Quyết định sáng suốt
Nói chuyện hoạt bát cùng nụ cười hiền từ là những ấn tượng đầu tiên của tôi về anh Ma A Chính, Bí thư Chi bộ thôn Cô Tông Bản Vàng, xã Bản Cái. Anh Chính là người dân tộc Mông, sinh năm 1994. Sau khi tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm (Trường Cao đẳng Cộng đồng Lai Châu), anh về quê hương và được giữ chức Phó Trưởng Công an xã Bản Cái. Năm 2019, anh được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Cô Tông Bản Vàng. Là đảng viên trẻ, gánh trên vai trọng trách quan trọng nhưng anh luôn được người dân trong thôn tin tưởng. Cũng nhờ “nói được làm được” nên trận bão vừa qua, Bí thư chi bộ thôn trẻ tuổi đã có quyết định rất đúng đắn khi di dời kịp thời toàn bộ 54 hộ dân với hơn 340 nhân khẩu khỏi vùng sạt lở.
Ngày 10/9, nghe tin nhà cô ruột ở thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc gặp nạn, anh Chính đã nhanh chóng có mặt để tham gia cứu nạn. 1 ngày cùng người dân giành giật sự sống, anh phải chứng kiến những câu chuyện đầy ám ảnh. Cả đêm không ngủ được, lòng anh “như lửa đốt”, lo lắng cho người dân thôn mình.
5 giờ sáng 11/9, anh dậy sớm, một mình đi bộ 8 km đường núi, vượt con suối nước chảy xiết về nhà. Lúc này, vợ anh đang bắt đầu trở dạ đứa con thứ 2. Lo cho vợ “mẹ tròn con vuông” xong, anh Chính lập tức bảo người nhà lấy cáng đưa vợ sang thôn Sín Chải để đảm bảo an toàn, còn anh ở lại cùng đồng chí Trưởng thôn tập hợp người dân để bàn bạc phương án di dời khỏi vùng sạt lở. Sau khi chọn được vị trí phù hợp, anh cùng mọi người tản ra các phía chặt tre, nứa, quế để dựng lều.
Ông Ma A Sủ nhớ lại: "Sáng đó, nghe Bí thư Chi bộ thôn thông báo, tôi cùng mọi người lên ngã 3 để quan sát tình hình mưa bão. Từ trên cao nhìn xuống, quả thực ngọn đồi phía sau nhà tôi có vết nứt lớn chừng gần 1 mét, tôi dặn vợ con nhanh chóng chuẩn bị những đồ dùng cần thiết đi sơ tán gấp".
Chỉ chưa đầy 4 tiếng đồng hồ, toàn bộ các lán sơ tán của người dân đã được dựng xong nhưng đó cũng là lúc tuyến đường từ thôn Cô Tông Bản Vàng xuống trung tâm xã bị sạt, thôn bị cô lập hoàn toàn. Toàn bộ người dân phải chia nhau từng ấm nước, bó rau, quả trứng, tuy nhiên ai nấy đều đã được an toàn.
2 ngày sau khi bị mất kết nối thông tin với chính quyền địa phương, anh Chính mới bắt được sóng điện thoại để gọi báo cáo tình hình với đồng chí Hoàng Tà Tròn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bản Cái. 1 ngày sau đó, con đường đã được thông, đồ tiếp viện đến được tay người dân trong niềm hân hoan, phấn khởi.
Mong "ngày nắng lên"
Con đường từ trung tâm xã Bản Cái lên thôn Cô Tông Bản Vàng dài hơn 7 km, dọc bên đường là những vách núi “no nước” dựng đứng với những vết sạt dài màu nâu đỏ xen lẫn thứ mùi chua nồng khó chịu. Anh Chính chỉ cho tôi phía xa xa là cả một quả đồi bị trôi dạt xuống dưới kéo theo hàng vạn gốc quế mà gia đình anh vất vả vun đắp mấy năm nay.
“Năm ngoái có người trả mua mà tôi tiếc không bán, nghĩ chăm sóc thêm vài năm nữa cho được giá. Giờ thì mất hết rồi” - anh Chính thở dài tiếc nuối.
