Cuối tháng 9/1958, đồng bào các dân tộc Lào Cai vui mừng và tự hào khi được đón Bác Hồ lên thăm. Theo đó, ngày 23/9/1958, chuyến tàu hỏa đặc biệt đưa Bác Hồ và phái đoàn của Chính phủ đến ga Làng Giàng.
Bác đã đến thăm đội thi công cầu, khu lán trại công nhân làm cầu Làng Giàng, sau đó xuống phà qua sông Hồng, lên xe vagông, theo chuyến tàu chở quặng từ Cửa Ngòi về ga Pom Hán để vào thăm công trường Mỏ Cóc, đội máy xúc RYI và các công trường khai thác thủ công. Bác thăm gia đình ông Trần Văn Nỏ, người đầu tiên phát hiện ra quặng apatit; tranh thủ thăm nơi làm việc, nơi ăn ở và nói chuyện với cán bộ, công nhân mỏ cùng Nhân dân xã Cam Đường.
Sau đó, Bác từ Mỏ ra thị xã Lào Cai. Buổi chiều cùng ngày, Bác làm việc với các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đại biểu các ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thị của tỉnh.
Sáng 24/9/1958, Bác gặp gỡ và nói chuyện với Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai tại sân trụ sở Tỉnh ủy (đồi C117 xưa). Tại đây, hàng nghìn đại biểu, cán bộ, công nhân, viên chức, đồng bào các dân tộc, Việt kiều ở Hồ Kiều (Vân Nam - Trung Quốc) và các cháu thiếu nhi đã quây quần, chờ mong Bác. Trong buổi nói chuyện, Bác đã chuyển lời thăm hỏi của Trung ương Đảng, Chính phủ tới cán bộ, chiến sĩ, đồng bào các dân tộc; khen ngợi và biểu dương thành tích mà Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Lào Cai đạt được. Bác căn dặn Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai phải đoàn kết chặt chẽ, tăng gia sản xuất, giữ gìn trật tự an ninh, thuần phong mỹ tục. Cuối buổi nói chuyện, Bác chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu.
Chiều 24/9/1958, Bác xuống Nhà máy điện Lào Cai hỏi thăm công nhân và các chuyên gia Liên Xô, chụp ảnh lưu niệm, sau đó tiếp tục hành trình về thăm tỉnh Yên Bái.
Sự kiện đón Bác lên thăm cách đây 66 năm đã trở thành dấu ấn quan trọng của tỉnh nói chung và thành phố biên cương Lào Cai nói riêng, là hồi ức không bao giờ quên của cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc địa phương. Cuộc sống nơi dấu chân Người qua giờ đây đã nhộn nhịp, sinh sôi. Niềm vinh dự lớn khi được Bác lên thăm, cùng lời căn dặn của Người đã động viên, soi đường, chỉ lối để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc vững bước, xứng danh với Thành phố Anh hùng thời kỳ đổi mới.
Nhớ lời Bác căn dặn, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc thành phố Lào Cai tích cực thi đua học tập, lao động, sản xuất, thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng, chung tay đẩy lùi đói nghèo, kiến thiết vùng biên ngày càng phát triển.
Giữa những ngày thu lịch sử, chúng tôi tới thăm một nhân vật đặc biệt - bà Lương Thị Hải, dân tộc Tày ở tổ 6, phường Xuân Tăng, người được lên tặng hoa Bác Hồ trong dịp Bác thăm Lào Cai 66 năm về trước.
Ở tuổi gần 80, bà Hải vẫn minh mẫn khi nhắc lại kỷ niệm đặc biệt của cuộc đời mình. Dòng hồi ức của bà trở về qua lời kể: Buổi sáng 23/9/1958, khi đang học lớp 3, tôi và các bạn được thầy giáo thông báo nghỉ học để đi thăm mỏ. Tôi cùng các bạn chuẩn bị một bó hoa từ vườn trường rồi bắt đầu đi bộ chừng 1 tiếng đồng hồ vào khu vực Mỏ Cóc. Đến nơi, tôi đã thấy rất đông người dân tập trung ở đó, khi ấy chúng tôi mới hay mình sắp được gặp Bác Hồ. Theo hướng dẫn của thầy giáo, tôi lên bục tặng Bác bó hoa. Bác ôm tôi vào lòng rồi thân mật hỏi chuyện và căn dặn phải cố gắng học tập, cống hiến thật nhiều cho quê hương.
