quan đến an ninh, trật tự, anh cũng luôn là một trong những cán bộ có mặt sớm nhất để nắm dư luận, ổn định tình hình. Còn nhớ thời gian trước, khi nhận được thông tin người dân một số thôn trong xã bức xúc về việc sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi hoạt động của nhà máy công nghiệp trên địa bàn, anh đã cùng cán bộ xã lập tức xuống hiện trường nắm thông tin và mời bà con về trụ sở xã trao đổi, làm việc. Những ngày sau đó, anh đến từng hộ bị ảnh hưởng để chia sẻ khó khăn, đồng thời động viên, vận động người dân tuân thủ các quy định của pháp luật và gửi kiến nghị, đề xuất tới cơ quan chức năng xem xét, giải quyết.
Với vai trò Phó Bí thư Đảng ủy xã, Thượng tá Suất được cán bộ, đảng viên trên địa bàn nhận xét là “mát tay” trong phát triển đảng viên ở các thôn biên giới. Qua theo dõi, anh nhận thấy việc kết nạp đảng viên ở địa bàn này gặp nhiều khó khăn do nhận thức của đồng bào còn hạn chế, người dân chưa tích cực phấn đấu để được kết nạp Đảng hoặc kết quả phấn đấu tốt nhưng gia đình không muốn cho vào Đảng vì sợ mất nhiều thời gian tham gia công tác xã hội, không chăm lo việc nhà… Vì lẽ đó, có chi bộ vài năm liền không kết nạp được đảng viên; số lượng đảng viên tham gia sinh hoạt ở chi bộ ít. Để giải quyết khó khăn trên, anh Suất đã đề nghị các chi bộ phân công nhiệm vụ cho từng đảng viên phối hợp với các tổ chức đoàn thể tăng cường tuyên truyền trong nhân dân, từ đó dần làm thay đổi nếp nghĩ, nhận thức về Đảng và tự nguyện, tích cực phấn đấu, rèn luyện để được đứng trong hàng ngũ của Đảng…
Nhờ vậy, từ năm 2017 đến nay, một số chi bộ do anh Suất phụ trách đã có những chuyển biến tích cực trong công tác phát triển đảng viên. Tiêu biểu như Chi bộ Na Lốc 4 đã kết nạp thêm 1 đảng viên và đang chuẩn bị tổ chức kết nạp Đảng cho 1 quần chúng ưu tú, tiếp tục bồi dưỡng 2 quần chúng…
Như vẻ bề ngoài giản dị, những việc làm, đóng góp của Thượng tá Nguyễn Văn Suất luôn thầm lặng nhưng đã góp thêm niềm vui, hạnh phúc và bình yên cho nhân dân. Để rồi mỗi ngày trôi qua, anh lại tiếp tục cống hiến, làm việc, đáp lại tấm lòng, niềm mong mỏi của bà con vùng biên giới - những con người nơi “đất khách” mà lâu nay anh coi là người thân trong gia đình.