Đi được một đoạn, tôi và anh Chính phải bỏ xe lại vì đoạn đường phía trước dốc ngược bị sạt bê bết bùn. Anh Chính bảo: "Đêm qua trời lại mưa nhiều. Sáng ra đã thấy nửa quả đồi đổ xuống, tôi cùng vài người dân tranh thủ lấy tre bắc thành "cầu tạm" cho dân đi lấy đồ tiếp tế".
Trên đỉnh con dốc, hơn chục căn lều căng bạt xanh nằm san sát nhau. Trong lều chỉ có những vật dụng cơ bản như chăn, chiếu, quần áo. Ban ngày chỉ có người già, trẻ em và phụ nữ có con nhỏ ở lại lều. Đàn ông, thanh niên về nhà chăm sóc gia cầm, gia súc, đến đêm sẽ trở về lều bạt nghỉ ngơi...
Tranh thủ ngớt mưa, chị Giàng Thị Dúa nhóm bếp củi nấu cho 3 đứa con bữa trưa là mì tôm với rau rừng. Chị Dúa kể lại: Ngày 10/9, nghe lời triệu tập của Bí thư Chi bộ thôn Ma A Chính, cả thôn tập trung ở ngã 3 (điểm cao nhất, nơi giao nhau giữa 2 thôn Cô Tông và Bản Vàng trước khi sáp nhập) cùng nhau quan sát. Cơn mưa kéo dài khiến những quả đồi bao quanh thôn bị “bở” ra thành nhiều vết nứt có thể đổ ụp xuống bất cứ lúc nào. Nhìn thấy mối nguy hiểm, cả thôn quyết định nghe lời anh Chính chia thành 3 nhóm, trong đó 1 nhóm ở nhờ nhà dân ở thôn Sín Chải cách đó 3 km, 1 nhóm di chuyển lên núi cách đó khoảng 6 km đi bộ, nhóm còn lại về phía dưới gần trung tâm xã chặt tre và quế dựng lán ở tạm để đảm bảo an toàn.
“Hơn 10 ngày sống tạm trong lều bạt tạm, 5 người trong gia đình tôi gặp nhiều bất tiện trong sinh hoạt do không có điện, nước. Hằng ngày, chồng tôi phải về nhà chở từng can nước sạch để phục vụ sinh hoạt, nấu nướng. Tuy nhiên, thời điểm này an toàn là trên hết nên chúng tôi vẫn cố gắng khắc phục” - chị Dúa chia sẻ.
Ngước mắt nhìn về phía đồi quế của gia đình đã bị cuốn trôi hoàn toàn, giờ chỉ còn lại 1 vệt nâu kéo dài, ông Mà A Pùa kể: Mấy ngày đầu sau cơn bão, người dân vẫn chưa hết hoang mang. Mặc dù cả thôn có dấu hiệu sạt lở nhưng may mắn vì chưa có nhà nào bị thiệt hại về người. Sau khi lên ở lều tạm, Nhà nước hỗ trợ, nhiều đoàn từ thiện vào phát gạo, thức ăn, quần áo, chăn màn. Người dân giờ không lo đói nhưng vẫn không dám về nhà ở vì sợ khi có mưa, sạt lở tiếp thì nguy hiểm tới tính mạng. “Nhà tôi có 8.000 gốc quế mới trồng được 5 năm chưa được thu hoạch thì đã mất trắng. Giờ tôi chỉ mong có nơi ở mới để dựng nhà kiên cố nhưng khó khăn vì nhà không có mảnh đất nào” - ông Pùa buồn bã.
Ước mong của ông Pùa cũng là ước mong chung của tất cả người dân thôn Cô Tông Bản Vàng. Những lều, nhà bạt tạm thời chỉ là bước đầu giúp người dân vượt qua cơn khốn khó. "Để ổn định lâu dài, người dân mong muốn chính quyền địa phương sớm tạo điều kiện, tìm nơi ở mới an toàn để người dân di dời, xây dựng lại nhà ở giúp an cư lạc nghiệp" - Bí thư Chi bộ thôn Ma A Chính trải lòng.
Thiên tai, dịch bệnh xảy ra thật khó lường và đó cũng là "phép thử" của cán bộ, đảng viên. Mặc dù còn trẻ tuổi nhưng anh Ma A Chính đã làm tròn trách nhiệm "Đảng cử, dân tin" để đưa ra "quyết sách" đúng đắn, giúp dân thoát khỏi vòng nguy hiểm.