Vâng lời Bác dặn, năm 1966, bà Hải xin vào làm công nhân mỏ Apatit, với công việc khai thác đá và xuất - nhập quặng. Trong suốt quá trình công tác tại mỏ, bà Hải nhiều năm đạt danh hiệu Lao động tiên tiến. Năm 1985, bà vinh dự được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Đến năm 1990, bà nghỉ hưu. Trong cuộc sống đời thường, bà Hải luôn dạy dỗ con cháu chấp hành mọi chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. 4 người con của bà đều đã trưởng thành, người là giáo viên, bác sĩ, người là công nhân mỏ. Những câu chuyện nghe từ bà Hải về kỷ niệm gặp Bác Hồ cùng lời khuyên dạy của Người là động lực để các con của bà nỗ lực trong công tác, cống hiến cho quê hương.
Nối dài những chuyện vui, chúng tôi tìm về vùng cao Tả Phời, nơi sinh sống của phần đông đồng bào dân tộc thiểu số. Bí thư Đảng ủy xã Phạm Huy Bình cho hay, nhớ lời Bác căn dặn năm xưa về thuần phong mỹ tục, cấp ủy đảng, chính quyền và đồng bào nơi đây đã vào cuộc để đẩy lùi hủ tục, nỗ lực xây dựng cuộc sống no ấm. Nhịp sống mới đang về với rẻo cao này chứa đầy niềm tin và hy vọng.
Khắc ghi lời dạy của Bác về tinh thần đoàn kết, đồng bào các dân tộc không phân biệt thành phần, địa bàn, cùng chung sức xây dựng thành phố vùng biên ngày càng phát triển, giúp nhau vượt bao gian khó. Chỉ mới đây thôi, hoàn lưu bão số 3 đã gây ra trận mưa lũ lịch sử trên thành phố vùng biên, khiến cuộc sống của người dân từ phố thị đến rẻo cao bị ảnh hưởng. Vậy nhưng, chính trong khó khăn, tinh thần đoàn kết, yêu thương của đồng bào lại càng tỏa sáng hơn bao giờ hết. Từ những chai nước, suất cơm, manh áo được sẻ chia đến hình ảnh cán bộ, đảng viên và người dân không ngại nguy khó, vất vả thâu đêm vận chuyển đồ đạc, hỗ trợ bà con di chuyển tới nơi an toàn, cùng bận rộn với những chuyến hàng cứu trợ.
Học và làm theo Bác đã trở thành việc làm thường xuyên, liên tục, là nhu cầu tự thân của mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Trong 3 năm, toàn Đảng bộ thành phố đã biểu dương, ghi danh trên 500 lượt tập thể, cá nhân, mô hình mới, cách làm hay; trong đó, Thành ủy công nhận, ghi danh 59 lượt mô hình, 173 lượt tập thể, 213 lượt cá nhân, người đứng đầu tiêu biểu; đề nghị Tỉnh ủy ghi danh 21 lượt mô hình, 29 lượt tập thể, 32 lượt cá nhân. Đặc biệt, trong Đợt thi đua chuyên đề kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ thăm Lào Cai (23/9/1958 - 23/9/2023); 75 năm ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023) đã có 36 cơ quan, đơn vị và 896 cán bộ, đảng viên, Nhân dân đăng ký thực hiện 214 công trình, phần việc.
Hôm nay, việc học Bác đã được cán bộ, đảng viên và Nhân dân ngày càng đưa vào chiều sâu, gắn với tinh thần 7 dám: “Dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách; dám hành động vì lợi ích chung”.
Dù ở thời kỳ, giai đoạn nào, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố luôn khắc ghi lời Bác dạy cách đây 66 năm, coi đây là “kim chỉ nam” dẫn đường trong công cuộc kiến thiết vùng biên của Tổ quốc.